BÀN CỔ KHAI THIÊN LẬP ĐỊA
Bàn Cổ 盘古 là một vị thần
khổng lồ trong thần thoại dân gian cổ xưa của Trung Quốc, cũng gọi là Bàn Cổ thị
盘古氏, Hỗn Độn thị 混沌氏. Theo truyền thuyết, thân của ông cao 9 vạn dặm! Bàn
Cổ dựa vào thân thể cao lớn và khí lực cực lớn không gì sánh lại của mình, khai
thiên lập địa, tạo nên một không trung thần bí mĩ lệ và mảnh đất phì nhiêu rộng
lớn của chúng ta ngày nay.
Vào thời
thái cổ xa xưa, cả vũ trụ vẫn còn hỗn độn giống như một quả trứng gà to lớn.
Trong khối hỗn độn này, có một sinh mệnh
vĩ đại, đó chính là Bàn Cổ.
Qua
18000 năm, Bàn Cổ tỉnh dậy từ một giấc ngủ say, thấy chung quanh là một khối
đen ngòm. Bàn Cổ cảm thấy khó chịu, muốn thư giãn gân cốt một chút, nhưng “ quả
trứng gà” bao bọc lấy ông, khiến ông không tài nảo cử động. Bàn Cổ chụp lấy chiếc
rìu lớn bên cạnh, dùng sức vung lên một cái, một tiếng kêu lớn vang lên, “quả
trứng gà” nhanh chóng tách ra, từ bên trong, những thứ nhẹ nhàng trong trẻo từ
từ bay lên cao, hình thành nên bầu trời; những thứ đục và nặng từ từ chìm xuống
hình thành nên mặt đất. Trời đất đã được phân khai như thế! Bàn Cổ sợ trời đất
hợp trở lại nên đầu ông đội trời, chân ông đạp đất, chống đỡ trời và đất tách
ra.
Lại trải
qua 18000 năm nữa, Bàn Cổ thành vị khổng lồ đầu đội trời chân đạp đất, và trời
đất không bao giờ hợp lại nữa. Lúc này, khí lực của Bàn Cổ đã hao tận, và Bàn Cổ
đã ngã xuống chết.
Nhưng,
đôi mắt của Bàn cổ biến thành mặt trời và mặt trăng, hơi thở của ông luân lưu
biến thành gió xuân và mây mù, tóc và râu biến thành rừng cây, hoa tươi và cỏ
xanh, mồ hôi biến thành tinh tú trên bầu trời, tứ chi biến thành núi cao ngũ nhạc,
máu biến thành sông hồ biển lớn .... Bàn Cổ từ hỗn độn hoá dục mà thành đã phân
khai trời đất như thế.
Câu chuyện thần thoại Bàn Cổ khai thiên lập
địa ra đời vào thời viễn cổ xa xưa, lúc mới bắt đầu, mọi người thông qua truyền
miệng mà lưu truyền. Sau, đến thời Tam Quốc cuối thời Đông Hán, một văn nhân
tên Từ Chỉnh 徐整 đã đem câu
chuyện thần thoại này ghi chép lại. Do bởi người thời cổ thiếu tri thức khoa học
tự nhiên, họ cảm thấy thần bí, cho nên bắt đầu suy nghĩ một số vấn đề. Câu chuyện
Bàn Cổ khai thiên lập địa đã biểu đạt sự suy nghĩ và tìm tòi quan sát của người
xưa đối với khởi nguyên của thế giới thần bí, và chính từ “bàn cổ” đã bao hàm ý
nghĩa: “bàn vấn” 盘问 (truy hỏi) và
“tư khảo” 思考 (tìm tòi suy
nghĩ).
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 26/10/2017
Nguyên tác Trung văn
BÀN CỔ KHAI THIÊN TỊCH ĐỊA
盘古开天辟地
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật