Dịch thuật: Quản Trọng phụ tá Tề Hoàn Công

QUẢN TRỌNG PHỤ TÁ TỀ HOÀN CÔNG  

          Năm 685 trước công nguyên (Tề Hoàn Công 齐桓公 nguyên niên), Tề Hoàn Công nhậm dụng Quản Trọng 管仲, bắt đầu xây dựng nghiệp bá. Vì để cho công tử Củ kế thừa quân vị, nước Lỗ xuất binh đánh nước Tề, kết quả đại bại, Lỗ Trang Công 鲁庄公 suýt chút nữa mất mạng. Nhìn thấy dự tính của mình không có cách nào thực hiện được, nước Lỗ đành giao hảo với tân chính quyền nước Tề. Đại thần được tín nhiệm nhất tại Tề là Bảo Thúc Nha 鲍叔牙 nói với Tề Hoàn Công, nếu chỉ đơn thuần về việc trị lí nước Tề, Bảo Thúc Nha có thể đảm nhiệm được, còn như muốn làm bá chủ thiên hạ, thì không thể không dựa vào tài năng của Quản Trọng. Theo Bảo Thúc Nha, điểm đáng quý nhất ở tài năng của Quản Trọng đó là có thể khiến vị quân chủ nắm chặt quyền bính của mình, đồng thời còn có thể điều động sức mạnh của dân chúng, đạt đến mục đích phú quốc cường binh. Thế là Tề Hoàn Công yêu cầu Lỗ Trang Công giết chết công tử Củ, áp giải Quản Trọng và Thiệu Hốt 召忽 về nước Tề. Sau khi công tử Củ bị giết, Thiệu Hốt tự sát chết theo. Chỉ còn lại một mình Quản Trọng, không biết là Bảo Thúc Nha có gởi thư cho Quản Trọng hay không, hay là Quản Trọng muốn sống để làm nên sự nghiệp, nên đã can đảm đi gặp Tề Hoàn Công. Sau khi hai người gặp mặt, Quản Trọng đem đạo làm cho nước giàu binh mạnh của mình nói ra, Tề Hoàn Công vô cùng thán phục, liền để cho Quản Trọng làm Tướng, trở thành cánh tay phò tá chính sự cho mình.
          Đạo làm cho nước giàu binh mạnh của Quản Trọng, có thể nói gọn là:
          - Đầu tiên, muốn phát triển kinh tế đất nước, khiến dân an cư lạc nghiệp thì quốc gia phải có đủ nguồn lực tài chính.
          - Thứ đến, phải tăng cường xây dựng nội chính, quân chính hợp nhất, để tiện tập hợp sức mạnh cả nước nhất trí đối ngoại một cách hữu hiệu.
          Ngoài ra, Quản Trọng còn đề xuất khẩu hiệu “tôn vương nhương di” 尊王攘夷, tiến hành tuyên truyền thế công đối với thiên hạ: “tôn vương” có thể dùng danh nghĩa thiên tử để ra lệnh chư hầu, còn “nhương di” là thuận ứng theo kì vọng của toàn thiên hạ.
          Quản Trọng là một trong những nhân vật khởi nguồn tư tưởng Pháp gia thời Tiên Tần. Tư tưởng Pháp gia của ông đã tiến đến một số tinh thần khoan dung và thương dân. Ví dụ như, một mặt ông chủ trương tăng cường quản lí nhà nước đối với dân chúng, mặt khác cũng tương đối chú ý đến lợi ích kinh tế của nhân dân; một mặt ông chủ trương dùng pháp để trị quốc, mặt khác lại kiên trì chính sách nhậm dụng hiền tài, để nhân tài có đất để phát huy tài năng của mình. Trong việc đánh giá Quản Trọng, Khổng Tử cho rằng Quản Trọng là một chính trị gia có lòng nhân ái thời thượng cổ. Còn học trò của Khổng Tử khi hoài nghi tinh thần trung quân của Quản Trọng, Khổng Tử càng xem trọng công lao lịch sử mà Quản Trọng kiến lập, đó chính là Quản Trọng đã giúp Tề Hoàn công lập nên nghiệp bá.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 01/4/2017

Nguyên tác Trung văn
QUẢN TRỌNG PHỤ TÁ TỀ HOÀN CÔNG
管仲辅佐齐桓公
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post