DƯƠNG KIÊN KIẾN LẬP VƯƠNG TRIỀU TUỲ
Vũ Đế 武帝 triều Bắc Chu là một vị hoàng đế trẻ có nhiều
thành tích. Dưới sự cai trị của ông, quốc lực Bắc Chu cường thịnh, đồng thời diệt
Bắc Tề. Sau khi Chu Vũ Đế qua đời, Chu Tuyên Đế 周宣帝 kế vị. Chu Tuyên Đế hoang dâm bạo ngược, không
quan tâm đến triều chính, sát hại trung lương, khiến đất nước dần đi đến chỗ diệt
vong. Chu Tuyên Đế tại vị chưa đến 2 năm thì mất, Chu Tĩnh Đế 周静帝 chỉ mới 8 tuổi kế vị, căn bản không biết xử lí
chính sự. Trong tình hình đó, đại quý tộc Bắc Chu là Dương Kiên 杨坚 dựa vào địa vị là ngoại tổ
phụ của hoàng đế, dưới sự
giúp đỡ của thị thần bên cạnh hoàng đế, đã nguỵ tạo di chiếu của Chu Tuyên Đế,
nhập cung phò tá, nắm giữ đại quyền quân chính Bắc Chu.
Dương
Kiên tích cực bài trừ các tệ chính thời Chu Tuyên Đế lưu lại, cho dân nghỉ
ngơi, thu nạp nhân tài, từng được danh sĩ Lí Đức Lâm 李德林, người được Chu Vũ Đế khen là
“thiên thượng nhân” 天上人, đối với sứ giả do Dương Kiên phái đến đã biểu thị “nguyện
lấy cái chết để báo đáp Thừa tướng”. Văn thần Cao Dĩnh 高颖 túc trí đa mưu biểu thị “nguyện
ra sức vì Dương Thừa tướng, cho dù có gặp phải hoạ diệt tộc cũng không sợ”. Trọng
thần triều đình Vi Hiếu Khoan 韦孝宽, Lí Mục 李穆 nắm giữ mấy chục vạn quân tinh nhuệ, Đại tướng quân Nguyên
Hoằng 元弘,
thủ lĩnh ngự lâm quân Lô Bí 卢贲, cho đến các quan viên cấp cao đều gia nhập tập đoàn chính
trị của Dương Kiên, vì Dương Kiên chuẩn bị điều kiện đoạt lấy chính quyền Bắc
Chu.
5
người anh em của Tuyên Đế xưng Vương bên ngoài, mỗi người làm bá một phương,
còn có nhiều cựu thần thuộc hoàng thích dùng binh chiếm cứ một vùng, trong triều
đình cũng có nhiều đại thần không tán thành cách làm của Dương Kiên. Đối với những
người này, Dương Kiên rất do dự, người vợ của ông là phu nhân Độc Cô Thị 独孤氏 là người tính tình kiên cường,
rất có mưu lược. Độc Cô Thị luôn ở phía sau cổ vũ chồng mạnh dạn tiến hành, đồng
thời chỉ ra rằng:
-
Hiện tại sự việc đã như thế, ông giống
như đã cưỡi lên lưng cọp, nếu xuống tất sẽ bị cọp ăn thịt.
Lời
của người vợ khiến Dương Kiên kiên định niềm tin, ông đã hành động một cách quả
đoán.
Lúc
bấy giờ, thế lực của hoàng tộc Bắc Chu đã lần lượt trổi dậy phản đối, họ cho rằng
Chu Tĩnh Đế bị cô lập, quyền lực triều đình lọt vào tay họ khác, sắp gặp phải
hoạ diệt vong, họ luôn tìm cơ hội giết Dương Kiên.
Dương
Kiên mấy lần thoát khỏi miệng cọp. Về sau Dương Kiên tìm cớ đại sát tông thất Bắc
chu. Khi con cháu hoàng tộc Bắc chu chết sạch, Chu Tĩnh Đế bị cô lập triệt để tại
triều đình. Đồng thời, Dương Kiên cũng bình định các thế lực quân phiệt địa
phương phản đối, tự lập làm Tuỳ Vương 隋王. Nhưng ông vẫn chưa hài lòng, nên đã bức các đại thần nói với
Chu Tĩnh Đế:
-
Ngài cai quản đất nước không được, chi bằng
để cho ngoại tổ phụ của ngài làm hoàng đế.
Cuối
cùng Chu Tĩnh Đế tuyên bố thoái vị. Đến năm 581, Dương Kiên vờ từ chối, thuận lợi
lên làm hoàng đế, đổi quốc hiệu là Tuỳ 隋, đó chính là Tuỳ Văn Đế 隋文帝.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/8/2017
Nguyên tác Trung văn
DƯƠNG KIÊN KIẾN LẬP
TUỲ VƯƠNG TRIỀU
杨坚建立隋王朝
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ
NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất
bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật