Dịch thuật: "Thái y" và "ngự y" có phải là một

“THÁI Y” VÀ “NGỰ Y” CÓ PHẢI LÀ MỘT

          “Thái y” 太医 và “ngự y” 御医 là gọi chung thầy thuốc của đại nội hoàng cung hoặc xem bệnh cho quan viên triều đình cùng thân quyến của họ. Cách xưng hô này ra đời từ khi nào, “thái y” và “ngự y” có sự phân biệt không? Trung Quốc cổ đại có “y viện” để bệnh nhân trú và chữa trị không?
          Từ “thái y” sớm nhất có thể truy ngược lên đến đời Tần, đương thời đặt chức Thái y lệnh 太医令. Thời Tây Hán đã đặt chức quan Thái y. Thời Đường Tống tại Thái thường tự lập “Thái y thự” 太医署 hoặc “Thái y cục” 太医局, triều Kim bắt đầu xưng “Thái y viện” 太医院. Thái y viện đời Nguyên đã trở thành một cơ cấu độc lập, phụ trách chữa trị, đồng thời chế biến thuốc. Thái y viện đời Minh đã chia ra các khoa.
          Cấp bực của “ngự y” so với “thái y” cao hơn, nhìn chung là thầy thuốc xem bệnh cho hoàng đế hoặc bà con thân tộc của hoàng đế. Từ việc thiết lập quan chức Thái y viện của hai triều Minh Thanh, chúng ta có thể thấy 2 sự phân biệt. Theo Thanh sử cảo – Chức quan chí 清史稿 - 职官志: thầy thuốc trong Thái y viện chia làm 4 cấp, cấp 1 gọi là “ngự y” 御医, chỉ có 13 người, thời Ung Chính 雍正 Càn Long 乾隆 là thất phẩm, ngang với Huyện lệnh. Cấp 2 gọi là “Lại mục” 吏目, chỉ có 26 người, gồm bát phẩm và cửu phẩm mỗi loại 13 người. Cấp 3 gọi là “Y sĩ” 医士, có 20 người. Cấp 4 gọi là “Y sinh” 医生 có 30 người, vô phẩm.
          “Ngự y” chỉ có 13 người ở cấp 1, trong đó gồm cả Viện sứ 院使 (chánh ngũ phẩm) và Tả Hữu nhị phán 左右二判 (2 phó viện trưởng) mới đủ 16 người.
          “Thái y” bao gồm y sinh của cả Thái y viện, tổng cộng 92 người. Trong đó có 59 thầy thuốc của 3 cấp: ngự y, lại mục, y sĩ, có thể độc lập xem bệnh, có quyền ra toa. Cấp thứ 4 “y sinh” chỉ là trợ thủ.
          Y viện ở Trung Quốc ra đời rất sớm, thời Xuân Thu đã manh nha. Quản Trọng 管仲 nước Tề đương thời lập “Dưỡng bệnh viện” 养病院 ở thủ đô Lâm Tri 临淄, thu nhận những người tàn tật tiến hành tập trung chữa trị, nhưng đó vẫn chưa phải là “y viện”
          Sự ra đời của y viện liên quan rất nhiều đến dịch bệnh lưu hành, lúc bấy giờ cần tập trung bệnh nhân lại để tiến hành chữa trị. Như năm Nguyên Thuỷ 元始 thứ 2 thời Tây Hán, Hoàng hà phát sinh hạn tai, dịch bệnh lưu hành, hoàng đế cho sắp  xếp chỗ và phòng ốc, phái thái y xem bệnh miễn phí cho bách tính. Năm Diên Hi 延熹 thứ 5 (năm 162), Hoàng Phủ Quy 皇甫规 nhậm chức Trung lang tướng, trong quân bệnh dịch hoành hành, số người chết rất cao. Ông đã thuê dùng nhà dân, tập trung người  bệnh tiến hành chữa trị, gọi là “Am lư” 庵庐, rất giống y viện dã chiến của quân đội hiện nay. Thời Hiếu Văn Đế 孝文帝 nhà Bắc Nguỵ thiết lập “Biệt phường” 别坊 tại Lạc Dương 洛阳, chẩn trị và phát thuốc miễn phí, những người nghèo không có tiền đều có thể đến chữa trị, đó là hình thức ban đầu của y viện từ thiện công lập.
          Thời Đường, y viện gọi là “Bệnh phường” 病坊, các châu huyện trong cả nước đều thiết lập. Thời Tống đổi gọi là “An lạc phường” 安乐坊, “An tế phường” 安济坊, đồng thời bắt đầu lập phòng chẩn trị, gọi là “Hoà tễ cục” 和剂局, đơn thuốc của Hoà tễ cục gọi là “Hoà tễ cục phương” 和剂局方, được coi như là một loại sổ tay đơn thuốc thông hành lúc bấy giờ. Những cơ cấu này lập ra cho quan lại, còn dân gian chủ yếu dùng du y 游医và dược phòng 药房.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 26/8/2017

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post