Dịch thuật: "Đánh trống kêu oan" ra đời như thế nào

“ĐÁNH TRỐNG KÊU OAN” RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO

          Khi xem truyền hình, chúng ta thường thấy cảnh “đánh trống kêu oan” (kích cổ minh oan” 击鼓鸣冤), tiếng trống vừa vang lên, quan viên lập tức thăng đường xử lí án kiện. Đánh trống kêu oan là phương thức mà bách tính thời cổ Trung Quốc kêu oan. Thế thì phương thức này ra đời như thế nào?
          Tương truyền thời Tây chu, dân thường nếu có oan tình thì có thể đánh trống thỉnh cầu đế vương tiếp kiến. Từ đó, trải qua các triều đại, các hoàng đế đều cho đặt trống ngoài cung, tiếng trống đem những nỗi oan khuất của dân chúng đưa lên triều đình. Trống đó gọi là “đăng văn cổ” 登闻鼓 cũng gọi là “lộ cổ” 露鼓. Đời Hán có người chuyên quản lí trống này, phàm có ai cần đánh trống, quan viên phụ trách lập tức đưa phương tiện, không được cản trở.
          Đánh trống kêu oan chính thức hình thành chế độ tố tụng là vào đời Hán. Phía sau nó có một câu chuyện lưu truyền rộng rãi. Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦 có một người cháu ỷ quyền cậy thế làm càn. Ngày nọ, một thiếu nữ kinh thành tên Tô Tiểu Nga 苏小娥 đang đi trên đường, người cháu của Cao Tổ trông thấy dung mạo như tiên đã nảy sinh tà niệm bèn tiến lại trêu chọc, bị Tiểu Nga tát cho một bạt tai. Cháu Cao Tổ xấu hổ hoá giận, bèn ra tay đánh người. Lúc bấy giờ một hảo hán đi ngang đã bạt đao tương trợ. Cháu Cao Tổ lẽ nào chịu thua, thế là sai thủ hạ ra tay đâm hảo hán, tay thủ hạ đâm hảo hán không thành, trái lại đâm trúng bụng cháu Cao Tổ, phút chốc y ngã lăn ra chết. Bọn nanh vuốt của cháu Cao Tổ vội làm cáo trạng, vu hãm hảo hán giết người. Lưu Bang nghe qua, hạ lệnh bắt giam hảo hán chuẩn bị xử tử.
          Tô Tiểu Nga sau khi thoát hiểm, cảm ơn sâu sắc đã quyết định xông vào kim điện. Nàng cùng em gái mỗi người cầm trống nhỏ và thanh la nhỏ đến trước cổng kim điện, vừa đánh vừa kêu oan. Tiếng trống tiếng thanh la vang lên làm Lưu Bang kinh động. Lưu Bang hỏi nguyên do, Tiểu Nga đáp rằng:
          - Vạn tuế, nếu tiểu nữ không đánh trống thì làm sao gặp được ngài, oan tình của tiểu nữ làm sao được tỏ?
          Tiếp đó Tiểu Nga thuật lại sự việc xấu xa của người cháu Cao Tổ, sau đó chỉ ra hung thủ. Lưu Bang nghe xong, cho triệu tù phạm cùng tay thủ hạ của đứa cháu đến đối chất. Kết quả, tay thủ hạ bị chém, còn hảo hán được phóng thích,  Tiểu Nga bình an trở về nhà. Bách tính nghe tin, không ai là không thán thưởng Cao Tổ anh minh.
          Từ đó về sau, Lưu Bang truyền hạ thánh chỉ, lệnh cho nha môn các cấp phải treo một trống lớn và một chuông lớn hai bên cửa, đồng thời quy định khi chuống trống vang lên, quan viên phải lập tức thăng đường. Đó chính là lai lịch của việc đánh trống kêu oan. Đời Tống, vì để nghị hoà, Khâm Tông 钦宗 đã bãi miễn Lí Cương 李纲 – người của phái chủ chiến, Thái học sinh Trần Đông 陈东dẫn mấy vạn người đánh trống kêu oan, dâng thư yêu cầu phục dụng Lí Cương. Đời Thanh quy định “những việc liên quan đến quân quốc đại vụ, đại tham đại ác, những oan khuất thảm nạn” đều có thể đánh trống. Trình tự tố tụng lên cấp trên từ cơ tầng đến các nha môn nếu không được thân oan, mới có thể đánh trống, nếu không thì sẽ bị xử trọng hình, mà tiếng trống không phải lúc nào cũng đều “trực đạt thánh thính” 直达圣听 (được vua nghe).

                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 25/10/2017

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post