智少与智多
童子智少 (1), 愈少而愈完 (2); 成人智多 (3), 愈多而愈散 (4).
(小窗幽记)
TRÍ
THIỂU DỮ TRÍ ĐA
Đồng tử trí thiểu (1), dũ
thiểu nhi dũ hoàn (2); thành nhân trí đa (3), dũ đa nhi
dũ tán (4).
(Tiểu song
u kí)
Chú thích
1- Đồng tử 童子: trẻ nhỏ.
Trí 智: trí mưu, kiến thức.
2- Hoàn 完: hoàn chỉnh
3- Thành nhân 成人: người lớn.
4- Tán 散: tán loạn, không
tập trung.
Dịch nghĩa
TRÍ ÍT VÀ TRÍ NHIỀU
Trí mưu
kiến thức của trẻ con tương đối ít, nhưng trí mưu kiến thức của chúng càng ít
thì thiên tính của chúng lại càng hoàn chỉnh; trí mưu kiến thức của người lớn
tương đối nhiều, nhưng trí mưu kiến thức của họ càng nhiều thì tư tưởng của họ càng
tán loạn.
Phân tích và
thưởng thức
Lão Tử 老子 nói rằng:
Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn (1)
为学日益, 为道日损
(Người cầu học, dục vọng của họ
ngày càng tăng; người cầu đạo, dục vọng của họ ngày càng giảm)
Tri thức và học vấn là do tích
luỹ mà có, nhưng một khi tích luỹ đã nhiều, sẽ thành một gánh nặng. Cho nên Lão
Tử chủ trương lúc bấy giờ nên “vi đạo nhật tổn”, ngày ngày càng giảm đi những
kiến giải hư vọng để đạt đến cảnh giới “tuyệt học vô ưu” 绝学无忧. Trí mưu kiến thức của trẻ con tuy tương đối ít,
nhưng chúng đơn thuần mà hoàn chỉnh, quả thực so với người lớn càng dễ cảm nhận
mùi vị sinh mệnh. Có một ví dụ điển hình, trên một tờ giấy trắng, vẽ lên một
vòng tròn, người lớn sẽ cho đó là một vòng tròn, nhưng trẻ con thì lại nói là mặt
trời, là mặt trăng, chiếc bánh v.v... vô cùng đa dạng phong phú. Nhân đó, nhiều
học giả chủ trương nên trở về trạng thái thiên chân của trẻ con, cảm nhận một
cách chân thực sự tồn tại của sinh mệnh. Người sống ở đời, đương nhiên phải cần
tri thức và học vấn, nhưng nếu xem tri thức và học vấn là thủ đoạn để chạy theo
thanh sắc danh lợi, đụng một tí là mắc lỗi, thì không thể từ trong việc học cải
thiện được nhân cách của mình, trí mưu kiến thức của mình càng nhiều thì tư tưởng
càng tán loạn.
Chú của người
dịch
1- Câu này ở chương 48 trong sách Lão Tử 老子
Tiểu song u kí 小窗幽记 là tác phẩm ghi lại những cách ngôn tu thân xử thế do
Trần Kế Nho 陈继儒biên soạn, thể hiện thái độ nhân sinh tích cực của nho
gia về việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tác phẩm này xưa nay được
xem là giai tác về việc tu dưỡng bản thân.
Toàn
sách được chia làm 12 quyển:
quyển 1: tập
tỉnh 集醒 quyển 2: tập
tình 集情 quyển 3: tập
tiễu 集峭
quyển 4: tập
linh 集灵 quyển 5: tập
tố 集素 quyển 6:
tập cảnh 集景
quyển 7: tập
vận 集韵 quyển 8: tập
kì 集奇 quyển 9:
tập ỷ 集绮
quyển 10: tập
hào 集豪 quyển 11: tập
pháp 集法 quyển 12: tập
thiến 集倩
Tiểu song u kí được dùng ở đây do Lôi
Phương 雷芳 chú dịch, Sùng Văn thư cục xuất bản năm 2007, sách
này không chia thành 12 quyển như ở
trên.
Trần Kế Nho 陈继儒 (1558 – 1639):
văn học gia, thư hoạ gia đời Minh, tự Trọng Thuần 仲醇,
hiệu Mi Công 眉公, người Hoa Đình 华亭
Tùng Giang 松江 (nay là Tùng Giang Thượng Hải).
Trần Kế Nho lúc nhỏ đã thông
minh, ông học rộng biết nhiều, giỏi cả thơ lẫn văn, về thư pháp theo Tô Thức 苏轼, Mễ Phế 米芾 nổi tiếng một thời.
Khoảng những năm hai mươi mấy tuổi, ông tuyệt ý với khoa cử, ẩn cư tại Tiểu Côn
sơn 小昆山, sau cất nhà tại Đông Xà 东佘
suốt ngày đóng cửa viết sách. Triều đình nhiều lần cho mời nhưng ông đều lấy cớ
bệnh tật từ chối.
Trần Kế Nho cả một đời đọc rất
nhiều, trứ thuật cũng đồ sộ phong phú. Tác phẩm của ông có Trần Mi Công toàn tập 陈眉公全集 truyền đời.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/9/2017
Nguyên tác
TRÍ THIỂU DỮ TRÍ ĐA
智少与智多
Trong quyển
TIỂU SONG U KÍ
小窗幽记
Tác giả: Trần Kế Nho 陈继儒
Chú dịch: Lôi Phương 雷芳
Sùng Văn thư cục, 2007.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật