TẠI SAO TỪ HI ĐƯỢC GỌI LÀ “LÃO PHẬT GIA”
Từ Hi
Thái Hậu 慈禧太后 là người thống trị tối cao và cũng là người quyết
sách tối cao của hai triều Đồng Trị同治 và Quang Tự 光緒nhà Thanh, với danh nghĩa “thuỳ liêm thính chính, huấn
chính” 垂簾聽政, 訓政, bà thống trị Trung
Quốc 47 năm. Trước giờ, trong mắt người Trung Quốc, Từ Hi luôn là đại danh từ
cho sự hôn dung, hủ bại, chuyên quyền, tàn bạo. Kì thực lúc bấy giờ, Trung Quốc
đối mặt với sự xâm lược của các liệt cường, Từ Hi ổn định Đại Thanh mấy chục
năm, cuối cùng không bị thành thực dân địa triệt để, phải nói bà đã có cống hiến.
Từ Hi
Thái Hậu còn được gọi là “Tây Thái Hậu” 西太后,
“Na Lạp Thái Hậu” 那拉太后, “Lão Phật Gia” 老佛爺,
thế thì, cách xưng hô “Lão Phật Gia” từ đâu mà ra? Vấn đề này trước giờ có 4
thuyết khác nhau.
1- Từ Hi Thái Hậu từng tạo cho mình hình trạng Quan
Âm, do đó người đời gọi bà là “Lão Phật Gia”. Theo ghi chép trong Thanh triều dã sử đại quan 清朝野史大觀 do
Tiểu Hoành Hương Thất chủ nhân 小橫香室主人 biên soạn:
Hiếu Khâm 孝欽 sau việc triều
chính nhàn hạ, từng tạo cho mình hình trạng Quan Âm, sai nội giám Lí Liên Anh 李蓮英 làm Thiện Tài 善財, chị của Lí
làm Long Nữ 龍女, theo kiểu tây chụp một tấm hình lớn
treo nơi tẩm điện, trong cung đều gọi bà là Lão Phật Gia.
Thanh triều dã sử đại quan 清朝野史大觀 là bộ sách “bại
quan dã sử” 稗官野史 (1) ở triều Thanh, toàn sách chia làm 5 phần: Thanh
cung di văn 清宮遺文, Thanh nhân dật sự 清人逸事, Thanh đại thuật dị 清代述異, Thanh đại
văn uyển 清代文苑, Thanh triều sử liệu 清朝史料, trong sách đề
cập đến nhân vật của các giai tầng xã hội đời Thanh, trên đến đế vương quan tướng,
dưới đến dân buôn lính tốt, gần 2.000.000 chữ, do hơn 150 loại bút kí dã sử tập
lục lại mà thành. Theo thuyết của Thanh
triều dã sử đại quan 清朝野史大觀 , cách gọi “Lão Phật Gia” do hành vi của Từ Hi một lần
ngẫu nhiên tạo hình trạng cùng tấm ảnh lưu lại.
2- Từ Hi tự gia cho mình huy hiệu “Lão Phật Gia”, bảo
mọi người theo đó mà xưng hô. Theo thuyết này có Thái Đông Phiên 蔡東藩 - tác gia tiểu thuyết diễn nghĩa và là sử học gia nổi
tiếng. Trong Từ Hi Thái Hậu diễn nghĩa 慈禧太后演義, Thái Đông Phiên có nói, khi Từ Hi tổ chức đại thọ 60 tuổi:
Tự gia cho mình huy hiệu, lệnh cho các nhân
viên gọi bà là “Lão Phật Gia”, hoặc gọi là “Lão Tổ Tông”.
3- Do Lí Liên Anh đặt cho Từ Hi Thái Hậu. Người theo
quan điểm này có nói, Từ Hi luôn cung kính Phật, tụng kinh cúng Phật không hề
gián đoạn, cho dù có lúc ra ngoài tuần thị cũng đều như thế. Có một lần Bắc
Kinh ít mưa, ngũ cốc cả vùng Hoa bắc bị thiệt hại.Theo tập tục, phàm gặp phải
tình huống đó, Từ Hi cùng quan viên triều đình hàng ngày đều hướng đến Như Lai
Phật cầu mưa, cho đến khi có mưa mới ngừng. Lần
nọ chỉ cầu đảo 3 ngày thì mưa xuống. Lí Liên Anh rất phấn chấn, bèn nhân cơ hội đó nịnh Từ Hi Thái
Hậu, nói rằng, Thái Hậu quả là tuyệt vời, rất giống với Phật Gia. Những lời nịnh
hót này khiến Từ Hi rất vui. Từ đó, Từ Hi biến thành “Lão Phật Gia” của Lí Liên
Anh, mỗi khi dâng lời luôn xưng hô như thế. Chẳng bao lâu, xưng hiệu “Lão Phật
Gia” nhanh chóng lan truyền, mọi người đều gọi Từ Hi là “Lão Phật Gia”.
Về thuyết
này còn có một cách nói khác. Đầu thời
Quang Tự, Từ Hi Thái hậu vừa tròn 40 tuổi, bà một lòng muốn buông rèm thính
chính, nhưng e ngại uy vọng không đủ, nên suốt ngày trong lòng không vui. Thái
giám tâm phúc Lí Liên Anh lanh trí, ra lệnh tạc một tượng Phật lấy theo khuôn mặt
của Từ Hi đặt phía sau điện Đại Hùng chùa Vạn Thọ 萬壽.
Sau khi
tượng Từ Hi Thái Hậu giả trang Phật hoàn thành, Lí Liên Anh tức tốc đi bẩm cáo
Từ Hi, nói rằng:
Nghe nói điện Đại Hùng ở chùa Vạn Thọ thường
có 2 vị Phật hiển linh, đó là điềm đại cát đại lợi, nô tài muốn thỉnh Thái Hậu
giá lâm đến xem.
Từ Hi
nghe xong cảm thấy vô cùng kì lạ, bèn khởi giá
xuất cung, ra đến cầu Cao Lương 高梁 ở cửa phía tây,
ngồi thuyền theo giòng sông đến chùa Vạn Thọ (nay là Viện bảo tàng nghệ thuật Bắc
Kinh). Quả nhiên thấy có tượng Quan Thế Âm với khuôn mặt hiền từ ngồi ở chính
giữa hậu điện, toả ánh sáng tương thông cùng với tượng Tam Thế Phật ở tiền điện.
Nhìn kĩ, tượng Quan Thế Âm này rất giống mình.
Lúc bấy
giờ, Lí Liên Anh nói lớn: “Lão Phật Gia đến”, những tuỳ tùng theo Từ Hi liền quỳ
xuống hô to: “Cung nghinh Lão Phật Gia”. Từ Hi nhìn thấy cảnh đó đã hiểu một nữa,
nhưng vẫn làm ra vẻ chưa biết, hỏi rằng:
- Người mà các ngươi nghinh tiếp là vị Lão Phật Gia nào?.
Bọn Lí Liên Anh đáp rằng:
- Chính là nghinh đón Lão Phật Gia Thái Hậu ngài.
- Ngài chính là đương kim Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn!
- Nay
tiên hoàng đã yến giá, tân hoàng còn nhỏ, nước không thể một ngày không có chủ,
thần dân thỉnh cầu ngài buông rèm lo liệu triều chính, ngài có thể cứu thứ dân từ trong nước lửa!
Những lời
đó khiến Từ Hi rất vui. Từ đó, cách xưng hô “Lão Phật Gia” từ chùa Vạn thọ lan
truyền khắp kinh thành. Cả nước trên dưới đều gọi Từ Hi là “Lão Phật Gia”. Từ
Hi cũng yên tâm buông rèm thính chính.
4- Cách xưng hô “Lão Phật Gia” là theo tập tục tộc
Mông Cổ. Học giả cuối đời Thanh Vương Vô Sinh 王無生
trong bút kí Thuật Am bí sử 述庵秘史, có nói:
Cung trung xưng Lão Phật Gia, diên Mông Cổ tục
dã.
宮中稱老佛爺, 沿蒙古俗也
(Trong
cung xưng “Lão Phật Gia” là theo tập tục Mông Cổ)
Bốn
thuyết trên đây đều đến từ dã sử, diễn nghĩa hoặc bút kí của văn nhân (đều
không phải là tín sử), đều cho rằng danh hiệu “Lão Phật Gia” này là danh hiệu
chuyên dụng của Từ Hi Thái Hậu, chỉ có một mình bà dùng, kì thực là nhầm: xưng
hiệu “Lão Phật Gia” không phải là xưng hiệu chuyên dụng của Từ Hi Thái Hậu, bởi
vì các hoàng đế triều Thanh đều đặc xưng là “Lão Phật Gia”.
Thường
thức chính trị của cung đình cổ đại cho chúng ta biết, đế vương các đời, trừ miếu
hiệu, thuỵ hiệu, tôn hiệu của mỗi người ra, có hoàng đế của một vài triều đại
còn có đặc xưng, như đặc xưng của hoàng đế triều Tống là “Quan gia” 官家, đặc xưng của hoàng đế triều Minh là “Lão gia” 老爺. Vậy thì đặc xưng của hoàng đế triều Thanh tại sao lại
gọi là “Lão Phật Gia”? Đó là nhân vì triều Thanh do tộc Nữ Chân kiến lập, mà đặc
xưng sớm nhất của thủ lĩnh của tộc Nữ Chân là “Mãn trụ” 滿柱. “Mãn trụ” là chuyển âm “yến châu” 晏珠 Phật Gia, ý nghĩa là “cát tường” Phật gia. Nhân đó,
thủ lĩnh Nữ Chân các đời truyền nhau, đặc xưng là “Mãn trụ”. Về sau, có một số
thủ lĩnh của gia tộc hiển hách, có địa vị cao, đặt tên là “Mãn trụ”. Cho nên,
triều Thanh sau khi kiến lập đã đem “Mãn trụ” dịch thành “Phật Gia”, dùng để chỉ
hoàng đế.
Cho
nên, “Lão Phật Gia” trở thành đặc xưng của hoàng đế các đời triều Thanh. Thái hậu,
Hoàng hậu, Thái hoàng thái hậu đều không thể dùng đặc xưng này, ngay cả Hiếu
Trang Thái hoàng thái hậu công lao to lớn cũng chưa từng có qua xưng hiệu “Lão
Phật Gia”. Từ Hi Thái Hậu bảo mọi người gọi mình là “Lão Phật Gia” là có mục
đích đặc thù, bà muốn xem mình như một vị hoàng đế. Công khai làm hoàng đế thì
không dám, nhưng hưởng thụ một chút đặc xưng của hoàng đế cũng đỡ phần nào cơn
thèm muốn.
Chú của người
dịch
1- Bại quan dã
sử 稗官野史:
Theo Từ
điển Trung Việt của nhà xuất bản Khoa học xã hội:
(Bái (bại)
quan là một chức quan nhỏ thời xưa, chuyên thuật chuyện đường phố và các phong
tục cho vua nghe, về sau dùng để chỉ tiểu thuyết) Sách tạp lục, sách chép chuyện
vặt vãnh.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/7/2017
Nguồn
ĐẠI THANH VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH NA TA BÍ SỬ THÚ VĂN
大清王朝的那些秘史趣聞
Tác giả: Lưu Kế Hưng 劉繼興
Tinh Quán xuất bản hữu hạn công ti, 2016
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật