Dịch thuật: Mạc liêu

MẠC LIÊU

          Thời cổ mạc liêu 幕僚 chỉ người tham mưu, thư kí trong mạc phủ, sau phiếm chỉ nhân viên giúp việc trong các nha thự văn võ (nhìn chung chỉ những người có chức quan). Chủ yếu họ giúp những việc liên quan đến quân sự, hoặc cơ cấu chính phủ  từ cơ quan quân sự chuyển hoá thành; chức trách của họ chủ yếu là đề xuất kiến nghị với trưởng quan, cố vấn cho trưởng quan hoặc xử lí văn thư hồ sơ, quản lí văn chức hành chính; quan hệ giữa họ với trưởng quan rất mật thiết, tiến thoái cùng trưởng quan, mặc dù không phải do trưởng quan hành chính bổ nhiệm, chí ít việc điều động thuyên chuyển nhân sự cần ý kiến của trưởng quan; đặc biệt quan trọng là họ có thân phận quan viên chính phủ, hưởng dụng bổng lộc do chính phủ phát. 
Mạc liêu - giải thích danh từ
          Nói đến “mạc liêu” phải bắt đầu từ từ “quan liêu” 官僚. Theo sử sách ghi chép, trên quan trường cổ đại, trước giờ có thói quen đem quan viên hành chính nha môn các cấp gọi chung là “quan lại” 官吏 hoặc “quan liêu” 官僚, kì thực nói một cách nghiêm túc, có sự khu biệt giữa “quan” và “lại”, giữa “quan” và “liêu” cũng có sự khu biệt. Thời Thương Chu, hàm nghĩa của “liêu” gần giống với nô bộc, điều mà gọi là “Liêu giả, lao dã” 僚者, 劳也 (Liêu là lao nhọc). Sau thời Tần Hán, “liêu” lại chuyển thành ý nghĩa liêu thuộc (quan cấp dưới), ví dụ như trong Tam quốc chí – Nguỵ thư – Vương Quan truyện 三国志 - 魏书 - 王观传 có ghi:
Trị thân thanh liêm, soái dĩ hạ kiệm, liêu thuộc thừa phong, mạc bất tự lệ.
治身清廉, 帅以下俭, 僚属承风, 莫不自励
(Giữ mình thanh liêm, đối với cấp dưới kiệm ước, liêu thuộc theo đó, không ai là không cố gắng)
Rất rõ ràng, “liêu” ở đây chính là khái niệm thuộc viên của chủ quan, từ khái niệm này đối ứng với chữ “quan”, quan hệ chủ và tùng giữa quan với liêu càng rõ hơn nữa.
Thế thì trước chữ “liêu” sao lại có thêm chữ “mạc”? Nguyên lai chữ “mạc” vốn là từ thông xưng màn trướng trong quân đội. Thời cổ, thiên tử hoặc tướng quân thống lĩnh quân đội xuất chinh, không thường ở một nơi cố định, nên cất rạp nơi đồng trống để làm nơi chỉ huy, điều mà gọi là:
Vận trù vu duy ác chi trung, quyết thắng vu thiên lí chi ngoại
运筹于帷幄之中, 决胜于千里之外
(Trù tính nơi màn trướng, quyết thắng chốn xa kia)
Chính là duyên cớ ở đó. Đầu tiên “ác mạc” 幄幕 được gọi là “mạc phủ” 幕府, về sau đại viên quan thự quân chính cao cấp hơn một chút  cũng đều được gọi là mạc phủ. Từ thời Tần Hán cho tới thời Tuỳ Đường, phàm chủ quan quân chính một phương diện, đều dựa theo trình tự nhất định tự mình triệu mời dùng thư kí, tham mưu, người giúp mang tính chất phó quan, những người này được gọi là “mạc liêu”.
Mặc dù vào cuối triều Thanh, trong hệ thống quân đội không chính quy được thành lập để đối kháng với Thái Bình Thiên Quốc như Tương quân 湘军, Hoài quân 淮军, Sở quân 楚军 ... mạc liêu ở các mạc phủ đó cũng đều do thống soái tấu điệu, tấu thỉnh, đặc biệt uỷ phái quan viên “trợ giúp quân cơ”, lương bổng của họ đến từ cục doanh của các quân. Trong mạc phủ của Tương quân, Hoài quân có không ít những đại quan, như mạc phủ Hoài quân có 11 vị đốc phủ cấp đại quan, còn tướng lĩnh của Hoài quân thăng lên đốc phủ mới chỉ có 4 người mà thôi. Nhưng tư liệu này được ghi chép trong Thanh sử 清史.
Trong lịch sử Trung Quốc, các triều đại đều có sự tích của mạc liêu được chép trong sử thư, bộ Lịch đại mạc liêu toàn giám 历代幕僚全鉴 do người thời nay biên soạn là bộ sách ghi chép tường tận về mạc liêu.

Mạc liêu – khởi nguyên diễn biến
          Chí ít từ trong truyền thuyết có họ Hữu Sào 有巢 dạy dân làm nhà để ở, người Hán quen cư trú  trong những phòng ốc che cất bằng đất, bằng gỗ. Duy chỉ có một ngoại lệ là, khi đại quân viễn chinh, chỉ lâm thời dựng lều bạt nơi đồng trống để nghỉ ngơi, những lều bạt này, thời cổ gọi là “duy mạc” 帷幕. Thời Hán, thống soái dẫn quân xuất chinh, có quyền tự mình triệu mời, tuyển dụng liêu thuộc văn chức, dựng phủ thự, giúp xử lí sự vụ quân chính, gọi là “khai phủ” 开府. Do bởi phủ thự như thế được thiết lập trong “duy mạc”, cho nên còn được gọi là “mạc phủ”, và liêu thuộc tả hữu của thống soái cũng nhân đó được gọi là “mạc liêu”, “mạc chức”. Chủng loại mạc liêu rất nhiều, có người tương đương với tham mưu trưởng cận đại, “trưởng sử” công tác tại bộ tư lệnh thống soái; có người tham nghị quân cơ, giúp “tham quân” chỉ huy hành động quân sự; có người tương tự phó quan, thư kí, hoặc chủ bạ quản lí văn thư cùng các loại hồ sơ giấy tờ của thời cận đại v.v...
          Đến thời Tam Quốc, lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, chiến tranh liên miên, khắp nơi đều là chiến khu, các nơi đều thực hành “quân quản”, vị trưởng quan địa phương do võ quan kiêm nhiệm, liêu thuộc tả hữu của tướng quân cũng từ quân quan đơn thuần chuyển biến thành vị văn võ quan kiêm nhiệm phụ tá tướng quân, lên ngựa quản quân, xuống ngựa quản dân, nhưng văn chức thường vượt hơn võ chức. Tập quán này truyền đến thời Đường Tống: thời Đường các châu, phủ nha môn, cơ quan hành chính địa phương cao nhất đều lập ra các chức trưởng sử, tham quân, kí sự, gọi là “mạc liêu”. Thời Tống, các châu cũng chuyên lập ra “mạc chức quan” 幕职官. Nhưng những chức quan này không liên quan đến hành động quân sự, cũng không giúp cho mạc phủ theo nghĩa hẹp.
          Đến thời Minh Thanh, mạc phủ theo nghĩa hẹp vẫn chỉ quan viên văn chức phục vụ ở cơ quan quân sự. Như “mạc liêu” ở Đoạt phong tình thôn phụ quyên khu giả thiên ngữ mạc liêu đoán ngục 夺风情村妇捐躯假天语幕僚断狱  trong Sơ khắc phách án kinh kì 初刻拍案惊奇 quyển 26, chỉ Đoán sự quan (thẩm phán quan quân sự) hạ thuộc của Đô chỉ huy sứ ti tỉnh Tứ Xuyên (trưởng quan quân sự tối cao của một tỉnh cùng cơ quan chỉ huy), đương thời vị Đoán sự quan này thay mặt chức vị quan huyện huyện Vấn Xuyên 汶川 phủ Thành Đô 成都 Tứ Xuyên 四川.
          Hiện tượng mạc liêu hưng thịnh trở lại: khi ông chủ tự mình bỏ tiền thuê người, ta làm quan, anh làm việc; lại nhân vì anh là người mà ta bỏ tiền ra thuê, nên anh làm việc, ta yên tâm, cũng thành “tự gia nhân” 自家人 (người nhà mình). Nhìn chung, mạc liêu đều có tri thức chuyên môn, thậm chí có thể có “tối tân tri thức”, tại một lĩnh vực chuyên môn nào đó có nhiều tư liệu, hiểu rõ tình huống, họ đọc nhiều sách chuyên môn kinh điển, nói ra có đầu đuôi mạch lạc, viết ra thông đạt, bày ra kế hoạch, không gì là không thể. Nhưng do bởi tính đặc thù ở vai trò, địa vị ấm lạnh quyết định sự vinh nhục tiến thoái của họ đều ở chỗ họ có lấy được lòng của người mình giúp. Do đó khi dâng lời, không nói mà hiểu rằng, họ cần phải suy nghĩ đến hoàn cảnh của mình, suy nghĩ đến tiền đồ của mình, muốn  trực ngôn vô kị vốn đã rất khó, lại thêm tính hạn chế về tri thức, kiến thức, tư tưởng, tầm nhìn của mỗi cá nhân, mà kiến nghị của họ có theo đó được hiệu quả nhiều ít. 

                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 25/4/2017

Nguồn


Previous Post Next Post