TÊN “CHI” TRONG
GIA TỘC VƯƠNG HI CHI
Cách dùng chữ
“Chi” 之 để đặt tên đã có từ rất lâu,
nhưng xem chữ “Chi” là cao quý, thời thượng, đặt tên một cách phổ biến là vào
thời Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều. Lúc bấy giờ những danh môn vọng tộc đều dùng “
Chi” để đặt tên. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng có tên “Chi”, như khoa học gia Tổ
Xung Chi 祖冲之, thư pháp gia Vương Hi Chi 王羲之, hoạ gia Cố Khải Chi 顾恺之, sử gia Bùi Tùng Chi 裴松之, tướng Lưu Lao Chi 刘牢之, Thẩm Khánh Chi 沈庆之.
Gia tộc dùng
“Chi” đặt tên tạo ảnh hưởng lớn nhất đó là gia tộc của thư pháp gia Vương Hi Chi. Đây là gia tộc nổi tiếng ở Lang Nha 琅琊
thời Lưỡng Tấn. Từ đời Vương Hi Chi trở đi, các đời sau đều thích dùng chữ
“Chi” để đặt tên, đời trước truyền cho đời sau, kéo dài đến 120 năm.
Vương Hi Chi là
cháu đời thứ sáu của dòng họ Vương ở Lang Nha. Thế hệ của ông dùng “Chi” để đặt
tên, ngoài Vương Hi Chi còn có Yến Chi 晏之,
Doãn Chi 允之, Tịch Chi 籍之, Di Chi 颐之,
Hồ Chi 胡之, Kỳ Chi 耆之, Tiện Chi 羡之,
Bành Chi 彭之, Bưu Chi 彪之, Kiều Chi 翘之,
Hưng Chi 兴之…
Đối với chữ
“Chi”, Vương Hi Chi lại càng yêu thích, ông đã đặt tên cho mấy người con của
mình đều là “Chi”: Huyền Chi 玄之,
Ngưng Chi 凝之, Hoán Chi 涣之, Túc Chi 肃之, Huy Chi 徽之,
Hiến Chi 献之. Và các con của ông cũng đều
dùng “Chi” để đặt tên cho con trai của mình, đặc biệt là người con trưởng Huyền
Chi, ba đời nối tiếp nhau dùng “Chi” để đặt tên cho con cháu, theo thứ tự là Uẩn
Chi 蕴之, Phủ Chi 抚之, Ý Chi 懿之.
Như vậy, dòng họ Vương ở Lang Nha tính từ đời Vương Hi Chi trở đi, riêng chi của
Vương Hi Chi dùng “Chi” để đặt tên đã truyền được năm đời.
Cùng thế hệ với
Vương Hi Chi có Vương Doãn Chi, các thế hệ sau của ông cũng đều dùng “Chi” để đặt
tên, nối nhau được sáu đời, nhiều hơn Vương Hi Chi một đời. Lần lượt theo thứ tự
là: Đời thứ hai Hi Chi 唏之, Trọng Chi
仲之; đời thứ ba Xung Chi 冲之, Triệu Chi
肇之; đời thứ tư Phạm Chi 范之; đời thứ năm Hoành Chi 横之;
đới thứ sáu Khiêm Chi 谦之, Kiệm Chi 俭之.
Ngoài ra, Vương Hồ
Chi, người cùng thế hệ với Vương Hi Chi, con cháu năm đời nối tiếp sau cũng đều
có tên là “Chi”.
Phương thức dùng
“Chi” đặt tên cho liên tiếp mấy đời quả thật là đặc biệt và độc đáo, trong lịch
sử văn hoá về tên họ của Trung quốc chỉ có một.
Thế thì tại sao
dùng chữ “Chi” để đặt tên vào thời Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều lại thịnh hành như
thế? Một số văn nhân danh sĩ tại sao thích dùng “Chi” để đặt tên? Chủ yếu có hai nguyên do.
- Nguyên do thứ
nhất có liên quan đến đạo “Ngũ đẩu mễ” của Đạo giáo.
Đạo “Ngũ đẩu mễ” 五斗米 do Trương Lăng 张陵, người ở huyện Phong 丰, Bái quốc 沛国 (nay thuộc huyện Phong tỉnh Giang Tô) sáng lập vào
khoảng niên hiệu Thuận Đế 顺帝 thời Đông Hán. Họ tôn Lão Tử làm
Giáo tổ, lấy “Đạo Đức Kinh” 道德经 làm kinh. Đạo “Ngũ đẩu
Mễ” ban đầu truyền bá trong nhân dân, đến thời Tây Tấn bắt đầu phân hoá, một bộ
phận du nhập vào tầng lớp quý tộc. Đạo này chủ trương hái thuốc luyện đan, trường
sinh bất lão, nhàn tản phiêu du nơi núi cao sông rộng, theo đuổi một thế giới
thần tiên hư ảo, rất hợp với khẩu vị của tầng lớp môn phiệt thế tộc đang ở vào một xã hội rối
ren, muốn tìm nơi gởi gắm tinh thần. Vì thế, họ đã nảy sinh tình cảm nồng hậu đối
với đạo “Ngũ đẩu mễ”. Đạo “Ngũ đẩu mễ” đã dùng chữ “Chi” làm ám hiệu đặt tên
cho các tín đồ. Xuất phát từ sự sùng tín đối với đạo, chữ “Chi” đã được khoác
lên một màu sắc thần bí, cấp thêm cho bản thân nó một hàm ý đặc biệt, cho nên tầng
lớp môn phiệt thế tộc vô cùng yêu thích, và “Chi” đã dần xuất hiện nhiều trong
tên người.
- Nguyên do thứ
hai là vào thời Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, vấn đề kỵ huý họ tên ngày càng nghiêm
nhặt. Tên của hoàng đế phải tránh, gọi là “Quốc huý”, tên của cha mẹ ông bà phải
tránh, gọi là “Gia huý”, tên của các bậc thánh phải tránh, gọi là “Thánh huý”,
vì thế tìm một cái tên để đặt không phải là dễ, phải chịu rất nhiều hạn chế của
việc kỵ huý. Nhưng lúc bấy giờ, chữ “Đạo” và chữ “Chi” không được liệt vào các
chữ huý, cha con, ông cháu đều có thể dùng mà không ngại, vì thế văn nhân danh
sĩ thích dùng “Chi” để đặt tên.
Chính bởi những
nguyên do trên, mới xuất hiện hiện tượng đặc thù dùng chữ “Chi” để đặt tên cho
con cháu liên tiếp nhiều đời của gia tộc Vương Hi Chi.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 20/5/2017
Nguyên tác Trung văn
Trong
quyển
TRUNG
QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên 张壮年
Trương Dĩnh Chấn 张颖震
Sơn
Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật