VÂY NGUỴ CỨU
TRIỆU
(kì 1)
Tôn Tẫn 孙膑 và Bàng Quyên 庞涓 là anh em đồng môn, cả hai cùng học với Quỷ Cốc Tử 鬼谷子. Về sau, Bàng Quyên đến nước Nguỵ, Tôn Tẫn đến nước Tề,
hai người không thể tránh được gặp nhau trên chiến trường.
Tề, Nguỵ đều là cường quốc lúc bấy giờ, hai nước nhiều lần
giao tranh. Trận Quế Lăng 桂陵 là trận chiến có
quy mô lớn nhất phát sinh giữa hai nước. Trong lúc giao chiến, quân sư nước Tề
là Tôn Tẫn vận dụng chiến pháp “phê kháng đảo hư” 批亢捣虚, gạt điểm mạnh, công kích điểm yếu, thừa lúc quân Nguỵ đường dài mệt mỏi,
đại phá quân Nguỵ.
Để củng cố và mở rộng phạm vi lãnh thổ, nước Tề tích cực áp
dụng một số chính sách phú quốc cường binh, quốc lực ngày càng tăng mạnh. Trận
Mã Lăng 马陵, đối với nước Tề và nước Nguỵ mà nói, đều là trận chiến
mang ý nghĩa quyết định. Nước Tề dùng sách lược “thân kết Hàn chi thân, vãn thừa
Nguỵ chi tệ” 深结韩之亲, 晚承魏之弊 (tăng cường quan
hệ thân thiết với nước Hàn, thừa lúc quân Nguỵ mệt mỏi mà công kích), giảm bớt
bếp nấu để quân địch tưởng binh lực suy yếu, khiến quân địch coi thường, nhân
đó mà tiêu diệt quân Nguỵ. Trong trận chiến Quế Lăng và Mã Lăng, nước Tề đã
đánh bại nước Nguỵ hùng mạnh, thu được toàn thắng, về căn bản đã tước bỏ thực lực
tác chiến của nước Nguỵ. Nước Tề từ đó uy chấn thiên hạ, hình thành cục diện
“chư hầu đông diện triều Tề”. Nước Nguỵ bắt đầu xuống dốc, mất đi bá quyền ở
trung nguyên.
周显王十六年 (戊辰, 公元前 353 年)
初, 孙膑与庞涓俱学兵法, 庞涓仕魏为将军, 自以能不及孙膑, 乃召之; 至, 则以法刑断其两足而黥之 (1), 欲使终身废弃. 齐使者至魏, 孙膑以刑徒阴见 (2), 说齐使者 (3); 齐使者窃载与之齐. 田忌善而客待之, 进于威王. 威王问兵法, 遂以为师 (4). 于是威王谋救赵, 以孙膑为将; 辞以刑馀之人不可, 乃以田忌为将而孙子为师, 居辎车中 (5), 坐为计谋.
Phiên âm
Sơ, Tôn
Tẫn dữ Bàng Quyên câu học binh pháp, Bàng Quyên sĩ Nguỵ tướng quân, tự dĩ năng
bất cập Tôn Tẫn, nãi triệu chi; chí, tắc dĩ pháp hình đoạn kì lưỡng túc nhi
kình chi (1), dục sử chung thân phế khí. Tề sứ giả chí Nguỵ, Tôn Tẫn
dĩ hình đồ âm kiến (2), thuế Tề sứ giả (3); Tề sứ giả thiết
tái dữ chi Tề. Điền Kị thiện nhi khách đãi chi, tiến vu Uy Vương. Uy Vương vấn
binh pháp, toại dĩ vi sư (4). Vu thị Uy Vương mưu cứu Triệu, dĩ Tôn
Tẫn vi tướng; từ dĩ hình dư chi nhân bất khả, nãi dĩ Điền Kị vi tướng nhi Tôn Tử
vi Sư, cư tri xa trung (5), toạ vi kế mưu.
Chú thích
1- Dĩ pháp 以法: theo pháp luật. Ở đây chỉ mượn tội danh.
Hình 刑: thi hành hình
phạt.
Kình 黥: tức mặc hình. Một
loại hình phạt thích chữ lên mặt.
2- Âm 阴: ngầm
3- Thuế 说: dùng lời để thuyết phục người khác.
4- Dĩ vi sư 以为师: tức “dĩ chi
vi sư” 以之为师, có nghĩa là tôn Tôn Tẫn làm thầy.
5- Tri xa 辎车: xe có màn che.
Dịch nghĩa
Chu Hiển Vương năm thứ 16 (Mậu Thìn, năm 353 trước công
nguyên)
Lúc đầu, Tôn Tẫn và Bàng Quyên đều học binh pháp, Bàng
Quyên đến nước Nguỵ làm tướng quân, ông ta biết tài năng của mình không bằng
Tôn Tẫn, liền triệu Tôn Tẫn đến nước Nguỵ. Tôn Tẫn vừa mới đến Nguỵ, Bàng Quyên
liền nghĩ cách dựa theo luật pháp chặt hai chân của Tôn Tẫn và thích chữ lên mặt,
ý là để cho Tôn Tẫn suốt đời trở thành phế nhân. Sứ giả nước Tề đến nước Nguỵ,
Tôn Tẫn lấy thân phận người chịu hình phạt đợi tội ngầm gặp và thuyết phục được
sứ giả. Sứ giả nước Tề lén giấu Tôn Tẫn trong xe đưa về nước Tề. Đại thần nước
Tề là Điền Kị đãi Tôn Tẫn như thượng khách, lại tiến cử lên Tề Uy Vương. Tề Uy
Vương hỏi Tôn Tẫn về binh pháp, thế là Tề Uy Vương tôn Tôn Tẫn làm thầy. Lúc bấy
giờ Tề Uy Vương muốn đem binh cứu nước Triệu, bèn nhậm mệnh Tôn Tẫn làm đại tướng,
Tôn Tẫn cho mình là người chịu qua hình phạt nên kiên quyết từ chối, Tề Uy
Vương liền giao Điền Kị làm đại tướng, Tôn Tẫn làm quân sư, cho ông ngồi trong
xe, định kế sách cho Điền Kị.
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 05/7/2017
Nguồn
TƯ TRỊ THÔNG GIÁM
资治通鉴
Bắc Tống . Tư Mã Quang 司马光
Chủ biên: Nhậm Tư Vũ 任思武
Bắc Kinh . Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật