HUYỀN TRANG THỈNH KINH
Tây du kí 西游记 là một trong “Tứ đại cổ điển danh trứ” của Trung Quốc,
có thể nói nhà nhà đều rõ. Câu chuyện 4 thầy trò Đường tăng trải qua biết bao
gian khổ đi Tây thiên thỉnh kinh cuối cùng thành chánh quả càng được nhiều người
biết đến. Trong đó, nguyên mẫu Đường tăng chính là tăng nhân Huyền Trang pháp
sư 玄奘法师 thời Đường.
Huyền
Trang 玄奘 vốn họ Trần 陈, tên Vĩ 炜, sinh vào khoảng năm Nhân Thọ 仁寿 thứ 2 (năm 602) nhà Tuỳ, người Lạc Châu Khâu Thị 洛州缑氏 (nay là trấn Khâu Thị 缑氏
Yển Sư 偃师 Hà Nam
河南). Năm 13 tuổi, ngài xuất gia làm hoà thượng tại chùa
Tịnh Thổ 净土, pháp danh Huyền Trang 玄奘.
Về sau ngài đi khắp nơi bái sư học tập, tinh thông kinh điển Phật giáo, được
tôn xưng là “Tam Tạng Pháp Sư” 三藏法师 (“tam tạng” là tổng
xưng kinh điển Phật giáo). Ngài phát hiện kinh Phật được phiên dịch trước đây
có nhiều chỗ sai, lại nghe nói tại Thiên Trúc 天竺
có rất nhiều kinh Phật, thế là ngài quyết định đi đến Thiên Trúc học tập.
Mùa thu
năm 629 (có thuyết cho là năm 627), Huyền Trang từ Trường An 长安 xuất phát, đi đến Lương Châu 凉州
(nay là Vũ Uy 武威 Cam Túc 甘肃. Lúc bấy giờ triều
Đường mở nước chưa được bao lâu, để phòng ngự kẻ địch xâm nhập, nơi biên giới
canh phòng rất nghiêm ngặt, triều đình cấm chỉ người Đường tự ý xuất cảnh. Ngài
đã lẫn vào đội ngũ thương nhân ra khỏi Ngọc Môn quan 玉门关,
đi qua Y Ngô 伊吾 (nay là Cáp Mật 哈密
Tân Cương 新疆), đến Cao Xương 高昌
(nay là phía đông Thổ Lỗ Phan 吐鲁番Tân Cương 新疆).
Vua Cao
Xương là Khúc Văn Thái 麴文泰 cũng là người theo
đạo Phật, nghe nói Huyền Trang là cao tăng đến từ Đại Đường nên vô cùng kính trọng,
mời ngài giảng kinh, lại còn khẩn khoản thỉnh cầu ngài lưu lại Cao Xương. Ngài
không chịu. Khúc Văn Thái không có cách nào giữ lại nên đã chuẩn bị hành trang
cho ngài, phái 25 người mang theo 30 con ngựa hộ tống, còn viết thư cho quốc
vương của 24 nước dọc đường , xin họ bảo hộ ngài quá cảnh.
Huyền
Trang dẫn theo người ngựa, vượt qua núi tuyết sông băng, xông vào mưa to gió lớn,
trải qua trăm ngàn gian khổ, cuối cùng đến được thành Toái Diệp 碎叶 (nay là phụ cận Thác Khắc Mã Khắc 托克马克 Tokamak - ND, phía bắc Cát Nhĩ Cát Tư 吉尔吉斯 Kyrgyzstan - ND), được sự tiếp đãi của Kha Hãn Tây Đột
Quyết 西突厥. Sau đó, đường đi thuận lợi, thông qua các nước Tây Vực
tiến vào Thiên Trúc.
Thiên
Trúc là vùng đất phát tích của Phật giáo, có rất nhiều cổ tích Phật giáo. Huyền
Trang tại Thiên Trúc du lãm các nơi, triều bái Thánh tích, hướng đến các vị cao
tăng học kinh. Thiên Trúc Ma Yết Đà quốc 天竺摩揭陀国 có một toà tự viện cổ xưa – chùa Na Lan Đà 那烂陀, Pháp sư Giới Hiền 戒贤
của chùa là một đại học giả của Thiên Trúc. Ngài đến chùa Na Lan Đà, theo học với
Pháp sư Giới Hiền 5 năm, và đã học hết toàn bộ kinh Phật nơi đó.
Giới Nhật
Vương 戒日王 của nước Ma Yết Đà là vị quốc vương rất sùng tín Phật
giáo, nghe được danh tiếng của Huyền Trang đã mở cho ngài một đại hội giảng học
long trọng tại Khúc Nữ thành 曲女城 (nay là Tạp Não
Quý 卡瑙季phía bắc Ấn Độ) ở quốc đô của mình. Các quốc vương của
18 nước của Thiên Trúc và hơn 3000 cao tăng đã đến tham dự. Giới Nhật Vương mời
ngài giảng học, và bảo mọi người biện luận. Đại hội mở 18 ngày, mọi người rất
khâm phục tài diễn giảng của ngài, không có người nào nêu ý kiến bất đồng. Cuối
cùng, Giới Nhật Vương phái người nâng áo cà sa của ngài, tuyên bố sự kiện giảng
học thành công.
Cuộc du
lịch của Huyền Trang, không những có được thành công lớn về Phật học, mà còn
thúc đẩy sự giao lưu văn hoá giữa đông phương và tây phương. Năm 645, ngài mang
hơn 600 bộ kinh Phật, về đến Trường An mà đã xa cách hơn 10 năm. Sự tích hoà
thượng Huyền Trang không hề nao núng kiên định lấy kinh đã chấn động cả Trường
An. Đường Thái Tông tại Lạc Dương 洛阳 vô cùng tán thưởng
việc làm của ngài nên đã đặc biệt tiếp kiến ngài tại hành cung ở Lạc Dương. Huyền
Trang đã hướng đến Đường Thái Tông báo cáo cặn kẽ quá trình đi qua Tây Vực.
Từ đó,
Huyền Trang định cư lại, chuyên tâm phiên dịch kinh Phật mang từ Thiên Trúc về.
Ngài còn cùng với đệ tử biên soạn bộ Đại
Đường Tây Vực kí 大唐西域记. Trong bộ sách này, ngài đã đem tình hình địa lí,
phong tục tập quán của 110 nước mà ngài đã đi qua và của 28 nước mà ngài nghe
được ghi chép lại, trở thành bộ trứ tác lịch sử và địa lí trọng yếu.
Do bởi
bản thân sự kiện Huyền Trang thỉnh kinh mang nhiều màu sắc thần kì, sau này,
trong dân gian lưu truyền nhiều truyền thuyết thần thoại liên quan tới việc Đường
tăng thỉnh kinh. Đến đời Minh, tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân 吴承恩 đã căn cứ vào truyền thuyết dân gian gia công nghệ
thuật, biên soạn ra bộ tiểu thuyết thần thoại trường thiên ưu tú Tây du kí 西游记, trở thành một trong “tứ đại cổ điển danh trứ” trong
lịch sử văn học Trung Quốc. Nhưng câu chuyện trong đó với sự tích chân chính Huyền
Trang thỉnh kinh đã cách nhau rất xa.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/8/2017
Nguyên tác Trung văn
HUYỀN TRANG THỦ KINH
玄奘取经
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG
HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Hải Kiều quảng cáo hữu hạn công ti biên soạn.
Chu Hải xuất bản xã, 2006
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật