LAI LỊCH TỪ “TÚC HẠ”
“Túc hạ”
足下 là từ vào thời cổ kính xưng đối phương. Không chỉ
dùng cho giữa những người ngang hàng nhau, mà cũng được dùng ở trường hợp cấp
dưới đối với cấp trên, bề tôi đối với vua. Như Nhạc Nghị 乐毅 trong Báo Yên
Huệ Vương thư 报燕惠王书 có viết:
Khủng thương tiên vương chi minh, hữu hại
túc hạ chi nghĩa, cố độn đào tẩu Triệu.
恐伤先王之明, 有害足下之义, 故遁逃走赵.
(Sợ tổn
hại hình tượng anh minh của tiên vương, bất lợi cho thanh danh nhân nghĩa của
ngài, cho nên bôn đào sang nước Triệu.)
Về lai
lịch của từ “túc hạ”, có liên quan đến một câu chuyện đau buồn. Theo Dị uyển 异苑, thời Xuân Thu, Tấn Hiến Công 晋献公 sủng ái Li Cơ 骊姬. Để giúp con mình là Hề Tề 奚齐 kế thừa vương vị,
Li Cơ đã bức tử thái tử Thân Sinh 申生. Em Thân Sinh là
Trùng Nhĩ 重耳 chạy ra nước ngoài lánh nạn. Trong thời gian lưu
vong, rất nhiều người theo cùng đã dần bỏ đi, chỉ có Giới Tử Thôi 介子推 và mấy người trung thành ở lại. Ngày nọ, Trùng Nhĩ bị nhiễm phong hàn, muốn ăn một bát canh thịt, nhưng không có tiền để
mua. Thế là, Giới Tử Thôi cắt một miếng thịt nơi đùi của mình, nấu thành một
bát canh thịt dâng lên Trùng Nhĩ.
Trùng
Nhĩ sau khi nắm được chính quyền, bảo những bề tôi trước đây cùng lưu vong nói
ra những cống hiến của bản thân, sau đó sẽ luận công mà ban thưởng. Nhìn thấy
các bề tôi tự tâng bốc bản thân, tranh đoạt công lao, Giới tử Thôi im lặng
không nói lời nào. Tấn Văn Công 晋文公 cũng chẳng nhớ đến
ông ta. Thất vọng, Giới Tử Thôi dắt mẹ quy ẩn chốn núi rừng. Có người thay ông
bày tỏ bất bình, Tấn Văn Công cuối cùng nhớ đến ơn của ông ta, liền mấy lần sai
người đi mời, nhưng Giới Tử Thôi đạm bạc với danh lợi, bất luận như thế nào
cũng không chịu xuống núi thụ phong.
Tấn Văn
Công đành phải tự mình đi mời, nhưng Giới Tử Thôi đã dẫn mẹ lên Miên sơn 绵山 để tránh. Tấn Văn Công sai ngự lâm quân lên núi tìm,
nhưng tìm không được. Lúc bấy giờ có người hiến kế, nói rằng chi bằng phóng hoả
thiêu đốt núi, ba mặt lửa cháy, chừa lại một hướng. Khi lửa bốc cao, Giới Tử
Thôi nhất định sẽ chạy ra. Tấn Văn Công làm theo. Nào ngờ lửa cháy lớn suốt 3
ngày 3 đêm vẫn chưa thấy Giới Tử Thôi xuất hiện. Sau khi lửa tắt, Tấn Văn Công
lên núi, nhìn thấy hai mẹ con Giới Tử Thôi ôm nhau dưới gốc cây liễu chết cháy
tự bao giờ. Tấn Văn Công đau xót, gục bên gốc cây khóc cả buổi. Trước lúc ra
đi, Tấn Văn Công chặt một khúc gỗ liễu đem về cung làm thành đôi guốc. Mỗi khi
tưởng nhớ đến Giới Tử Thôi bèn lấy ra nhìn, than rằng:
- Đau xót thay, túc hạ!
Tuy
“túc hạ” và chân có liên quan, nhưng hoàn toàn không phải chỉ việc bị người ta
giậm ở dưới chân, mà là lấy ý nhìn thấy vật nhớ đến người, cảm niệm tình hữu
nghị, biểu đạt sự tôn kính đối với bằng hữu.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 30/7/2017
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật