Dịch thuật: Tục vấn danh và hợp canh trong hôn lễ

TỤC VẤN DANH VÀ HỢP CANH TRONG HÔN LỄ

          Vấn danh 问名 là nhà trai sau khi cầu hôn nhờ người mai mối hỏi họ tên và ngày tháng năm sinh của cô gái, chuẩn bị cho nghi thức hợp hôn., là lễ thứ hai trong “lục lễ” ở hôn nhân cổ đại.
          Theo Nghi lễ - Sĩ hôn lễ 仪礼 - 士婚礼, nghi thức vấn danh thời cổ là:
Tân chấp nhạn, thỉnh vấn danh
宾执雁, 请问名
(Khách mang chim nhạn đến làm lễ vật, hỏi tên cô gái)
          Trong hôn lễ thời cổ, vấn danh là một nghi thức vô cùng quan trọng. Trong Thi kinh – Vệ phong – Manh 诗经 - 卫风 - có câu:
Nhĩ bốc nhĩ phệ
Thể vô cữu ngôn
尔卜尔筮
体无咎言
Ý nói anh đã dùng mai rùa và cỏ thi để bói, không có điềm nào là không cát lợi. Phản ánh “vấn danh lễ” mà nam nữ vào thời cổ trước khi đính hôn phải làm, đồng thời cũng bói ngày tháng năm sinh của hai người, nếu như là điềm hung thì không đính hôn.
Tiến hành bói ngày tháng năm sinh của nam nữ, dân gian gọi là “hợp bát tự” 合八字 hoặc “hợp canh” 合庚. Trong mắt người xưa, hợp bát tự vô cùng quan trọng, nó không những ảnh hưởng đến hạnh phúc của vợ chồng; mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc của cả gia đình. Theo truyền thuyết, nếu bát tự của cô gái “khắc phu”, sau khi kết hôn, người chồng sẽ khó mà tránh được cái chết; ngược lại, nếu bát tự của người nam “khắc thê”, sau khi kết hôn, người vợ khó mà tránh
Khỏi cái chết. Bát tự của cô gái nếu phạm vào “sao chổi”, sau khi kết hôn sẽ khiến trong nhà không ngừng phát sinh lộn xộn. Làm sao có thể biết bát tự của hai người hợp hay không hợp? Thời cổ có vu sư chiêm bốc, sau này có thầy xem tướng số chiêm bốc.
          Tập tục vấn danh ở Bắc Kinh thời cận đại, chủ yếu xem năm sinh và cầm tinh của nam nữ có hợp hay không. Nếu không phải là ngựa với trâu, dê với chuột, rắn với hổ, thỏ với rồng, gà với chó, heo với khỉ cùng với nhau thì là hợp.
          Tại vùng Triết Giang, trước đây thịnh hành tục tảo hôn, nam nữ lúc còn nhỏ đã được cha mẹ hai bên đính hôn. Trước khi đính hôn, hai bên phải hỏi rõ năm sinh và cầm tinh của nam nữ, sau đó nhờ thầy tướng số xem qua có “hợp cầm tinh” hay không. Nếu thầy tướng số nói phạm vào đại kị thì cuộc nhân duyên đó coi như huỷ. Gọi là phạm đại kị, đó là chỉ: ngựa với trâu, dê với chuột, rắn với hổ, thỏ với rồng, gà với chó, heo với khỉ. Chỉ có mệnh tướng tương hợp mới có thể đính hôn.
          Tập tục “hợp canh” 合庚 vùng Tuyền Châu 泉州 Phúc Kiến 福建 có nét đặc sắc. Người làm mai trước tiên đưa niên canh của cô gái, đưa cho nhà trai, tục gọi là “sinh nhật” 生日. Nhà trai tiếp nhận, để tờ niên canh đó dưới bát hương ở trang thờ Bồ Tát hoặc dưới bát hương bàn thờ tổ tiên, giữ 3 ngày 3 đêm trong nhà được bình an, cầm thú không xảy ra việc, đồ đạc không vỡ, gọi đó là “tam nhật viên” 三日圆. Sau khi qua được cửa ải này mới tiến một bước điều tra môn phong nữ đức, sau khi đợi nhà trai đồng ý mới viết niên canh của người nam, tục xưng là “thế hệ” 世系, giao cho người làm mai đưa đến nhà gái. Nhà gái cũng phải đợi “tam nhật viên” sau đó mới tiến hành điều tra thế hệ nhân phẩm của nhà trai. Nếu “hợp canh” thì cơ bản coi như đã hoàn thành. Cũng có một số người ngoài tam nhật viên ra còn đem niên canh của nam nữ giao cho thầy tướng số “hợp canh”. Sau khi hợp canh, nhà trai mời tôn thân nữ tính trực hệ đến nhà gái xem qua dung mạo của cô gái, hoặc bàn về nhiều phương diện, để tìm hiểu cô gái có nói lắp hay không, có câm điếc hay không. Thậm chí có người còn xem qua tay của cô gái, nghiệm xem chỉ tay trong lòng bàn tay đứt đoạn hay không. Tập tục này gọi là “thô khán” 粗看. Nếu thô khán không hợp ý, “hợp canh” sẽ huỷ. Tập tục “hợp canh” trong hôn nhân ở Đài Loan cũng tương tự như thế.
          Thời trước, hôn tục vùng Ninh Hương 宁乡 (Hồ Nam 湖南 – ND) rất phức tạp, “hợp bát tự” thông qua người làm mai truyền đạt. Niên canh nhà trai viết lên giấy đỏ, niên canh nhà gái viết lên giấy xanh. Người làm mai chọn “ngày Hoàng đạo” phát “hồng canh” 红庚, hai bên sau khi nhận niên canh, đặt nơi khám thờ thần, đêm khuya để ý lắng nghe xem có phát ra âm thanh nào không; ban ngày cả nhà phải cẩn thận, không được làm tổn hại bất kì đồ đạc nào. 3 ngày 3 đêm như thế, nơi khám thờ không có âm thanh, đồ đạc trong nhà không bị hư tổn thì đó là điềm tốt, nếu không, đành phải thối hồi niên canh. Nếu điềm cát lợi sẽ mời thầy tướng số “hợp hồng canh”. Thầy tướng số sẽ đem ngày tháng năm sinh của nam nữ dựa theo thiên can địa chi “nạp nhân” 纳姻 cùng “12 con giáp” “sắp tứ trụ”. Dựa theo “ngũ hành” 五行 tương sinh tương khắc mà tính toán, nếu như tương khắc gọi là “bát tự bất hợp” 八字不合, nếu tương sinh tương bổ thì gọi là “hợp đắc bát tự” 合得八字, xưng là “Trời sinh một đôi, đất sinh một cặp. Bạc đầu đến già, con cháu đầy nhà” . Thời kì “hợp bát tự” nếu một bên chưa thối hồi canh thư, thì bên còn lại không được lựa chọn đối tượng khác.
          Về tập tục “hợp bát tự”, các nơi không thống nhất, chẳng qua luôn tỉ mỉ. Đơn giản như việc viết kị huý ở canh thư. Thời trước, nhiều nơi khi viết canh thư , trên bàn phải đặt một cặp đèn, ở giữa đặt bút mực và nghiên. Bút phải 2 cây, mực phải 2 thỏi (dùng chỉ đỏ cột lại với nhau). Khi mài mực, 2 thỏi mực phải đồng thời mài một lúc, khi viết canh thư nhà trai dùng một cây bút mới, viết canh thư nhà gái dùng một cây bút mới khác. Bút mực phải thành cặp, ý nghĩa là “song hỉ lâm môn”, “hỉ sự thành song”, biểu thị cát tường. Sinh canh của nam nữ trên canh thư, số chữ phải chẵn. Tục cũ rất chú trọng việc:
Vong nhân bản vị đan, sinh canh bát tự song
亡人版位单, 生庚八字双
(Bài vị người mất thì lẻ, sinh canh bát tự phải chẵn)
Nếu số chữ niên canh là lẻ thì bị cho là không tốt. Tức khi gặp phải số lẻ, cần phải động não làm sao cho thành chẵn. Nhân đó, người viết canh thư thường lo lắng không yên.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 02/9/2017

Nguồn
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post