Dịch thuật: Bắc Môn học sĩ

BẮC MÔN HỌC SĨ

          Sau thời Càn Phong 乾封 đời Đường Cao Tông, Võ Tắc Thiên 武则天 bắt đầu tìm kiếm một số tài sĩ văn học, số nhân sĩ trước sau chiêu mộ được rất đông, nổi tiếng có Lưu Huy Chi 刘褘之, Nguyên Vạn Khoảnh 元万顷, Phạm Lí Băng 范履冰, Miêu Thần Khách 苗神客, Chu Tư Mậu 周思茂, Hồ Sở Binh 胡楚兵, Vệ Kính Nghiệp 卫敬业.
          Võ Tắc Thiên triệu những văn sĩ này vào cung, để họ biên soạn các sách như Liệt nữ truyện 列女传, Cổ kim nội phạm 古今内范, Bách liêu tân giới 百僚新诫, Thần quỹ 臣轨, còn để cho họ tham dự triều chính, cùng nghị bàn quân chính đại sự, nắm giữ tấu nghị và biểu sớ của các quan, lấy đó để phân quyền Tể tướng, trở thành một trung tâm chính vụ của triều đình.
          Số văn sĩ mà Võ Tắc Thiên chiêu mộ được xem như túi trí tuệ của Võ Tắc Thiên. Những văn sĩ này đặc biệt được vào cấm trung từ cửa bắc của hoàng cung, không qua nam nha, cho nên người đương thời gọi họ là “Bắc môn học sĩ” 北门学士. Cửa bắc hoàng cung là cấm địa của hoàng gia, là cửa sau của hoàng cung, chỉ có hoàng đế, hậu phi, thái tử, chư vương mới có thể ra vào, cấm vệ quân canh giữ rất nghiêm nhặt, bất cứ thần liêu nào cũng không thể vào. Những văn sĩ này từ cửa bắc vào ra, thực tế đó là một loại đặc ân mà Võ Tắc Thiên ban cho, các văn sĩ nguyện chết vì tri kỉ của mình vô cùng cảm kích, một lòng tuân theo.
          Bắc môn học sĩ quả thực đã có công lao hãn mã giúp Võ Tắc Thiên nắm giữ thiên hạ. Họ có học thức uyên bác, thiên tư thông minh, thường ngày nêu chủ ý, dâng kiến nghị lên Võ Tắc Thiên, đồng thời tạo dư luận, Võ Tắc Thiên vô cùng hài lòng, cũng vô cùng tán thưởng. Võ Tắc Thiên đối với Bắc môn học sĩ rất quan tâm, dường như mỗi ngày đều đi thăm, nghe họ bẩm báo, và trực tiếp ra ý chỉ. Nhiều người trong số họ cũng đảm nhận những chức vụ trọng yếu, trở thành tâm phúc của Võ Tắc Thiên trong việc trị lí quốc sự, địa vị của họ cũng cao. Nhất là Lưu Huy Chi vào năm Tự Thánh 嗣圣thứ nhất khi Võ Tắc Thiên lâm triều, trong việc phế lập Trung Tông 中宗, Duệ Tông 睿宗, ông đã góp sức to lớn, nhân đó mà được đề bạt làm Tể tướng.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 26/11/2017

Nguồn
HOÀNG TRIỀU ĐIỂN CỐ KỈ VĂN
皇朝典故纪闻
Tác giả: Hướng Tư 向斯
Bắc Kinh: Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post