Dịch thuật: Ưu Mạnh can Trang Vương chôn ngựa

ƯU MẠNH CAN TRANG VƯƠNG CHÔN NGỰA

          Thời Tam đại, bên cạnh vị quân chủ thường có nhạc sư ngự dụng, lúc xuất hành, khi du lãm đều dẫn theo. Những nhạc sư này thông minh, cơ trí, thị tùng quân chủ, dần dần trở thành một bộ phận tổ thành trọng yếu trong đời sống của vị quân chủ. Về sau, thị tùng quân chủ không chỉ có nhạc sư, phàm ai có tài nghệ giỏi, có thể diễn trò gây cười, đều có thể làm thị tùng, những người đó gọi là “ưu nhân” 优人 “ưu linh” 优伶.
          Các ưu linh đều có điểm chung đó là biết khôi hài gây cười để đế vương vui lòng. Có ưu linh bên cạnh, cuộc sống dù có căng thẳng, phiền toái cũng sẽ được bằng phẳng, thêm lạc thú, đế vương cảm thấy nhẹ nhàng, dần dần không thể xa rời họ.Ưu linh ngoài việc giúp vui ra, còn có thể dùng phương thức khôi hài để truyền đạt tình cảm, khuyên can quân chủ, phúng thích cái xấu cái ác. Họ luôn không hiển lộ ra bên ngoài, thung dung không gấp.
          Từ thời Tiên Tần cho đến đời Tần, những ưu linh đều lấy “ưu” làm họ. Ưu Mạnh 优孟, vị nhạc sư cung đình thời Sở Trang Vương 楚庄王 là một ưu linh thị tùng quân chủ  nổi tiếng thời cổ. Sở Trang Vương có bệnh mê thích ngựa, mặc áo gấm thêu cho con ngựa mà ông yêu quý, lắp yên đẹp, đặt giường trải chiếu trúc, cho ở trong căn phòng hoa lệ, cho ăn táo khô. Ngựa vì dinh dưỡng quá mức nên rất mập, cuối cùng vì quá mập mà chết. Trang Vương nghe tin ngựa chết, khóc mãi không thôi, lệnh cho quần thần tổ chức tang lễ, tiến hành an táng theo lễ đại phu. Các bề tôi phản đối cho rằng như thế là không được. Trang Vương hạ lệnh, ai dám can gián sẽ trị tội chết. Bề tôi không ai dám nói lời nào nữa.
          Ưu Mạnh vội chạy vào điện ngửa mặt lên trời khóc lớn. Trang Vương lấy làm lạ, hỏi có chuyện gì?  Ưu Mạnh ngừng khóc, trịnh trọng nói rằng:
- Ngựa này là con vật mà Đại Vương yêu quý, nước Sở  to lớn như thế, sao lại tổ chức không được. Đại Vương yêu quý nó mà an táng nó theo lễ đại phu thì quả thực là quá bạc. Xin an táng theo lễ quân vương!
Trang Vương có chút mê hoặc, hỏi cách táng như thế nào? Ưu Mạnh đáp rằng:
          Xin dùng ngọc đã chạm trỗ làm quan tài, lấy gỗ cây tử làm quách, dùng gỗ cây tiện, gỗ cây phong, gỗ dự chương 豫章 làm “đề thấu” 题凑(1), sai quân sĩ đào huyệt, lệnh cho người già yếu vác đất, bảo người nước Tề nước Triệu dàn hàng phía trước, người nước Hàn nước Nguỵ hộ vệ phía sau, đưa nó vào miếu dâng cổ Thái lao, lệnh cho ấp có vạn hộ thờ phụng. Chư hầu nghe được đều biết Đại vương coi thường con người mà quý trọng ngựa.
          Trang vương nghe qua chợt tỉnh ngộ, hối hận nói rằng:
          - Lỗi của ta đến mức đó sao? Làm thế nào bây giờ?
          Ưu Mạnh đáp rằng:
          - Xin Đại vương chôn nó theo cách của lục súc, lấy bếp làm quách, lấy vạc đồng làm quan tài, dùng gừng táo làm gia vị, dùng mộc lan để khử mùi tanh, dùng gạo nếp làm tế phẩm, lấy củi lửa làm quần áo, táng vào trong bụng người. chính là nói, ăn thịt nó giống như ăn thịt lục súc vậy.
          Trang Vương không có lời dị nghị nào. 
         
Chú của người dịch
1- Đề thấu 题凑: được xem là một loại táng thức, hình thức chủ yếu chính là “hoàng trường đề thấu” 黄肠题凑. Về “hoàng trường đề thấu”, tên gọi này được thấy sớm nhất ở Lã Thị Xuân Thu 吕氏春秋, chỉ loại kết cấu hình khuông dùng gỗ bách chất chung quanh quách thất của lăng tẩm đế vương thời Tây Hán. Gọi là “hoàng trường” tức chỉ gỗ bách sau khi đã loại bỏ phần vỏ. Chung quanh quan quách dùng những khúc gỗ chất vây lại thành bức tường, bên trên đậy bằng những tấm ván, nhìn giống như một gian phòng, phía ngoài còn có tiện phòng. Ngoài thiên tử ra, chư hầu, đại phu, sĩ cũng có thể dùng đề thấu, nhưng nhìn chung không được dùng gỗ bách, chỉ dùng gỗ tùng hoặc các loại gỗ tạp khác.
          Sử dụng “hoàng trường đề thấu”, một mặt biểu thị thân phận và địa vị của chủ nhân ngôi mộ, mặt khác bảo vệ quan tài tránh được sự tổn hại.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 08/7/2017

Nguồn
HOÀNG TRIỀU ĐIỂN CỐ KỈ VĂN
皇朝典故纪闻
Tác giả: Hướng Tư 向斯
Bắc Kinh: Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post