TAM TẤN
Tương
truyền, Thái Nguyên 太原 là phong địa nước Đường 唐
cổ, cùng Sơn Tây 山西 gọi tắt là Tấn 晋;
“Tam Tấn” 三晋 là mĩ xưng Sơn Tây, Thái Nguyên.
Năm 458
trước công nguyên, Tấn Ai Công 晋哀公 lên ngôi chẳng bao
lâu, Trí Bá 智伯, một trong lục khanh của nước Tấn (Trí 智, Triệu 赵, Nguỵ 魏, Hàn 韩, Phạm 范, Trung Hàng 中行) nắm giữ thực quyền
nước Tấn. Trí Bá cùng họ Triệu, họ Hàn xâu xé chia nhau ấp địa của họ Phạm, họ
Trung Hàng. Tiếp đó, Trí Bá lại liên hiệp với nước Hàn, nước Nguỵ công kích đô
thành Tấn Dương 晋阳 của nước Triệu, ý đồ muốn diệt nước Triệu. Triệu Tương
Tử 赵襄子 lấy đạo lí “thần vong tắc xỉ hàn” (唇亡则齿寒 - môi hở thì răng lạnh) sai người bí mật thuyết phục
Hàn, Nguỵ, 3 nhà liên hiệp lại phản đối Trí Bá, đánh bại đội quân của Trí Bá tại
Tấn Dương, giết chết Trí Bá. Năm 453 trước công nguyên, 3 nhà Triệu, Hàn, Nguỵ
xâu xé chia nhau lãnh địa nước Tấn.
Năm 403
trước công nguyên, tức năm Chu Uy Liệt Vương 周威烈王 thứ 23 (năm Tấn Liệt Công 晋烈公 thứ 17), Triệu,
Nguỵ, Hàn thụ phong chư hầu. Do bởi Triệu, Nguỵ, Hàn đều gốc ở nước Tấn, sau
khi “tam gia phân Tấn”, tuy nước Tấn tuyên cáo diệt vong, Triệu , Nguỵ, Hàn
vươn vai đứng dậy được liệt vào chư hầu, hoạt động trên vũ đài; nhưng Tấn là
Công quốc, Liệt Công 烈公, Hiếu Công 孝公, Tĩnh Công 静公 vẫn còn tồn tại hữu
danh vô thực 28 năm tại một vùng đất nhỏ hẹp.
Tấn,
Tam Tấn là trước khi Tần thống nhất, cũng là một cổ quốc văn minh lâu đời không
thể chia cắt trong lịch sử Trung Quốc. Gọi là “Tam Tấn” chính là 3 nhà phân
chia nước Tấn, ý là nước Tấn bị phân chia làm 3 nhà. Trong lịch sử Trung Quốc,
“Tam gia phân Tấn” là khởi đầu cho thời đại Chiến Quốc (năm 403 trước công
nguyên). Tư Mã Quang 司马光 trong Tư trị thông giám 司治通鉴 cho “tam gia
phân Tấn” là khởi đầu, đồng thời nói đến thuật ngữ “Tam Tấn” này. Tam Tấn, trên
thực tế cũng là cách gọi chung một giai đoạn lịch sử của người đời sau. Chúng
tôi cho rằng, cũng như người đời sau gọi Thục 蜀,
Nguỵ 魏, Ngô 吴 cuối thời Đông Hán
là “Tam Quốc”, là phiếm chỉ giai đoạn lịch sử này. Tam Tấn vừa đại biểu gọi nước
Tấn thời Xuân Thu , lại còn bao gồm Triệu, Nguỵ, Hàn trong Thất hùng thời Chiến
Quốc. Trải qua ba ngàn mấy trăm năm đến nay, mọi người vẫn hoài niệm về Tam Tấn,
xưng tán Tam Tấn, đem Sơn Tây thống xưng là Tam Tấn, điều này nói rõ địa vị của
Tam Tấn trong lịch sử Trung Quốc, so với Tấn càng thể hiện rõ nội hàm là đất
phát tích trong lịch sử văn minh của dân tộc Trung Hoa, nói rõ văn hoá Tam Tấn
đã thực hiện sự dung hợp giữa văn hoá phương bắc với văn hoá trung nguyên, đối
với sự kế thừa và phát triển văn hoá Trung Hoa đã có cống hiến lịch sử, và cũng
nói rõ tính ưu việt về địa lí vùng đất Tam Tấn, tài nguyên phong phú, nhân tài
đông đúc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 04/4/2017
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật