Dịch thuật: Thái sư, Thượng thư, Lục bộ

THÁI SƯ , THƯỢNG THƯ, LỤC BỘ

Thái sư 太师
          Chỉ 2 loại chức quan:
          - Thời cổ gọi Thái sư 太师, Thái phó 太傅, Thái bảo 太保là “Tam công” 三公, sau đa phần chỉ là hư hàm gia thêm cho đại quan, biểu thị ân sủng chứ không phải thực chức, như Triệu Phổ 赵普, Văn Ngạn Bác 文彦博 đời Tống, từng được gia hàm Thái sư.
          - Thời cổ gọi Thái tử Thái sư 太子太师, Thái tử Thái phó 太子太傅, Thái tử Thái bảo 太子太保 là “Đông cung tam sư” 东宫三师, đều là thầy dạy của thái tử. Thái sư là nói tắt của Thái tử Thái sư, về sau cũng dần trở thành hư hàm. Như Trương Cư Chính 张居正 đời Minh từng có 8 hư hàm, cuối cùng được gia phong hàm Thái tử Thái sư. Hồng Thừa Trừ 洪承畴đời Thanh cũng được gia phong hàm Thái tử Thái sư, kì thực chưa từng dạy thái tử.
Thượng thư 尚书
          Tên chức quan, bắt đầu có từ thời Chiến Quốc, cũng xưng là “Chưởng thư” 掌书, “Thượng” có nghĩa là nắm giữ. Đời Tần là thuộc quan của Thiếu phủ, coi giữ văn thư trong điện, địa vị rất thấp. Đời Thành Đế 成帝triều Tây Hán, đặt “Thượng thư viên” 尚书员, tấu chương của quần thần đều qua Thượng thư, địa vị tuy không cao nhưng quyền cực lớn. Thời Vũ Đế 武帝đặt ra 5 Thượng thư, bắt đầu phân ra trị lí công việc. Thời Đông Hán chính thức trở thành quan viên giúp hoàng đế xử lí chính vụ, từ đó quyền lực của Tam công yếu đi. Sau thời Nguỵ, Tấn, sự vụ của Thượng thư ngày càng nhiều và phức tạp. Triều Tuỳ đặt Thượng thư sảnh 尚书省, chia làm 6 bộ, thời Đường xác định 6 bộ là Lại , Hộ , Lễ , Binh , Hình , Công , lấy Tả Hữu bộc xạ chia ra quản 6 bộ. Từ đời Tống về sau, chế độ tam sảnh phân lập dần trở thành không danh, hành chính đều quy về Thượng thư sảnh 中书省. Đời Nguyên chỉ tồn tại danh xưng Trung thư sảnh, các quan lại của Thượng thư sảnh lệ thuộc vào Trung thư sảnh. Đầu đời Minh, vẫn còn tồn tại chế độ này, sau phế bỏ Trung thư sảnh, trực tiếp lấy Thượng thư lục bộ chia nhau quản lí chính vụ, Thượng thư lục bộ coi như quốc vụ đại thần. Đời Thanh nối theo, cuối đời Thanh đổi quan chế, gộp
gộp lục bộ, đổi gọi Thượng thư là Đại thần.
Lục bộ 六部
          Gọi chung các bộ trong cơ cấu hành chính trung ương thời cổ, bắt đầu thấy ở thời Tuỳ, Đường. Đầu đời Tuỳ, thiết lập lục bộ là Lại , Từ , Độ chi 度支, Tả hộ 左户, Đô quan 都官 , Ngũ binh 五兵, thuộc Thượng thư sảnh, sau đổi Độ chi thành Dân bộ 民部. Đời Đường đổi Dân bộ thành Hộ bộ 户部, đổi Từ bộ thành Lễ bộ 礼部, đổi Tả hộ thành Công bộ 工部, đổi Đô quan thành Hình bộ 刑部, đổi Ngũ binh thành Binh bộ 兵部. Từ đó về sau, các đời nối nhau theo đó, về cơ bản không thay đổi. Lục bộ nắm giữ đại để là:
          - Lại bộ, nắm giữ việc bổ nhiệm bãi miễn, thẩm tra sắp xếp, xem xét thành tích, thăng chức giáng chức của quan lại.
          - Hộ bộ, nắm  giữ việc đất đai, hộ khẩu, thuế khoá, tài chính.
          - Lễ bộ, nắm giữ điển lễ, khoa cử, trường học.
          - Binh bộ, nắm giữ quân chính toàn quốc.
          - Hình bộ, nắm giữ hình pháp, ngục tụng.
          - Công bộ, nắm giữ công trình, xây dựng, đồn điền, thuỷ lợi.
          Trưởng quan của các bộ gọi là Thượng thư, phó trưởng quan gọi là Thị lang.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 21/10/2017

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Biên soạn: Thiệu Sĩ Mai 邵士梅
                  Đào Tịch Giai 陶夕佳
                  Tưởng Tiểu Ba 蒋筱波
Tam Xuân xuất bản xã, 2008
Previous Post Next Post