ĐẠI THI NHÂN KHUẤT NGUYÊN
TẠI SÔNG MỊCH LA TỰ TRẦM
Khuất Nguyên 屈原 (năm 340 – năm 278 trước công nguyên), tên Bình 平, người Tỉ Quy 秭归 nước Sở (nay là huyện Tỉ Quy tỉnh Hồ Bắc) cuối thời
Chiến Quốc, là thi nhân yêu nước vĩ đại thời cổ, cũng là chính trị gia, tư tưởng
gia kiệt xuất.
Khuất Nguyên sinh ra trong một gia
đình quý tộc, từ nhỏ đã nhận được sự giáo dục tốt đẹp. Ông học rộng nhớ nhiều,
giỏi về từ lệnh, đối với việc hưng suy trị loạn của đất nước có nhiều kiến giải
sâu sắc.
Thời đại Khuất Nguyên sống, nước Sở từ
thịnh chuyển sang suy. Khuất Nguyên nhìn thấy cục diện chính trị của tổ quốc
ngày càng suy bại, vô cùng lo lắng đau buồn. Ông quyết tâm phải làm việc gì đó
về chính trị để đất nước cường thịnh trở lại.
Khoảng năm 318 trước công nguyên, Khuất
Nguyên 22 tuổi mang trong lòng chí hướng to lớn, từ quê nhà đi đến Dĩnh đô 郢都, hướng đến Sở Hoài Vương 楚怀王 trình bày chủ trương và kiến
giải của mình làm cho nước giàu binh mạnh. Hoài Vương phát hiện Khuất Nguyên học
thức uyên bác, tài hoa tràn đầy, liền giữ lại bên cạnh để trọng dụng, cho ông
làm Tả tư đồ, tham dự chính sự, đồng
thời giao ông tiếp đãi tân khách, ứng thù cùng các chư hầu.
Khuất Nguyên thấy Hoài Vương tín nhiệm
mình, nên muốn thi triển tài năng, thực hiện hoài bão chính trị và lí tưởng to
lớn của mình. Ông kiến nghị Sở Hoài Vương đối nội pháp kỉ phải nghiêm minh, nhậm
dụng hiền năng, cải cách chính trị; đối ngoại phải liên Tề kháng Tần, ngăn chận
sự khuếch trương của nước Tần. Những chủ trương này, lúc đầu được Hoài Vương ủng
hộ, Hoài Vương còn sai ông đi sứ nước Tề, cùng Tề kiến lập minh ước liên hiệp
kháng Tần, một dạo ngăn được sự khuếch trương của Tần. Nhưng về sau, những chủ
trương này gặp phải sự phản đối quyết liệt của các thế lực lạc hậu. Về chính trị,
bọn chúng không tiếc dùng thủ đoạn hèn hạ để hãm hại Khuất Nguyên.
Hoài Vương vốn là người nhu nhược vô
năng, không có chủ kiến. Thượng quan đại phu Cận Thượng 靳尚 thường trước mặt Hoài Vương thao túng thị phi, khiến
Hoài Vương không phận biệt trung thần và gian nịnh. Cuối cùng, dưới sự khiêu
khích của y, Hoài Vương dần xa lánh Khuất Nguyên, không còn trọng dụng ông nữa.
Khuất Nguyên bị chuyển nhậm Tam lư đại phu, cuối cùng bị đày đến Hán thuỷ.
Sau khi Khuất Nguyên bị đày, trong
tình cảnh u uất đau buồn, ông sáng tác ra Li
tao 离骚, mượn đó bộc lộ nỗi buồn bất đắc chí và nỗi bi
phẫn trong lòng.
Sở Hoài Vương sau khi đày Khuất
Nguyên, lại trúng phải kế li gián của thuyết khách Trương Nghi 张仪 nước Tần, để có được 600 dặm
đất, ông đoạn tuyệt liên minh giữa Sở và Tề. Hoài Vương bị mắc lừa mà không biết,
khi ông phái sứ giả đi đến Tần nhận đất, Trương Nghi giảo hoạt nói rằng:
- Tôi
và Sở Vương ước định 6 dặm, không phải 600 dặm.
Lúc này Sở Hoài Vương mới tỉnh ngộ, giận
dữ cử binh đánh Tần. Kết quả, Sở bị Tần đánh bại. Lúc bấy giờ, Hoài Vương mới
nhớ đến chủ trương liên minh kháng Tần của Khuất Nguyên. Năm 312 trước công
nguyên, Hoài Vương trọng dụng lại Khuất Nguyên, phái Khuất Nguyên một lần nữa
sang Tề du thuyết, kiến lập lại liên minh Tề Sở.
Năm 299 trước công nguyên, Tần Chiêu Tương
Vương 秦昭襄王 lên ngôi, hẹn Sở
Hoài Vương đến Vũ Quan 武关 (nay là
phía đông nam huyện Đan Dương 丹阳
Thiểm Tây 陕西) tương hội.
Khuất Nguyên can ngăn Hoài Vương không nên đi, ông hoài nghi nước Tần muốn hại
nước Sở. Nhưng, con của Hoài Vương là Tử Lan 子兰
và Cận Thượng lại ra sức khuyên Hoài Vương nên đi.
Hoài Vương cả tin lời của công tử Tử
Lan, khởi trình đến Vũ Quan. Quả nhiên không ngoài dự đoán của Khuất Nguyên,
Hoài Vương vừa mới bước vào đất Tần, lập tức đã bị quân Tần mai phục trước đó
chặn đường phía sau. Lúc tương kiến, Tần Chiêu Tương Vương bức Sở Hoài Vương đất
đem Kiềm Trung 黔中 cắt dâng
cho Tần, Hoài Vương không đáp ứng. Tần Chiêu Tương vương bèn áp giải Hoài Vương
đến Hàm Dương 咸阳 giam lỏng,
yêu cầu nước Sở đem đất chuộc Hoài Vương về. Đại thần nước Sở biết tin Hoài
Vương bị giam giữ, bèn lập thái tử lên làm quốc quân, đồng thời cự tuyệt cắt đất.
Vị quốc quân đó chính là Sở Khoảnh Tương Vương 楚顷襄王. Hoài Vương bị giam ở Tần hơn một năm, chịu nhiều
gian khổ. Một lần nọ, ông mạo hiểm trốn khỏi Hàm Dương, lại bị quân Tần bắt được.
Hoài Vương tức giận sinh bệnh, chẳng bao lâu qua đời.
Sở Khoảnh Tương vương cũng hôn dung
như cha của ông, sau khi lên ngôi trọng dụng bọn Tử Lan, Cận Thượng, trị lí đất
nước hồ đồ. Khuất Nguyên nhìn thấy quân thần hoạ quốc ương dân làm bậy, lòng
như lửa đốt. Ông ra sức khuyên Khoảnh Tương Vương thay đổi chính sách, liên Tề
kháng Tần, gây lại uy thế của đất nước, nhưng Khoảnh Tương Vương nào chịu nghe.
Do bởi lúc bấy giờ, trên dưới nước Sở đều do bọn Tử Lan, Cận Thượng điều khiển,
luôn nói xấu Khuất Nguyên trước mặt Khoảnh Tương Vương. Nghe mấy lời của bọn họ,
Khoảnh Tương Vương đại nộ, cách chức Khuất Nguyên, đày đến Tương nam 湘南. Năm 296 trước công nguyên,
Khuất Nguyên bị đày lần thứ hai.
Trong cuộc sống trường kì bị lưu đày,
Khuất Nguyên cô độc đau buồn, ưu quốc ưu dân, viết ra nhiều bài thơ bất hủ.
Ngoài thiên Li Tao trước đó ra, còn có
25 thiên khác như Thiên vấn 天问,
Cửu ca 九歌, Quất tụng 橘颂, trở thành những kiệt
tác của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học cổ đại Trung Quốc, dựng nên một tấm
bia vững chắc trong lịch sử thơ ca Trung Quốc.
Năm 278 trước công nguyên, đại tướng
nước Tần là Bạch Khởi 白起 liên tiếp
tấn công nước Sở với quy mô lớn, Động Đình 洞庭,
Ngũ hồ 五湖, Giang Nam 江南lần lượt vị vây hãm. Khoảnh Tương Vương hoảng hốt bỏ
chạy đến đất Trần (nay là Tuy Dương 睢阳
Hà Nam
河南) lánh nạn. Khuất Nguyên tuổi
đã quá lục tuần nhìn thấy giang sơn bị cường Tần xâm chiếm, người dân nước Sở bị
nô dịch khổ sở, lòng vừa căm giận vừa đau xót, “nhan sắc tiều tuỵ, hình dung
khô cảo” 颜色憔悴, 形容枯槁, trong lúc tuyệt vọng, ông lại
viết ra những thiên thiên cổ tuyệt xướng như Ai Dĩnh 哀郢,
Thiệp giang 涉江,
Hoài sa 怀沙,
Tích vãng 惜往, biểu lộ lòng yêu nước nhiệt
tình đối với tổ quốc.
Tổ
quốc giang sơn bị tàn phá, cuộc sống nhân dân điên đảo lưu li, Khuất Nguyên đau
buồn cùng cực. Ngày mồng 5 tháng 5 năm 278 trước công nguyên, Khuất Nguyên
không cách nào chịu đựng nữa, đã ôm tảng đá bên người nhảy xuống giòng Mịch La 汨罗 đang cuồn cuộn chảy! Hoài tài bất
ngộ, lòng đầy bi phẫn, thi nhân vĩ đại Khuất Nguyên đã từ giã cuộc đời như thế.
Ngày
mồng 5 tháng 5 năm sau để kỉ niệm Khuất Nguyên tự trầm tròn một năm, người dân nơi
đó chèo thuyền ra giữa giòng ném xuống khắp sông những ống trúc bên trong có đựng
cơm để tế ông. Về sau đổi ống trúc thành bánh “tông” 粽, chèo thuyền biến thành đua
thuyền rồng. Hoạt động kỉ niệm này dần hình thành phong tục, mọi người gọi ngày
mồng 5 tháng 5 âm lịch là tết Đoan Ngọ 端午. Sau này để kỉ niệm thi nhân
Khuất Nguyên, cũng là nhà yêu nước vĩ đại, hàng năm nhân dân gói bánh “tông” thả
xuống sông cho tôm cá ăn để kí thác nguyện vọng bảo toàn di thể của Khuất
Nguyên.
Khuất
Nguyên tuy mất, nhưng tinh thần mãi trường tồn. Tinh thần sùng thượng chủ nghĩa
yêu nước, nhân cách vĩ đại của ông mãi mãi sống trong lòng nhân dân. Những
thiên thơ xán lạn của ông được truyền tụng muôn đời.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 30/5/2017
Tết Đoan Ngọ năm Đinh Dậu
Nguyên tác Trung văn
ĐẠI THI NHÂN KHUẤT
NGUYÊN ĐẦU THÂN MỊCH LA GIANG
大诗人屈原投亲汨罗江
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ
NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất
bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật