TÔN VŨ
(kì 4)
Phù Sai
cho rằng người có công đầu phá quân Sở là Tôn Vũ, cần phải gia phong quan tước,
để rạng rỡ dòng họ. Nhưng Tôn Vũ lại kiên quyết không chịu, đồng thời đề xuất từ
quan về quê. Tôn Vũ nói rằng:
- Thần vốn là kẻ sĩ bình dân, tiên vương hậu
đãi, bảo thần ra làm quan, thần miễn cưỡng nhận mệnh. Mười mấy năm nay, thần ra
sức giúp tiên vương, hiện nghiệp bá của nước Ngô đã thành, chư hầu không ai là
không nhiếp phục, tất cả đều là do uy đức của tiên vương. Thần thể trạng ốm yếu
nhiều bệnh tật, tuối cũng đã cao, xử lí chính sự thường lực bất tùng tâm, nên lấy
làm lo sợ, khẩn cầu đại vương cho phép thần từ quan về quê.
Phù Sai
vô cùng kinh ngạc, phái Ngũ Tử Tư đến phủ Tôn Vũ khuyên Tôn Vũ từ bỏ ý định.
Tôn Vũ nói rằng:
- Ra làm quan không phải là bản ý của tôi, mà
là vì ân sủng của tiên vương và tình bạn của ông. Tính đốt ngón tay, tôi đã làm
quan hơn 10 năm, có được nhiều cơ hội tốt để học tập và nghiên cứu binh pháp,
như thế là thoả mãn lắm rồi. Đó là sự hưng thú của tôi, không dám đòi công. Hiện
thân thể tôi không như trước, khẩn thiết xin ông giúp tôi hoàn thành ước nguyện,
tôi cảm kích vô cùng.
Ngũ Tử
Tư thấy Tôn Vũ ý đã định, không còn cách nào, đành về bẩm báo với Phù Sai. Phù
Sai đồng ý với thỉnh cầu của Tôn Vũ.
Tôn Vũ
quay về với ruộng đất ban thưởng, đối với việc nghiên cứu binh pháp cũng không
cảm thấy hứng thú. Lúc Tôn Vũ ra làm quan chỉ có mấy sợi tóc bạc, làm quan hơn
10 năm, giờ tóc bạc đầy đầu. Sở dĩ Tôn Vũ đạm bạc với công danh lợi lộc, là bởi
vì ông rất phản cảm với cuộc sống quan trường: lừa dối lẫn nhau, a dua xu nịnh,
làm quan tại triều như đi trên băng mỏng, run rẩy sợ sệt, một chút bất cẩn sẽ
thân bại danh liệt. Nhất là Phù Sai khi đăng cơ làm vương và sau khi phạt Sở thắng
lợi đã bộc lộ sự tàn nhẫn, kiêu bạc, xa xỉ, khiến Tôn Vũ không lạnh mà run.
Tôn Vũ
bất giác cảm thán Ngũ Tử Tư con người thông minh như thế, không cách nào thoát
khỏi sự tranh giành danh lợi quyền thế, đối sự tình trọng yếu nhất của nhân
sinh nhìn mà không thấy, từng nhẹ nhàng khuyên ông ta rằng:
- Người thông minh không những thích nghi với
thời, mà còn đem phạm vi tiếp xúc giữa cá nhân và thế giới thu nhỏ lại.
Lời của
Tôn Vũ không những chân thành, mà còn ngầm bảo Ngũ Tử Tư nên lui về chốn núi rừng,
hưởng trọn tuổi trời. Nhưng Ngũ Tử Tư không hề lưu tâm đến những lời nói đó.
Về sau,
không biết Tôn Vũ đi đâu, chỉ lưu lại sơn trang vắng vẻ giữa chốn rừng xanh núi
biếc.
Tôn Vũ
quy ẩn nơi đâu trở thành câu đố cho hậu thế. Có người đoán, ông vẫn lưu tại nước
Ngô, ẩn cư chốn làng quê nghiên cứu binh pháp cho đến lúc qua đời. Trong Việt tuyệt thư – Kí Ngô địa truyện 越绝书 - 记吴地传 có nói:
Ngôi mộ lớn ngoài Vu Môn 巫门, là mộ của Tôn Vũ người nước Tề, khách của Ngô Vương,
cách huyện 10 dặm. Người này giỏi về binh pháp.
Đây dường
như là chứng cứ rất tốt, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là suy đoán mà thôi.
Tôn Vũ
quy ẩn, tình huống có khả năng nhất đó là, Tôn Vũ sau khi quy ẩn tận mắt nhìn
thấy nước Ngô diệt vong.
Vợ chồng
Câu Tiễn 勾践cùng Phạm Lãi 范蠡
tại nước Ngô 3 năm chịu biết bao khuất nhục nhằm lấy lòng tin của Ngô Vương.
Câu Tiễn nếm phân của Ngô Vương khi Ngô Vương bệnh, phân tích bệnh tình. Ngô Vương
nghe theo Bá Bỉ 伯嚭, năm 490 trước công nguyên đã thả 3 người, để Câu Tiễn
khôi phục xưng hiệu Việt Vương, định kì triều cống nước Ngô.
Sau khi
Câu Tiễn về đến nước Việt, đối với nước Ngô vô cùng cung kính, thường phái người
tặng châu báu cho Ngô Vương. Văn Chủng 文种
đề xuất “diệt Ngô cửu thuật”, nội dung cụ thể là: tôn thiên địa, phụng quỷ thần,
gây dựng niềm tin nước Việt tất thắng. Hối lộ Ngô Vương, làm cho ông ta tâm
kiêu khí táng. Mua lương thực của nước Ngô với giá cao, khiến họ thiếu lương thực.
Tuyển chọn mĩ nữ dâng cho Ngô Vương, làm loạn quốc chính của họ. Dâng nhiều thợ
tài năng để Ngô Vương xây dựng cung điện, hao tận tiền tài. Hối lộ gian thần nước
Ngô, khiến họ làm loạn quốc quân đại kế của nước Ngô. Làm cho nước Việt dân
giàu nước mạnh, chuẩn bị diệt Ngô, chỉnh tu quân bị, đợi thời cơ phục thù.
Dưới sự
nỗ lực của trên dưới nước Việt, “diệt Ngô cửu thuật” toàn bộ được thực hiện.
Năm 482 trước công nguyên, Ngô Vương Phù Sai hội minh cùng quốc quân chư hầu Tấn,
Lỗ. Trong lần hội minh này, giành được địa vị bá chủ. Những cảnh đẹp không được
lâu dài, nỗi lo của Tôn Vũ cuối cùng đã phát sinh. Nước Việt thừa lúc quân chủ
lực nước Ngô tiến lên phía bắc, trong nước trống không, liền đột kích kinh đô
nước Ngô, đánh nước Ngô trầm trọng.
Từ đó,
trong cuộc chiến với Ngô, nước Việt chiếm ưu thế, thắng lợi về lại nước Việt,
quân Việt càng đánh càng thắng, Phù Sai kiệt quệ không gượng nỗi.
Năm 473
trước công nguyên, quân Việt chiếm lĩnh đô thành nước Ngô, Phù Sai tự vẫn, nước
Ngô diệt vong.
Đối với
chiến bại của nước Ngô, trong trứ tác binh pháp của Tôn Vũ phản ánh rõ ràng.
Tôn Vũ trong Tôn Tử binh pháp – Tác chiến
thiên 孙子兵法 - 作战篇 có nói:
Phàm binh cùn hết bén, sức lực yếu mà hàng
hoá cũng không còn, thì chư hầu thừa cơ tấn công, tuy là kẻ trí cũng không thể
chống cự lại.
Điều
này đúng với Phù Sai đối với mối thù không cảnh giác, cử binh tiến lên phía bắc
tranh đoạt ngôi vị minh chủ, để nước Việt thừa dịp tấn công, cuối cùng mất nước.
Sinh mệnh
của vĩ nhân tuy có hạn, nhưng tinh thần của họ lại mãi trường tồn, nó có thể vượt
qua thời gian không gian toả sáng dị thường.
Sở dĩ
Tôn Vũ có được sự ca ngợi xưa nay cả trong và ngoài nước, không phải là do quân
công của ông hiển hách, mà là do Tôn Vũ đẫ để lại cho đời sau bộ Tôn Tử binh
pháp 孙子兵法 sớm nhất hiện còn ở Trung Quốc. Tôn Vũ đã đem vấn đề quân sự liên quan
đến chiến tranh phân làm 13 thiên tiến hành luận thuật, mỗi thiên vừa có khả
năng độc lập thành chương lại vừa có quan hệ mật thiết.
Bộ Tôn Tử binh pháp bao gồm các phương diện
quân sự học, luận thuật tiến hành chiến tranh là nội dung chính của sách.
Thiên đầu
tiên của Tôn Tử binh pháp đã chỉ ra rằng:
chiến tranh là việc lớn của đất nước, nó có quan hệ đến sự tồn vong của đất nước,
sự sống chết của nhân dân, do đó mà phải thận trọng, không thể xem thường.
Tư tưởng
“thận chiến” của Tôn Vũ phản ánh trong chiến tranh, thể hiện lí luận “toàn thắng”,
là tinh hoa của bộ Tôn Tử binh pháp .
Tôn Vũ cho rằng muốn tiến hành chiến tranh phải nắm chắc thắng lợi. Tác chiến
phải nỗ lực nhiều nhất, sáng tạo điều kiện tốt nhất, tranh thủ dùng cái giá thấp
nhất, tốc độ nhanh nhất, đạt được thắng lợi lớn nhất.
Tôn Vũ
cho rằng, để “biết người biết ta”, ngoài việc phân tích quan sát các hiện tượng
và động hướng liên quan với quân địch ra, còn cần phải phái các loại gián điệp
tìm cách thâm nhập vào nội quân địch.
Người
chỉ đạo chiến tranh trước khi chiến đấu phải khắc phục nhược điểm, phải có tư
tưởng tác chiến tuỳ thời, khiến sự tấn công của quân địch không thể thuận lợi,
bẻ gãy nhuệ khí của quân địch. Trong việc bố trí sắp xếp quân sự, định ra kế hoạch
tác chiến nghiêm túc, đề phòng sự tập kích bất ngờ của quân địch.
Người
chỉ huy tác chiến giỏi, có thể khống chế quân địch mà không bị quân địch khống
chế. Trong chiến tranh phải giành thế chủ động, đối với đội quân có ưu thế
tương đối lớn, chỉ cần chỉ huy không sai lầm, quan binh thiện chiến, thì có thể
nắm được quyền chủ động. Đối với đội quân yếu thế, nếu người chỉ đạo chiến
tranh dùng chiến lược chiến thuật thắng bất ngờ cũng có thể giành được quyền chủ
động.
Tôn Vũ
cho rằng, mưu kế không ngừng đổi mới để người ta không thể biết được; nơi đóng
quân cũng thường thay đổi, tiến quân đi đường vòng khiến người ta không thể biết
được ý đồ.
Sau khi
bộ Tôn Tử binh pháp ra đời, đã được
xã hội coi trọng, Tôn Vũ được người đời suy tôn là tị tổ của binh học. Cuối thời
Chiến Quốc, nhiều nhà đã có bộ Tôn Tử binh pháp.
Tôn Tử binh pháp là bộ trứ tác quân sự sớm
nhất trên thế giới, nhiều nước ở châu Á đã quy định lấy Tôn Tử binh pháp làm giáo trình huấn luyện quân sự.
(hết)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
27/4/2017
Nguyên tác
TÔN VŨ
孙武
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật