Dịch thuật: Giáp cốt văn, kim văn, tiểu triện, đại triện

GIÁP CỐT VĂN, KIM VĂN, TIỂU TRIỆN, ĐẠI TRIỆN

Giáp cốt văn 甲骨文
          Giáp cốt văn là văn tự thời Thương Chu được khắc trên mai rùa xương thú, cũng gọi là quy giáp văn 龟甲文, quy bản văn 龟版文, khế văn 契文, Ân khế 殷契, bốc từ 卜辞, giáp cốt bốc từ 甲骨卜辞, Ân khư văn tự 殷墟文字 ... Trong Hán tự mà chúng ta có thể biết thì giáp cốt văn là văn tự cổ nhất.
Kim văn 金文
          Cũng gọi là “đồng khí minh văn” 铜器铭文 hoặc “chung đỉnh văn” 钟鼎文. Là loại minh văn được khắc hoặc đúc trên những đồ đồng thời Thương Chu, thuộc hệ thống đại triện 大篆. Văn tự trên đồ đồng thời Ân tương đối ít, văn tự trên đồ đồng thời Chu tương đối nhiều, nội dung đa phần là những ghi chép liên quan đến tế tự, ban tặng, chinh phạt, khế ước của giai cấp thống trị.
Tiểu triện 小篆
          Một thể thức của cổ Hán tự. Do bởi tự thể của loại này là tự thể được dùng lúc Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇篁 thống nhất văn tự, cho nên cũng gọi là “Tần triện” 秦篆. Thời Tiên Tần, hình thể văn tự các nước không thống nhất, sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất 6 nước, theo kiến nghị của Lí Tư 李斯, cấm chỉ sử dụng các tự thể của các nước trước khi thống nhất và văn tự khác với văn tự của nước Tần, đồng thời Lí Tư 李斯 làm ra Thương Hiệt thiên 仓颉篇, Trung thư phủ lệnh Triệu Cao 赵高 làm ra Viên lịch thiên 爰历篇, Thái sử lệnh Hồ Mẫu Kính 胡母敬 (1) làm ra Bác học thiên 博学篇, những bộ sách này đều là giáo trình dùng để dạy cho trẻ em học chữ. Đến đời Hán, tự thể tiểu triện được tiếp tục sử dụng. Trong bộ Thuyết văn giải tự 说文解字 của Hứa Thận 许慎thời Đông Hán đã dùng 9353 tự thể tiểu triện để làm tự đầu (chữ xếp đầu tiên ở mỗi loại trong tự điển). Tự thể tiểu triện lấy đầy đặn mượt mà, đối xứng, quy chỉnh, đường nét cong và thẳng đều nhau hình thành đặc điểm. Trong lịch sử phát triển hình thể Hán tự, tiểu triện được xem là hình thức cuối cùng của tự thể cổ văn tự. Thừa tiếp đời trước mở ra cho đời sau, tiểu triện có tác dụng lịch sử trọng yếu.
Đại triện 大篆
          Cũng gọi là “Trứu thư” 籀书. Theo nghĩa hẹp mà nói, nó chỉ Trứu văn 籀文, nhân vì được viết ở Sử Trứu thiên 史籀篇 nên có tên. Theo nghĩa rộng, nó chỉ giáp cốt văn, kim văn. Trứu văn và tiểu triện là văn tự thông hành ở 6 nước thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Chú của người dịch
1- Trong Hán tự đích cố sự 汉字的故事 do Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧 biên soạn, Quang Minh nhật báo xuất bản xã xuất bản năm 2005, tên nhân vật này là Hồ Vô Kính 胡毋敬.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 18/9/2017

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Biên soạn: Thiệu Sĩ Mai 邵士梅
                  Đào Tịch Giai 陶夕佳
                  Tưởng Tiểu Ba 蒋筱波
Tam Xuân xuất bản xã, 2008


Previous Post Next Post