THIÊN QUAN TỨ PHÚC
Thiên Quan
tứ phúc 天官赐福 là câu mà người xưa thường nói. Ví dụ như trong tiểu
thuyết đời Thanh Tỉnh thế nhân duyên truyện
醒世姻缘传 hồi thứ 67 có ghi:
Hựu đáo Tam Quan miếu khấu đầu, chúc tán
Thiên Quan tứ phúc, Địa Quan xá tội, Thuỷ Quan giải ách.
又到三官庙叩头, 祝赞天官赐福, 地官赦罪, 水官解厄.
(Lại đến
miếu Tam Quan, bái lạy Thiên Quan tứ phúc, Địa quan xá tội, Thuỷ Quan giải
ách.)
Đạo
giáo phụng thờ Thiên, Địa, Thuỷ làm thần, cũng gọi là “tam Quan”. Thiên Quan là
một trong “tam Quan”, gọi đầy đủ là “Thượng Nguyên Nhất Phẩm Tứ Phúc Thiên
Quan” 上元一品赐福天官, cũng gọi là “Tử Vi Đại Đế” 紫微大帝, chính là vị Phúc thần chủ quản phân phối phúc khí chốn nhân gian mà mọi
người nói đến.
Về lai
lịch của Phúc thần có liên quan với Mộc tinh 木星.
Thời cổ, mọi người gọi Mộc tinh là “Tuế tinh” 岁星,
họ cho rằng nơi mà có Tuế tinh nơi đó có phúc, vì có thể ban phúc xuống cho dân
nên họ gọi là Phúc tinh, nhân đó trong dân gian có câu “Phúc tinh cao chiếu” 福星高照. Về sau, giống như quá trình bị “nhân hoá” của nhiều vị thần trong Đạo giáo, mọi người lại
đem người mà mình sùng kính và tin tưởng nâng lên thần vị. Nhân vật mà được bước
lên thần vị Phúc tinh đó là Thứ sử Dương Thành 阳城 ở Đạo Châu 道州 đời Đường (nay là huyện Đạo 道
Hồ Nam
湖南).
Dương
Thành 阳城, tự Kháng Tông 亢宗,
người huyện Hạ 夏 Thiểm Châu 陕州 đời Đường (nay thuộc
Sơn Tây 山西). Trong sử có nói, Dương Thành một đời không tranh
đua với ai, hiếu học, thích làm việc thiện, được khen là trung nghĩa. Dương
Thành từ nhỏ nhà nghèo, không có tiền mua sách, với thiên tính ham học, ông xin
vào làm tạp vụ trong thư viện của phủ quan, nhân đó có cơ hội đọc sách. 6 năm
sau, ông thi đậu Tiến sĩ, nhưng không thích làm quan, ẩn cư ở núi Trung Điều 中条. Tể tướng Lí Bí 李泌
kính phục tài đức của Dương Thành, nhiều lần tiến cử ông với Đường Đức Tông, cuối
cùng ông ra làm Gián tránh quan 谏诤官.
Về sau,
Dương Thành nhân vì làm một việc nghĩa, giấu trong nhà mình người bạn bị biếm
nơi xa lén trở về, bị Đường Đức Tông biếm làm Thứ sử Đạo Châu. Sau khi đến Đạo
Châu, Dương Thành ra sức trị quốc, quan tâm dân tình. Trong sử ghi rằng
Trị dân như trị gia, nghi phạt phạt chi,
nghi thưởng thưởng chi.
治民如治家, 宜罚罚之, 宜赏赏之.
(Trị dân như trị nhà của mình, đáng phạt thì phạt, đáng
thưởng thì thưởng)
Cuộc sống
của ông vô cùng kiệm ước, bổng lộc hàng tháng của ông, ngoài giữ lại đủ để chi
dùng dùng ra, số dư ông đưa về phủ quan, đồng thời thường lấy cá thịt của phủ
quan theo quy định cấp cho ông đem để ở bên đường để cho dân được hưởng. Mặt khác, đối với việc thu thuế của triều
đình, ông thường phản kháng lại, vì thế mà đắc tội với triều đình, đành xin từ
chức về quê. Nhân vì ở Đạo Châu có nhiều người lùn, triều đình từng yêu cầu
quan viên địa phương hàng năm tiến cống mấy người vào cung làm quan nô. Khi
Dương Thành nhậm chức, đã dâng thư lên Đức Tông thỉnh cầu xoá bỏ chế độ không
nhân đạo này, đồng thời nói thẳng:
- Nơi đây chúng
tôi chỉ có người dân thấp lùn, chứ không có nô tài thấp lùn.
Đường Đức
Tông xem xong vô cùng xấu hổ, liền bỏ chế độ đó.
Bách
tính ở Đạo Châu cảm kích ân đức của Dương Thành, rủ nhau lấy tên của ông đặt
cho con cháu mình, về sau lại tôn ông làm thần để thờ phụng, xưng là Phúc thần
của Đạo Châu. Từ đó các nơi trong dân gian truyền nhau, Đạo giáo cũng thuận
theo ý dân, suy tôn Dương Thành lên bảo toạ Phúc thần.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/10/2017
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật