Dịch thuật: Ba bộ "Bách gia tính" có ảnh hưởng nhất

BA BỘ “BÁCH GIA TÍNH” CÓ ẢNH HƯỞNG NHẤT

          Nói đến Bách gia tính 百家姓, người Trung Quốc ai cũng biết, đại thể đọc được vài câu đầu như: “Triệu Tiền Tôn Lí, Chu Ngô Trịnh Vương” 赵钱孙李, 周吴郑王, có thể nói già trẻ trai gái đều biết. Bộ Bách gia tính này do một nhà Nho thời Tống biên soạn, đã lưu truyền hơn ngàn năm nay. Nhưng nếu nói đây chỉ là một bộ trong mấy bộ Bách gia tính, ngoài ra còn có nhiều bộ khác thì rất ít người biết được. 
          Văn hoá danh tính của Trung Quốc có nguồn gốc sâu xa, có lịch sử năm sáu ngàn năm nay. Những trứ tác liên quan đến danh tính nhiều không kể xiết, chỉ Bách gia tính mà nói, chí ít cũng có mười đến hai mươi loại, nhưng chẳng qua sách bên trên đề “Bách gia tính” này, hơn ngàn năm nay được xem là sách học của nhi đồng, mọi người rất quen thuộc. Đến nay, một số thầy tư thục vẫn còn có thể đọc thuộc hoàn chỉnh. Ngoài ra, Hoàng Minh thiên gia tính 皇明千家姓 triều Minh, Ngự chế bách gia tính 御制百家姓 triều Thanh cũng rất nổi tiếng. Đó là 3 bộ “Bách gia tính” có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
          Với Bách gia tính đời Tống được xem là sách học của nhi đồng, nhìn chung mọi người cho rằng là do một nhà Nho vùng Tiền Đường 钱塘 của những năm đầu thời Bắc Tống biên soạn. Lúc ban sơ, sách thu thập 438 tính thị, trong đó có 408 họ đơn, 30 họ phức, về sau sách không ngừng được tăng bổ, trở thành sách học của nhi đồng bao gồm 504 tính thị.
          Bộ Bách gia tính này, nhân vì biên soạn vào triều Tống, hoàng đế họ Triệu, Triệu là quốc tính, cho nên “Triệu” được xếp đầu tiên. Tiếp đó là các họ “Tiền”, “Tôn”, “Lí” ... cũng đều có lai lịch, thể hiện rõ địa vị. Sở dĩ “Tiền” được xếp thư 2 là bởi vì quốc vương Ngô Việt là Tiền Thục 钱俶 thuận ứng theo lịch sử phát triển, chủ động quy thuận triều Tống, nhận sự đãi ngộ đặc biệt được xếp thứ 2 trong Bách gia tính; “Tôn” được xếp thứ 3 do bởi đó là họ của chính phi của Ngô Việt vương; “Lí” xếp thứ 4, là do đó là họ của quốc vương Nam Đường. Từ đó chúng ta có thể thấy, bộ Bách gia tính triều Tống đầy màu sắc chính trị.
          Cũng như thế, bộ Hoàng Minh thiên gia tính 皇明千家姓 triều Minh cũng đầy màu sắc chính trị. Bộ “Bách gia tính” này là do nhóm Hàn lâm viện biên tu Ngô Thẩm 吴沈 đầu triều Minh căn cứ vào sổ hộ khẩu đương thời mà bộ Hộ lưu giữ biên soạn thành, thu thập 1968 họ, nhiều gấp 4 lần Bách gia tính đời Tống. Hình thức biên soạn cũng là câu 4 chữ, sắp xếp theo vần. Chỗ khác nhau đó là, theo thứ tự  họ “Chu đứng đầu. Câu đầu tiên là:
Chu Phụng Thiên Vận
Phú Hữu Vạn Phương
Thánh Thần Văn Võ
Đạo Hợp Đào Đường
朱奉天运
赋有万方
圣神文武
道合陶唐
          Ở đây không chỉ đưa quốc tính Chu xếp lên đầu, mà còn tiến hành ca tụng công đức, đưa chính quyền họ Chu lên đến chỗ chí cao vô thượng.
          Ngự chế bách gia tính 御制百家姓  triều Thanh do đích thân Khang Hi thẩm định, cách sắp xếp ở bộ “Bách gia tính” này khác với cách sắp xếp ở bộ “Bách gia tính” triều Tống và triều Minh, sách không xếp quốc tính lên hàng đầu, mà là đưa họ của Khổng Tử, Mạnh Tử lên hàng đầu. Mở đầu sách là:
Khổng Sư Khuyết Đảng
Mạnh Tịch Tề Lương
Cao Sơn Chiêm Ngưỡng
Trâu Lỗ Vinh Xương
Nhiễm Quý Tông Chính
Du Hạ Văn Chương
孔师阙党
孟席齐梁
高山詹仰
邹鲁荣昌
冉季宗政
游夏文章
          Tại sao lại sắp xếp như vậy?
          - Một là bởi vì họ của hoàng đế triều Thanh là “Ái Tân Giác La” 爱新角罗, có 4 chữ, không tiện xếp.
          - Hai là do bởi mâu thuẫn dân tộc lúc bấy giờ vẫn còn gay gắt. Đưa Khổng Tử, Mạnh Tử mà dân tộc Hán tôn sùng xếp lên đầu, có lợi cho việc lấy lòng người Hán, giúp cho việc hoá giải mâu thuẫn dân tộc. Cho nên, cách sắp xếp như thế cũng xuất phát từ sự suy nghĩ cẩn thận về chính trị.

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn 05/5/2017

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post