Dịch thuật: Chi Nghiễn Trai là ai

CHI NGHIỄN TRAI LÀ AI

          Phàm những ai yêu thích Hồng lâu mộng 红楼梦 đều biết Hồng lâu mộngChi Nghiễn Trai bình bản 脂砚斋评本. Gọi là Chi Nghiễn Trai bình bản chỉ bản sao Hồng lâu mộng mà trong đó có một số lượng lớn lời điểm bình kí tên là Chi Nghiễn Trai.
          Thế thì, Chi Nghiễn Trai là ai? vì sao lại lấy xưng hiệu này? Muốn rõ vấn đề này, cần phải bắt đầu từ “chi nghiễn” 脂砚.
          Chi nghiễn (cái nghiên mài phấn) phát hiện tại Tứ Xuyên 四川, hiện được lưu giữ tại Viện bảo tàng tỉnh Cát Lâm 吉林. Nghiên này vốn là tên gọi một cái nghiên đá của một kĩ nữ khoảng thời Vạn Lịch 万历 triều Minh tên là Tiết Tố Tố 薛素素 dùng để mài phấn, mặt lưng của nghiên có khắc bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú của danh sĩ Vương Trĩ Đăng 王稚登 đời Minh. Chất liệu của nghiên rất tốt, tạo hình tinh xảo, lại là vật yêu của danh kĩ, có thêm thơ đề của danh sĩ, cho nên rất được mọi người chú ý. Nghiên này truyền đến đời Thanh về tay một văn sĩ, vị này vô cùng yêu quý chiếc “chi nghiễn” này, xem là vật trân quý, cất giữ trong thư phòng. Nhân vì quá yêu thích nên ngay cả thư phòng cũng lấy nghiên này để đặt tên, gọi là “Chi Nghiễn Trai” 脂砚斋, đồng thời dùng “Chi Nghiễn Trai” làm biệt hiệu cho mình. Chi Nghiễn Trai rất thích Hồng lâu mộng mà đương thời gọi là Thạch đầu kí 石头记, từng dốc lòng nghiên cứu qua bộ sách này. Khi nghiên cứu, vị này đã viết ra những lời phê bình ngay trong sách, có chỗ phê ở trên, có chỗ phê ở giữa hàng, có chỗ phê ở dưới, lại còn tổng phê ở hồi đầu, tổng bình ở hồi cuối, tổng cộng lên đến hơn 3000 điều, trong đó kí tên có 174 điều. Tên được kí không phải hoàn toàn là Chi Nghiễn Trai, mà còn là Ki Hốt Tẩu 畸笏叟, Mai Khê 梅溪, Tùng Trai 松斋, Đường Thôn 棠村... Đa số học giả cho rằng, những tên kí khác nhau này là biệt danh của Chi Nghiễn Trai. Về sau, bản sao 80 hồi Thạch đầu kí có lời điểm bình của Chi Nghiễn Trai lưu lạc đến dân gian, mãi đến năm 1927 mới được phát hiện.
          Nội dung mà Chi Nghiễn Trai điểm bình trong Chi Nghiễn Trai bình bản, có thể nói là những bình luận sớm nhất về Hồng lâu mộng, có giá trị cực kì quan trọng đối với việc nghiên cứu Hồng lâu mộng. Cho nên, Chi Nghiễn Trai bình bản luôn được sự coi trọng cao độ của giới chuyên gia Hồng học.
          Mọi người rất muốn biết người rất yêu thích Hồng lâu mộng và chuyên tâm nghiên cứu qua này rốt cuộc là ai, người đó và tác giả Hồng lâu mộng là Tào Tuyết Cần 曹雪芹 có quan hệ gì? Đối với vấn đề đó, các chuyên gia Hồng học cũng đã tiến hành thâm nhập nghiên cứu, họ căn cứ vào nội dung điểm bình trong sách của Chi Nghiễn Trai, đề xuất nhiều thuyết, có thuyết cho người đó là người chú trong tộc của Tào Tuyết Cần, có thuyết lại nói người đó là anh em họ với Tào Tuyết Cần, cũng có thuyết cho là bản thân Tào Tuyết Cần, và cũng có thuyết cho là Sử Tương Vân 史湘云, cô em họ của Tào Tuyết Cần, đến nay vẫn chưa định luận, thậm chí ngay cả Chi Nghiễn Trai là nam hay là nữ vẫn chưa rõ.
          Xem ra, muốn làm rõ thân phận của Chi Nghiễn Trai, cần phải có nhiều tư liệu phát hiện và còn cần phải thâm nhập sâu hơn.

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn 15/9/2017

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post