Y DOÃN ĐÀY THÁI GIÁP (1)
Y Doãn 伊尹 là công thần phò tá triều Thương kiến lập sự nghiệp đế
vương, cũng là một Tể tướng hiền năng nổi tiếng trong truyền thuyết. Về xuất
thân của Y Doãn có 2 thuyết khác nhau:
Y Doãn
vốn cư trú tại đất Hữu Sằn 有莘 (nay là huyện Tào 曹 Sơn Đông 山东), sống cuộc sống tự
cày tự ăn. Ông Thang 汤 nhà Thương nghe nói
Y Doãn là người tài hoa xuất chúng, phẩm đức cao thượng, bèn phái người mang
nhiều lễ vật đi mời ông ra giúp trị lí đất nước. Đương thời, ông Kiệt 桀 nhà Hạ hôn dung vô đạo, nhân dân ở vào cảnh nước sôi
lửa bỏng, Y Doãn không chịu tham gia chính trị nên đã khéo léo từ chối. Chẳng
bao lâu, ông Thang lại phái người đi mời, ngôn từ càng khẩn thiết hơn, mọi việc
chu đáo, lễ vật cũng nhiều, nhưng Y Doãn vẫn kiên quyết từ chối. Sứ giả của ông
Thang đi về 5 lần. Y Doãn nhìn thấy ông Thang quả thực thành khẩn khiêm nhượng,
đồng thời ông cũng cảm thấy không thể “độc thiện kì thân”, chỉ cầu cá nhân mình
tiêu dao tự tại, mà cần phải giúp ông Thang cứu vớt nhân dân, cuối cùng ông đã
tiếp nhận lễ vật.
Sau khi
Y Doãn đến với ông Thang, cùng bàn hình thế thiên hạ, ông đã trình bày rõ chủ
trương trị lí đất nước của mình, ông Thang rất vui mừng, giao cho ông công việc
chủ trì phương diện hành chính sự vụ quốc gia.
Ngoài
ra còn có một thuyết khác:
Vợ của
ông Thang người Hữu Sằn, Y Doãn là nô lệ theo bồi giá vợ ông Thang. Sau khi đến
chỗ ông Thang, ông đảm nhiệm công việc nấu nướng nơi nhà bếp, món ăn ông chế biến
rất ngon, rất được lòng ông Thang. Về sau ông Thang đề bạt ông, giao ông đảm
nhiệm một chức quan trọng yếu.
Cho dù
là truyền thuyết nào đi nữa, Y Doãn không phải là quý tộc, mà xuất thân từ tầng
lớp dưới ở dân gian. Ông Thang không vì địa vị thấp kém của Y Doãn mà không trọng
dụng ông, mà dùng ông ở chỗ hiền đức.
Y Doãn
sau khi phò tá ông Thang diệt nhà Hạ lập nên vương triều Thương, đã đảm nhiệm
chức vụ A hành 阿衡 (2), địa vị tương đối cao, quyền bính vô cùng lớn. Vua
Thang tại vị 29 năm và qua đời. Do bởi thái tử Thái Đinh 太丁 mất sớm, người con thứ 2 của vua Thang là Ngoại Bính 外丙 kế vị làm đế. Ngoại Bính kế vị chỉ 3 năm cũng qua đời,
thế là em Ngoại Bính là Trọng Nhâm 仲壬 được lập làm đế.
Qua 4 năm, Trọng Nhâm cũng mất. Lúc bấy giờ, con của Thái Đinh là Thái Giáp 太甲 đã lớn, Y Doãn bèn phò lập Thái Giáp làm đế. Chế độ kế
thừa vương vị của triều Thương là “huynh chung đệ cập” 兄终弟及 (anh mất thì em sẽ kế vị). Khi không có em, mới do con của anh trai kế
vị.
Y Doãn
đã phò tá 3 đời nguyên lão của triều Thương. Sau khi Thái Giáp tức vị, Y Doãn
nói với Thái Giáp, làm một vị đế vương cần phải yêu mến dân chúng, cần phải khắc
khổ siêng năng để kế thừa và phát dương truyền thống của tổ phụ Thang, đồng thời
nói cho Thái Giáp biết nguyên nhân mất nước của nhà Hạ, hy vọng ông cảnh giác,
từ đó rút ra bài học. Nhưng Thái Giáp lớn lên trong cuộc sống sung sướng của
cung đình, chỉ biết ăn chơi, nào để ý đến những lời khuyên của Y Doãn. Y Doãn thấy Thái Giáp ngày càng chẳng
ra sao, cứ dần kiêu căng bạo ngược, không ngó ngàng đến triều chính, phá hoại
những quy chương chế độ của vua Thang chế định ra. Y Doãn cảm thấy nếu để Thái
Giáp cứ phóng túng như thế, sẽ chẳng giống như ông Kiệt nhà Hạ làm mất giang
sơn nhà Thương sao? Thế là Y Doãn quyết định đuổi Thái Giáp ra khỏi cung, đưa đến
Đồng cung 桐宫 gần mộ vua Thang (nay là phía đông bắc Ngu thành 虞城 Hà Nam 河南), phái người đến quản
lí, không cho ra ngoài, cần phải ở trong đó phản tỉnh, kiểm tra hành vi của
mình, sự vụ đất nước do Y Doãn xử lí, thay mặt thực hành chức quyền Thương
vương. Biện pháp này giống như ông Thang đày ông Kiệt, cho nên người đời sau
nói “Y Doãn phóng Thái Giáp” 伊尹放太甲 (Y Doãn đày Thái
Giáp).
Thái
Giáp cư trú tại Đồng cung gần mộ của tổ phụ, tự nhiên nghĩ đến nỗi gian nan mà
tổ phụ sáng nghiệp, làm người khoan hậu, phẩm đức hiền minh. Thái Giáp lấy đó đối
chiếu với bản thân mình, cảm thấy vô cùng xấu hổ, bèn quyết tâm sửa chữa những
sai lầm. Thời gian qua rất nhanh, thoáng chốc đã 3 năm. Trong 3 năm đó,Y Doãn
đã quan sát tỉ mỉ nhất cử nhất động của Thái Giáp, cho rằng, quả thực Thái Giáp
đã sửa chữa tốt, bèn đích thân đến Đồng Cung đón Thái Giáp trở về lại đô thành,
trao lại đại quyền quốc gia. Sau khi Thái lên ngôi lại, quả nhiên “cần chính ái
dân”, trở thành một vị quân chủ hiền minh.
Y Doãn
sống đến 100 tuổi. Khi Y Doãn mất thì Thái Giáp đã qua đời trước đó. Con của
Thái Giáp là Ốc Đinh 沃丁 kế ngôi. Ốc Đinh
dùng nghi lễ thiên tử an táng Y Doãn phụ cận đô thành Bạc 亳. Người đời sau nhân Y Doãn lấy lợi ích của dân làm trọng,
trước tiên giúp Thương Thang diệt trừ Hạ Kiệt bạo ngược, sau lại cải tạo Thái
Giáp, bản thân ông không thừa cơ hội đó để soán đoạt vương vị, ông vừa không nhắm
mắt theo bừa quan niệm truyền thống, vừa không ngu trung với vị quân chủ vô đạo,
có thể nói là một vị thánh nhân, cho nên luôn được hậu thế xưng tụng (3).
Chú thích của
nguyên tác
1- Bài viết này căn cứ vào những tư liệu liên quan của
Sử Kí – Ân bản kỉ 史记 - 殷本纪.
2- Chính văn trong Sử
kí là:
Y Doãn danh A Hành
伊尹名阿衡
(Y Doãn tên là A Hành)
Tư liệu
mà bài viết này tham khảo là ở Sách ẩn 索隐.
3- Về truyền thuyết Y Doãn đày Thái Giáp, trong Trúc thư kỉ niên 竹书纪年 ghi chép có
khác:
Trọng Nhâm băng, Y Doãn phóng Thái Giáp vu Đồng,
nãi tự lập.
仲壬崩, 伊尹放太甲于桐, 乃自立
(Trọng
Nhâm băng, Y Doãn đày Thái Giáp ra Đồng cung, rồi tự lên ngôi)
Y Doãn tức vị, phóng (nhất tác vu) Thái Giáp
thất niên, Thái Giáp tiềm xuất tự Đồng
sát Y Doãn.
伊尹即位, 放 (一作于) 太甲七年, 太甲潜出自桐杀伊尹.
(Y Doãn
lên ngôi, đày Thái Giáp 7 năm, Thái Giáp từ Đồng cung lén ra ngoài giết chết Y
Doãn)
Đối chiếu
với những ghi chép này, Y Doãn soán quyền đoạt ngôi, cuối cùng bị Thái Giáp giết
chết. Nhưng truyền thuyết này lưu truyền không rộng rãi.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 23/8/2017
Nguyên tác Trung văn
Y DOÃN PHÓNG THÁI GIÁP
伊尹放太甲
Trong quyển
SỬ KÍ CỐ SỰ TINH TUÝ
史记故事精粹
Biên soạn: Hoán Quan Sinh 浣官生,
Hoán Quyên 浣涓
Bắc Kinh lí công đại học xuất bản xã, 2001
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật