咏菊
待到秋来九月八
我花开后百花杀
冲天香阵透长安
满城尽带黄金甲
(黄巢)
VỊNH
CÚC
Đãi đáo thu lai cửu nguyệt bát
Ngã hoa khai hậu bách hoa sát
Xung thiên hương trận thấu Trường An
Mãn thành tận đới hoàng kim giáp
(Hoàng Sào)
VỊNH CÚC
Đợi đến tiết Trùng Dương vào
tháng 9 mùa thu,
Lúc hoa cúc của ta nở rộ, các
loài hoa khác đều héo úa.
Mùi hương từng trận xông lên trời, thấu đến
Trường An,
Khắp cả kinh thành đều mặc áo
giáp vàng.
Chú thích
1- Cửu nguyệt
bát 九月八: Thời cổ, ngày mồng 9 tháng 9 là tết Trùng Dương, có tập tục lên cao thưởng
cúc. Nói “cửu nguyệt bát” là để gieo vần.
2- Sát 杀: héo rụng.
3- Hương trận 香阵: từng trận từng
trận mùi hương.
4- Hoàng kim
giáp 黄金甲: áo giáp màu vàng, ở đây chỉ màu của hoa cúc.
Giảng giải
Hoàng
Sào ngoài tinh thông võ nghệ ra, còn thích đọc sách, giỏi thơ văn. Ông từng đến
Trường An tham gia khoa cử khảo thí, nhưng không đậu. Sự thất lợi chốn khoa trường
lại khiến Hoàng Sào có sự thu hoạch khác: đó là nhìn thấy sự hắc ám của trường thi và sự hủ
bại của chế độ quan lại, khiến ông đã có thêm nhận thức về bản chất của vương
triều Lí Đường. Sau khi thi không đỗ, hào tình của Hoàng Sào tăng lên, mượn hoa
cúc để bày tỏ hoài bão của mình.
“Đãi
đáo thu lai cửu nguyệt bát”, nói rõ hoa cúc nở rộ là vào mùa thu. Đặc biệt là
ngày mồng 9 tháng 9, đó là tết Trùng Dương truyền thống của Trung Quốc cổ đại.
Vào ngày này, bạn bè tụ họp lại, lên cao uống rượu, thưởng thức hoa cúc, cũng
chính là lúc hoa cúc nở rộ. Phong tục này thịnh hành vào thời Đường, Mạnh Hạo
Nhiên 孟浩然sớm hơn Hoàng Sào 140 năm đã từng hẹn cùng bạn bè:
Đãi đáo Trùng Dương nhật
Hoàn lai tựu cúc hoa
待到重阳日
还来就菊花
(Hẹn nhau đến tết Trùng Dương
Cùng trở về thăm hoa cúc)
Ở đây
Hoàng Sào đặc biệt nhấn mạnh vào ngày “cửu nguyệt bát” này. Dùng 2 chữ “đãi
đáo”, biểu thị lòng tin kiên định: ngày mồng 8 tháng 9 nhất định sẽ tới. Mọi
người đối với tết Trùng Dương cũng luôn hi vọng, 2 chữ “đãi đáo” cũng có tác dụng
làm cho mọi người náo nức nghinh đón, triển hiện cảnh tượng tốt đẹp trước mắt mọi
người.
Câu 2 tả
uy lực của hoa cúc: “Ngã hoa khai hậu bách hoa sát”. Trăm hoa héo rụng với hoa
cúc nở rộ vốn không có mối quan hệ tất nhiên, trong thơ lại tả thành hoa cúc một
khi nở thì trăm hoa khô héo, biến thành mối quan hệ nhân quả, đó chính là cường
điệu uy lực của hoa cúc. Đời Đường sùng thượng mẫu đơn, cho mẫu đơn là quốc
hoa. Theo ghi chép trong Quốc sử bổ 国史补của Lí Triệu 李肇 đời Đường:
Kinh thành quý tộc thượng mẫu đơn tam thập
dư niên hĩ. Mỗi xuân mộ, xa mã nhược cuồng,
dĩ bất đam ngoạn vi sỉ.
京城贵族尚牡丹三十余年矣. 每春暮, 车马若狂, 以不眈玩为耻.
(Quý tộc
ở kinh thành chuộng mẫu đơn hơn 30 năm rồi. Mỗi khi cuối xuân, xe ngựa nườm nượp,
cho rằng nếu không đi thưởng ngoạn là xấu hổ)
Hoàng
Sào lại ngược lại với quan niệm truyền thống, ông ra sức tán thưởng hoa cúc.
“Ngã hoa khai” với “bách hoa sát” trở thành một cặp đối nghịch rõ ràng, thể hiện
tinh thần mạnh mẽ và uy lực cực lớn của hoa cúc. Trùng Dương là tết của hoa
cúc.
Câu 3 tả
mùi. “Xung thiên hương trận thấu Trường An”. Hương ở đây không phải “u hương”,
không phải “thanh hương”, mà là “xung thiên hương trận”. “Thiên” trong xã hội
phong kiến là thần thánh bất khả xâm phạm, và cũng là quyền uy chí cao vô thượng,
là chúa tể của thiên địa vạn vật, ngay cả vị đế vương phong kiến tối cao thống
trị chốn nhân gian cũng chỉ có thể xưng là “thiên tử”. Thiên tử xem trời là cha,
đất là mẹ, tuân theo mệnh lệnh của thượng thiên quản lí muôn dân. Nhưng ở đây,
mùi hương của hoa cúc lại có thể “xung thiên”; không chỉ “xung thiên” mà còn
tràn khắp kinh thành. “Xung” và “thấu” biểu hiện được hoa cúc, từ đó mà thể hiện
khí phách hùng vĩ coi thường trời đất của nhà thơ.
Câu 4 tả
sắc. Nếu như câu 3 truyền cái “thần” của hoa cúc, thì câu 4 lại tả cái “hình” của
hoa cúc. “Mãn thành tận đới hoàng kim giáp”, “mãn thành” ý nói hoa cúc không
nơi nào không có, khắp cả kinh thành đều có; “tận đới” ý nói hoa cúc khắp kinh
thành này, không hoa nào là không khoác lên hoàng kim giáp. Thân khoác hoàng
kim giáp, đứng ngạo nghễ trong gió thu, mặc cho sương lạnh, vẫn kiêu hãnh nở rộ.
Hình tượng này anh hùng biết bao! tuấn vĩ biết bao! Hơn nữa, “mãn thành tận”
như ráng trời chiếu rọi trên bầu trời, như lửa đỏ, rực sáng cả Trường An. Ở đây, ca vịnh và tạo hình không đơn thuần
là chỉ riêng một cây hoa cúc nào đó, mà là “quần tượng anh hùng” hoa cúc.
Bài thơ
lấy cúc để dụ chí, mượn vật để trữ tình, thông qua việc khắc hoạ hình tượng hoa
cúc, ca tụng tinh thần uy vũ của hoa cúc, đã biểu hiện khí phách anh hùng của
tác giả đang chờ đợi thời cơ thay đổi trời đất. Ngày “tết Trùng Dương” của khởi
nghĩa nông dân tới, uy phong sẽ quét sạch giai cấp thống trị phong kiến, chẳng
phải là giống như “trăm hoa” héo rụng sao? Sau khi quân khởi nghĩa rầm rầm rộ rộ
tiến vào Trường An, chiến sĩ nghĩa quân khoác trên người bộ nhung phục, chẳng
phải là giống như khắp cả thành đầy hoa cúc, rực rỡ huy hoàng, uy phong lẫm lẫm
hào khí xung thiên sao? Bài thơ về hoa cúc này ca tụng anh hùng của cuộc khởi
nghĩa nông dân trong xã hội phong kiến.
Bài thơ
tuy chỉ có 4 câu, nhưng tả được tinh thần của hoa cúc, cũng tả được ngoại hình
của hoa cúc, hình thần kiêm bị; vừa tả hương khí hoa cúc xung thiên, lại tả cả
thành đầy giáp vàng hoa cúc, sắc và vị đều có đủ, hình tượng rất phân minh.
Ngôn ngữ chất phác, khí phách hoằng vĩ, tràn đầy sức lực cổ vũ khiến người ta
phấn chấn.
Hoàng Sào 黄巢 (? – 884): người
Oan Cú 冤句 Tào Châu 曹州 (nay là tây nam huyện
Hà Trạch 荷泽 tỉnh Sơn Đông 山东,
sinh ra trong một gia đình buôn muối, tài sản giàu có, bản thân ông cũng theo
việc bán muối lậu. Hoàng Sào giỏi về cưỡi ngựa bắn cung, thích giúp người lúc
nguy cấp; cũng ưa đọc sách, từng tham gia thi Tiến sĩ nhưng không đỗ. Hoàng Sào
bất mãn với chính trị hủ bại của vương triều Đường, năm 875, ông hưởng ứng cuộc
khởi nghĩa của Vương Tiên Chi 王仙芝, thống lĩnh dân
chúng tại Oan Cú khởi nghĩa. Sau khi Vương Tiên Chi bị sát hại, Hoàng Sào tiếp
tục cuộc chiến đấu, lấy hiệu là “Xung Thiên Đại Tướng Quân” 冲天将军, được quần chúng nhân dân ủng hộ. Năm 880 công hãm
Trường An, lên ngôi đế, đặt quốc hiệu là Đại Tề 大,
lấy niên hiệu “Kim Thống” 金统. Sau khi khởi nghĩa
thất bại, Hoàng Sào bị tay phản đồ giết chết.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 28/10/2017
Tết Trùng Dương năm Đinh Dậu
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật