多心为祸,少事为福
福莫福于少事, 祸莫祸于多心. 惟苦事者, 方知少事之为福; 惟平心者, 始知多心之为祸.
(菜根谭 - 自省克己)
ĐA
TÂM VI HOẠ, THIỂU SỰ VI PHÚC
Phúc mạc phúc vu thiểu sự, hoạ mạc hoạ
vu đa tâm. Duy khổ sự giả, phương tri thiểu sự chi vi phúc; duy bình tâm giả,
thuỷ tri đa tâm chi vi hoạ.
(Thái
căn đàm – Tự tỉnh khắc kỉ)
ĐA NGHI LÀ HOẠ, ÍT VIỆC LÀ PHÚC
Phúc lớn
nhất của đời người không gì bằng là thanh nhàn vô sự, còn hoạ lớn nhất thì chẳng
gì bằng là lòng nhiều nghi kị. Chỉ có người ngày ngày bận rộn lao khổ, mới biết
hạnh phúc của sự thanh nhàn; chỉ có người tâm bình khí hoà, mới biết tai hại của
sự đa nghi.
Giải thích
và phân tích
Yến Thù
晏殊 là văn học gia và là chính trị gia nổi tiếng thời Bắc
Tống, 14 tuổi được quan địa phương xem là “thần đồng”, tiến cử lên triều đình.
Dựa vào tài học và danh khí lúc bấy giờ, Yến Thù vốn có thể không tham gia khảo
Thí khoa cử mà trực tiếp làm quan, nhưng ông cảm thấy
làm như thế là danh không chính ngôn không thuận, nên vẫn tham gia khảo thí.
Sau khi phát đề, Yến Thù phát hiện mình đã từng làm qua đề mục như thế, bèn chủ
động nói rõ với khảo quan, đồng thời yêu cầu đổi đề khác. Sau khi hoàng đế biết
được sự việc đã không ngớt khen ngợi Yến Thù.
Yến Thù
khi làm quan, mỗi ngày làm xong việc công, luôn về nhà đóng cửa đọc sách, hơn nữa
lúc bình thường cũng rất ít tham gia những hoạt động xã giao giữa các quan với
nhau, thậm chí ngay cả việc nhàn du sơn thuỷ ông cũng rất ít khi lộ diện. Hoàng
đế sau khi hiểu rõ tình hình đã vô cùng vui mừng, liền để Yến Thù làm quan dưới
tay thái tử.
Khi Yến
Thù bái kiến hoàng đế để tạ ơn, hoàng đế lại khen rằng:
- Sau khi đã giữ chức quan, ái khanh hãy còn
kiên trì đóng cửa đọc sách, tinh thần đó quả đáng khen.
Yến Thù
đáp rằng:
- Thần không phải không muốn yến ẩm du lạc, chỉ
là do bởi nhà nghèo không có tiền mới không tham gia. Thần lấy làm hổ thẹn về
những lời hoàng thượng khen tặng.
Nghe những
lời đó, hoàng đế lại càng tán thưởng. Hoàng đế cho rằng, Yến Thù quả có chân
tài thực học, chất phác thành thực, là nhân tài khó có, chỉ qua mấy năm đề bạt
ông làm Tể tướng.
Trong mắt
nhiều người, thành thực là biểu hiện của sự ngu xuẩn, bởi họ cho rằng, thành thực
sẽ khiến mình bị thua thiệt. Nhưng sự từng trải của Yến Thù đã giáng một đòn
vào những người đó, chính nhờ bởi thành thực mà con đường thăng tiến của ông
thuận lợi. Sự từng trải của Yến Thù đã cho họ thấy thành thực thiệt thòi ít mà
được lợi nhiều. Đời người cần phải ít việc, bình tâm, thực thà chất phác, có
như vậy mới có thể từng bước từng bước đi đến thành công.
Hai đại
mĩ đức thành thực và chất phác là hai tảng đá kê chân vững chắc nhất trên đường
thành công của một người. Xưa nay những người thành công nhất trong thiên hạ,
chính là người thành thực như Yến Thù. Họ có tài học, có sự tu dưỡng, không đa
tâm khổ tứ, lãng phí thời gian vào những việc nghi kị. Bản chất của cuộc sống rất
đơn giản, “Phúc lớn nhất của đời người không gì bằng là thanh nhàn vô sự, còn
hoạ lớn nhất thì chẳng gì bằng là lòng nhiều nghi kị”. Thiểu sự bình tâm, thẳng
thắn làm người, hạnh phúc và may mắn tuyệt đối không bao giờ bị gạt ra ngoài cửa.
Sự thực
chính là như thế, khi một người lo lắng quá nhiều, sẽ lãng phí thời gian vô vị
vào những việc nghi kị, từ đó mà do dự ngần ngừ, bỏ mất thời cơ. Ngược lại, một
người mà tâm thái bình hoà, thuận theo bản tính để làm việc, thường nhân vì
thành thực mà thu hút được hoàn cảnh tốt. Trong cuộc sống thực tế của chúng ta,
hiểu được đạo lí này nếu chúng ta vì động dụng tâm cơ sẽ cảm thấy xấu hổ, từ đó mà
luôn có ý thức trừng thanh bảo trì tâm cảnh của mình. Một người làm được
như thế, bất luận là trong công tác hay trong cuộc sống, anh ta đều sẽ ít đi
gánh nặng và nỗi lo.
Có người
nói, người thành công nhất trong thiên hạ chính là người thành thực. Người thành thực không có cơ tâm, cho nên thành khẩn
đối đãi cuộc sống, đối đãi nhân sự, họ sẽ không đón nhận những lời khen tặng
không phù hợp, cũng không trách người mà không có căn cứ, càng không vì để có
được công danh phú quý vốn không thuộc về mình mà không lựa chọn biện pháp
thách thức quyền uy, cho nên họ dễ thành công nhất. Hơn nữa từ trong giao tiếp
thực tế, chúng ta cũng có thể có được điều nay: một người bất luận là thông
minh hay không, thành công hay không, đều thích kết giao với người thành thực.
Làm người
khó, mà làm người theo đúng quy củ lại càng khó. Thiên hạ không có quy củ sẽ
không thành vuông tròn. Trên vũ đài nhân sinh giở trò kĩ xảo với trình độ cao,
chẳng bằng thiết thực triển hiện điệu múa mà mình kiên trì luyện tập. Một người
thành thực xử thế, tiêu trừ lòng nghi kị, gánh nặng trên vai sẽ nhẹ đi nhiều, mối
quan hệ giao tiếp cũng theo đó mà trong trẻo lại. Đạo lí làm người và làm việc thì rất
nhiều, hơn nữa mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau, nhưng nhìn tổng quan
chúng ta sẽ phát hiện, đạo làm người kì thực chỉ dùng 12 chữ đã có thể giải
thích trọn vẹn, đó chính là: Phúc mạc
phúc vu thiểu sự, hoạ mạc hoạ vu đa tâm.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 19/4/2017
Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật