Dịch thuật: Bách gia tranh minh

BÁCH GIA TRANH MINH

          “Chư tử bách gia” chủ yếu chỉ Nho gia 儒家, Mặc gia墨家, Đạo gia 道家, Pháp gia 法家, Âm dương gia 陰陽家, Tạp gia 雜家, Danh gia 名家, Tung hoành gia 縱橫家, Binh gia 兵家, Tiếu thuyết gia 小說家 ở thời Xuân Thu Chiến Quốc. Về sau người  ta trừ Tiểu thuyết gia đem cửu gia gọi là “cửu lưu” 九流. Tục xưng “cửu lưu thập gia” 九流十家.
          Người sáng lập Nho gia là Khổng Tử 孔子. Khổng Tử tính Khổng danh Khâu tự Trọng Ni 仲尼, người nước Lỗ hậu kì Xuân Thu (nay là Khúc Phụ 曲阜 Sơn Đông 山東). Hạt nhân lí luận của Khổng tử là “nhân” , mà chuẩn tắc thể hiện “nhân” là “lễ” . Luận ngữ 論語 là kinh điển của Nho gia, do các đệ tử của Khổng Tử biên soạn, chủ yếu ghi chép lại những ngôn hành của Khổng Tử cùng các đệ tử.
Mạnh Tử 孟子 là Đại sư Nho học đời sau của Khổng Tử. Tên Kha , tự Tử Dư 子輿, người đất Trâu (nay là huyện Trâu Sơn Đông 山東). Mạnh Tử tuyên dương “nhân nghĩa” 仁義, đề xướng “nhân chính” 仁政, chủ trương “pháp tiên sinh” 法先生. Bộ Mạnh Tử 孟子 thể hiện tư tưởng chính trị của ông.
Nhân vật đại biểu của Nho gia còn có Tuân Tử 荀子. Tuân Tử danh Huống , người nước Triệu (nay là An Tế 安濟 Sơn Tây 山西). Ông chủ trương kết hợp giữa lễ trị và pháp trị, phản đối “tính thiện” luận của Mạnh Tử, đề xuất “tính ác” luận. Bộ Tuân Tử荀子 sở trường về biện luận, phong phú tính logique và đầy sức thuyết phục.
Người sáng lập học phái Mặc gia là Mặc Tử 墨子. Mặc Tử danh Địch , người nước Lỗ sơ kì Chiến Quốc. Mặc Tử chủ trương “thượng hiền” 尚賢 (chuộng hiền), phản đối thế khanh thế lộc, đề xuất lí luận “kiêm ái”. Mặc Tử 墨子 là bộ sách ghi chép ngôn hành của ông.
Người sáng lập học phái Đạo gia là Lão Tử 老子. Lão Tử tính Lí danh Nhĩ , tự Đam , người nước Sở thời Xuân Thu. Bộ Lão Tử 老子 phản ánh tư tưởng của ông, còn gọi là Đạo đức kinh 道德經. Trong sách Lão Tử đề xuất tư tưởng biện chứng giản đơn rất quý, “hoạ hề phúc sở ỷ, phúc hề hoạ sở phục” 禍兮福所倚, 福兮禍所伏 (hoạ là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ nấp của hoạ), “nhu nhược thắng cương cường” 柔弱勝剛強. Lão Tử chủ trương “vô vi nhi trị” 無為而治, đề xướng lí tưởng “tiểu quốc quả dân” 小國寡民 (nước nhỏ dân ít).
Nhân vật đại biểu của Đạo gia thời Chiến Quốc là Trang Chu 莊周, cũng là người mà người đời sau gọi là Trang Tử 莊子, người ở Mông Thành 蒙城 nước Tống (nay là phía đông bắc Thương Khâu 商丘 Hà Nam 河南, từng giữ qua chức quan nhỏ Tất viên lại 漆園吏, về sau bỏ quan quy ẩn, suốt đời không ra làm quan. Trang Tử chủ trương “vô vi” và thuận ứng theo tự nhiên. Ông cho rằng, bản nguyên của vạn vật vũ trụ gọi là “đạo” . “Đạo” là thứ vô hạn, nó sinh ra thiên địa vạn vật, chỉ có “chân nhân” mới có thể đắc “đạo”. Bộ Trang Tử 莊子 do ông và môn nhân biên soạn. Lời văn khoáng đạt, nghi thái vạn phương, có giá trị văn học rất cao.
          Nhân vật đại biểu của Pháp gia tảo kì là Lí Khôi 李悝, Ngô Khởi 吳起, Thương Ưởng 商鞅, Thân Bất Hại 申不害. Nhân vật đại biểu của Pháp gia hậu kì là Hàn Phi 韓非, ông là tập đại thành của học thuyết Pháp gia, kiến lập hệ thống lí luận pháp , thuật , thế lấy pháp làm trung tâm, làm cơ sở tư tưởng cho Tần Thuỷ Hoàng kiến lập quốc gia chuyên chế trung ương tập quyền. Bộ Hàn Phi Tử 韓非子 là thành quả Hàn Phi tổng kết tư tưởng Pháp gia tiền kì.
          Âm dương gia là học phái thời Chiến Quốc đề xướng thuyết âm dương ngũ hành. Nhân vật đại biểu là Trâu Diễn 鄒衍. Thuyết âm dương và thuyết ngũ hành vốn là hai tư tưởng có nhân tố duy vật chủ nghĩa thô sơ. Trâu Diễn cho rằng sự phát triển của xã hội nhân loại cũng chịu sự chi phối của 5 thế lực mộc, hoả, thổ, kim, thuỷ, đề xuất học thuyết “ngũ đức thuỷ chung” 五德始終, cung cấp cơ sở lí luận cho giai cấp thống trị phong kiến mới trổi dậy.
          Tạp gia là học phái chiết trung tư tưởng các học phái thời Chiến Quốc hậu kì. Nhân vật đại biểu là Lã Bất Vi 呂不韋. Lã Thị Xuân Thu 呂氏春秋 là tác phẩm đại biểu của ông.
          Danh gia là một lưu phái thời Chiến Quốc, tác phẩm đại biểu có Đặng Tích Tử 鄧析子, Doãn Văn Tử 尹文子, Công Tôn Long Tử 公孫龍子 ... 
          Tung hoành gia chỉ những mưu sĩ hoạt động trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao thời Chiến Quốc. Nhân vật chủ yếu có Tô Tần 蘇秦, Trương Nghi 張儀. “Tô Tần ước tung, Trương Nghi liên hoành” 蘇秦約縱, 張儀連橫. Họ đại biểu cho 2 phái hợp tung và liên hoành.
          Binh gia chỉ một phái riêng thời Chiến Quốc và thời sau đó chuyên nghiên cứu quân sự. Phân ra có binh quyền mưu gia, binh hình thế gia, binh âm dương gia, binh kĩ xảo gia. Nhân vật đại biểu có Tôn Vũ 孫武, Ngô Khởi 吳起, Uý Liêu 尉繚, Hàn Tín 韓信 ... Tác phẩm đại biểu có Tôn Tử binh pháp 孫子兵法, Ngô Tử 吳子, Tôn Tẫn binh pháp 孫臏兵法.
          Tiểu thuyết gia là những kẻ sĩ sưu tập những nghị luận truyền thuyết dân gian, mượn đó để khảo sát dân tình phong tục. Trong Hán thư – Nghệ văn chí 漢書 - 藝文志 có ghi:
Tiểu thuyết gia giả lưu, cái xuất ư bại quan
小說家者流, 蓋出於稗官
(Các Tiểu thuyết gia, vốn xuất phát từ các chức quan nhỏ)
          Thời Xuân Thu Chiến Quốc, quan hệ giai cấp không ngừng phát sinh biến hoá, đại biểu các giai cấp, học giả lực lượng chính trị các phái, đều theo lợi ích của phái mình mà giải thích xã hội, vạn vật. Họ viết sách lập thuyết, hỗ tương biện nan. Trong Mạnh Tử - Đằng Văn Công hạ 孟子 - 滕文公下, Mạnh Kha 孟軻 chỉ trích Dương Chu 楊朱, Mặc Địch 墨翟:
Dương thị vị ngã, thị vô quân dã; Mặc thị kiêm ái, thị vô phụ dã. Vô phụ vô quân, thị cầm thú dã.
楊氏為我, 是無君也; 墨氏兼愛, 是無父也. 無父無君, 是禽獸也.
(Họ Dương vì cái tôi, ấy là không có vua; họ Mặc kiêm ái, ấy là không có cha. Không có cha không có vua, thì đó là loài cầm thú vậy.)
Thậm chí Pháp gia Hàn Phi còn xếp học giả Nho gia vào một trong “ngũ đố” 五蠹 (5 loài sâu mọt) (1) để bài xích, đồng thời răn các vị quân chủ đương thời:
Bất trừ thử ngũ đố chi dân, bất dưỡng cảnh giới chi sĩ
不除此五蠹之民, 不養耿介之士
(Không dẹp trừ 5 loại sâu mọt này, không nuôi dưỡng kẻ sĩ chính trực)
thì sẽ có hoạ mất nước. Các nhà đều muốn tiêu diệt đối phương, nhưng ai cũng không thể tiêu diệt được ai, mà là trong cuộc tranh minh, mỗi nhà đã đạt đến sự phát triển, đồng thời nền văn hoá tư tưởng đa dạng nhiều màu sắc của Trung Quốc sau này đã có một cơ sở vững chắc.

Chú của người dịch
1- Theo Hàn Phi Tử hiệu chú 韩非子校注 của Trương Giác 张觉, 5 loại sâu mọt là:
- Nho gia
- Tung hoành gia
- Du hiệp thích khách
          - Người trốn tránh binh dịch)
          - Người đi buôn và người làm nghề thủ công)
          (Nhạc Lộc thư xã xuất bản, 2006)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 14/9/2017

Nguyên tác Trung văn
BÁCH GIA TRANH MINH
百家爭鳴
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI TRỌNG YẾU ĐẠI SỰ
中國古大重要大事
Tác giả: Tô Châu Ngu 蘇洲虞
Đài Bắc: Ngọc thụ đồ thư, Dân Quốc năm thứ 86
Previous Post Next Post