KHOA CỬ THẤT BẠI, BUÔN BÁN THÀNH DANH
Triều
Khang Hi 康熙 nhà Thanh năm thứ 8 (năm 1669), cử nhân Vương Trí Hoà
王致和, người huyện Tiên Nguyên 仙源
tỉnh An Huy 安徽 rớt kì thi hội, lưu lại kinh thành. Đó là lần thứ 4 rớt
thi hội, nghĩ đến công sức nhiều năm đèn sách, Vương Trí Hoà không ngăn nỗi bi
thương.
Chế độ
khảo thí khoa cử đời Thanh chia làm 2 giai đoạn: khảo thí sơ bộ và khảo thí
chính thức.
Khảo thí
sơ bộ trong chế độ khoa cử có 3 loại: đồng thí 童試,
tuế thí 歲試 và khoa thí 科試.
Đồng
thí 童試, còn gọi là “tiểu khảo” 小考.
Phàm trẻ em khi bắt đầu ứng sơ thí gọi là “đồng sinh” 童生,
đồng sinh trải qua kì khảo thí tuyển chọn nhất định, sau khi được chọn ở huyện,
đốc học sẽ tiến hành khảo thí, đốc học khảo thí mà hợp cách có thể gọi là “tú
tài” 秀才. Tú tài mỗi năm khảo thí một lần, đó cũng là quá
trình tuyển chọn người giỏi, kì thi đó gọi là “tuế thí” 歲試. Cứ mỗi 3 năm khảo thí 1 lần, chủ yếu là kiểm tra tư
cách người khảo thí, thông qua việc nêu danh lần này, mới có tư cách tham gia
khảo thí cử nhân.
Tiếp đó
là khảo thí chính thức trong chế độ khoa cử, nó cũng có 3 loại: hương thí 鄉試, hội thí 會試và điện thí 殿試.
Hương
thí mỗi 3 năm tổ chức 1 lần, tức tổ chức vào tháng 8 của 4 năm Tí, Mão, Ngọ, Dậu.
Sau khi thi đậu hương thí sẽ được gọi là “cử nhân” 舉人,
trên thực tế, cử nhân là quan viên hậu bổ (quan lại đợi khuyết để bổ vào), có
tư cách làm quan. Theo quy định chế độ khoa cử của đời Thanh, cử nhân có thể đến
bộ Lại đăng kí, có thể có được một chức quan nhất định, có thể làm huyện quan,
huyện thái gia. Đương nhiên chức vị này rất ít, mỗi năm số ngạch đại khái chừng
40 đến 100 người. Hạn ngạch cử nhân rất ít, thế thì cử nhân trúng hậu bổ làm
quan lại càng ít, như vậy thường có hậu bổ quan. Đó là loại hương thí.
Sau đó
là hội thí. Hội thí tiếp sau hương thí, được tổ chức vào khoảng tháng 2 năm sau
đó. Tháng 8 năm trước xong hương thí, vào mùa xuân tháng 2 năm sau đến kinh
thành khảo thí, gọi là “xuân thí” 春試, đó cũng chính là hội
thí. Nếu đậu hội thí, được gọi là “tiến sĩ” 進士,
số ngạch tiến sĩ mỗi năm đại khái khoảng chừng 300 người. Sau khi xong hội thí
còn tham gia kì khảo thí thứ 3 tức điện thí, tổ chức vào tháng thứ 2 sau hội
thí, tức khoảng trước sau tháng 4.
Điện
thí do đích thân hoàng đế tại Thái Hoà điện 太和殿
khảo thí, sau khi đậu sẽ là tiến sĩ khâm định, có thể trực tiếp làm quan. Đó là
chế độ khảo thí khoa cử đời Thanh, bắt đầu từ đời Minh đã hình thành chế độ
khảo thí khoa cử rất nghiêm nhặt.
Gia
đình Vương Trí Hoà rất nghèo, thân là một cử nhân nghèo, khả năng làm quan của
ông dường như là con số không. Do bởi đương thời, lấy thân phận cử nhân để làm
quan không thể nói là không có, nhưng cực kì rất hiếm, có thể nói là đều con
ông cháu cha. Huống hồ Vương Trí Hoà rất nghèo, không có chút ít gì cho trên dưới.
Muốn làm quan, ông ta tất phải thông qua hội thí để thành tiến sĩ mới có khả
năng. Nhưng mấy lần hội thí đều không đậu, Vương Trí Hoà thất chí nản lòng.
Vương
Trí Hoà cảm thấy không còn mặt mũi nào nhìn bà con hàng xóm. Ông quên không được
bà con kì vọng ông, nhất là ánh mắt hi vọng của cha mẹ lúc nào cũng hiển hiện
trong đầu.
Vương
Trí Hoà viết thư về nhà nói rằng, đang ở Bắc Kinh tìm một công việc sao chép giấy
tờ thích hợp, tự mình vừa làm vừa học, cố gắng lần sau đậu hội thí để làm rạng
rỡ tổ tiên, không phụ lòng trông mong của cha mẹ.
Tại
kinh thành gạo châu củi quế, sống không dễ dàng gì. Lúc nhỏ, Vương Trí Hoà từng
tại quê nhà giúp người ta làm đậu phụ, không ngờ lúc này đây, nghề làm đậu phụ
lại giúp mình. Để sinh sống, Vương Trí Hoà thuê một căn phòng nhỏ bên cạnh Hội
quán An Huy để làm đậu phụ, ban ngày đi khắp phố rao bán, tối về lại căn phòng
nhỏ đọc sách, chuẩn bị cho kì thi sau.
Công việc
buôn bán đậu phụ rất tốt, Vương Trí Hoà có được niềm vui trong gian khổ ở những
ngày vừa buôn bán vừa học. Năm tháng thoi đưa, ngày ngày trôi qua như giòng nước.
Một lần nọ, Vương Trí Hoà làm nhiều đậu phụ, ban ngày bán không hết, số còn lại
không ít, không biết phải làm thế nào bây giờ? Đương là mùa hè, đậu phụ bán
không hết còn lại rất dễ bị biến chất.
Vương
Trí Hoà vò đầu bứt tai. Để giảm thiểu tổn thất, dứt khoát còn nước còn tát, ông
đem đậu phụ xắt thành miếng nhỏ, phơi ít nắng, cho thêm muối, thêm tiêu, ủ
trong vò, nghĩ rằng, làm như thế có thể khiến đậu chậm lên nấm mốc, dù sao thì
những miếng đậu phụ đó cũng không thể bán được, lưu lại để mình ăn.
Sau đó,
Vương Trí Hoà nghỉ bán mùa hè chuyên tâm đọc sách, rồi dần dà quên đi chuyện
đó.
Gió thu
thổi đến, khí trời trở lạnh. Vương Trí Hoà bắt đầu làm lại nghề cũ, chợt nhớ đến
những miếng đậu phủ ủ trong vò. Ông gượng cười, nghĩ rằng không thể ăn được.
Ông mở
nắp vò xem thử, quả nhiên những miếng đậu phụ đã lên sắc xanh, mùi thối xộc vào
mũi. Bỏ đi thì tiếc, không biết thứ đó có ăn được hay không? Ông thử cho tay quệt
rồi đưa lên nếm thử, cảm thấy hơi mặn, hơi keo lại, nhưng khi ăn lại có mùi
thơm, mùi thơm nồng đậm. Ông thử ăn một miếng, càng ăn càng cảm thấy ngon.
Vương
Trí Hoà cảm thấy kì lạ, thế là lấy mấy miếng đậu phụ đã ủ trong vò ra đem cho
hàng xóm nếm thử, ai nấy đều khen ngon.
Không
ngờ làm đại mà được, Vương Trí Hoà vô cùng vui mừng. Điều mà gọi là “nhất nghệ
tinh, nhất thân vinh”, nghề này chỉ riêng ông có, nhất định sẽ mang tiền bạc đến cho mình.
Lúc bấy
giờ Vương Trí Hoà đã chán mùi vị văn chương bát cổ, chán làm một hủ nho cứng nhắc
chỉ biết tầm chương trích cú, chẳng bằng làm văn chương trên miếng chao đậu phụ.
Ba trăm sáu mươi nghề, nghề nào cũng xuất trạng nguyên. Với lĩnh vực khoa cử, mình
không dựa vào được tiến sĩ, nhưng ở lĩnh vực khác không chừng lại có thể thành
trạng nguyên! Để khoa cử công danh đi gặp quỷ đi. Thế là từ đó, ông theo nghề
buôn bán.
Vương
Trí Hoà từ bỏ con đường khoa cử, chuyên tâm vào chao đậu phụ “ngửi thì thối mà ăn thì thơm”, nó có một mùi
vị đặc biệt, giá cả cũng rẻ, rất thích hợp với bách tính lúc dùng cơm. Con đường
kinh doanh của ông dần rộng mở , việc mua bán cũng vô cùng phát đạt.
Đến năm
Khang Hi thứ 17 (năm 1678), Vương Trí Hoà mua một căn nhà mặt tiền ở phía tây
phố Diên Thọ Tự 延壽寺 ngoài Tiền môn 前門,
mở xưởng làm chao đậu phụ, phía trước là tiệm phía sau là sân, tự sản xuất tự
buôn bán, lấy tên là “Vương Trí Hoà Nam Tương Viên” 王致和南醬園, lấy việc kinh doanh chao đậu
phụ làm chính, còn kiêm kinh doanh cả nước đậu, đậu phụ khô cùng các loại
tương. Chẳng bao lâu, con đường buôn bán chao đậu phụ đã được mở rộng đến vùng
đông bắc, tây bắc, Hoa bắc. Danh tiếng chao đậu phụ của Vương Trí Hoà vang xa, ông
kiếm được rất nhiều tiền.
Vương
Trí Hoà rất chú trọng đến việc nâng cấp kĩ thuật cùng với việc nâng cao kĩ thuật
sản xuất. Qua nhiều lần cải tiến, phẩm chất chao đậu phụ của ông càng tốt,
thanh danh càng lớn, cuối đời Thanh đã được truyền vào cung. Khoảng cuối thu đầu
đông, Từ Hi Thái Hậu 慈禧太后 rất thích ăn, chao
đậu phụ được định làm món “tiểu ngự thiện”. Theo hình dáng và màu sắc, nó có
tên là “Thanh phương” 青方. Sau khi chao đậu
phụ được định tên là “Ngự thiện tiểu thái” 御膳小菜, giá trị thân phận của nó cũng được tăng lên gấp bội.
Ba tấm
biển hiệu trước cửa “Vương Trí Hoà” vẽ thêm đầu rồng, tượng trưng cho ý nghĩa
“Đại nội thượng dụng”; 6 chữ “Vương Trí Hoà Nam Tương Viên” 王致和南醬園 được khắc làm 2 tấm biển, lần lượt do trạng nguyên
Tôn Gia Nãi 孫家鼐, Lỗ Kì Quang 魯琪光
viết. Tôn Gia Nãi còn viết 2 cặp đối:
Trí quân mĩ vị truyền thiên lí
Hoà ngã thiên cơ dưỡng thốn tâm
致君美味傳千里
和我天機養寸心
Cặp đối
còn lại là:
Tương phối long bàn điều thược dược
Viên khai kê chích chung phù dung
醬配龍磻調芍藥
園開雞蹠鐘芙蓉
Biển
hoành trên cao với mấy chữ
Trí Hoà tương viên
致和醬園
Từ đó,
việc buôn bán của Vương Trí Hoà ngày càng thịnh vượng, bắt đầu có người làm
theo. Khoảng thời Quang Tự 光緒, bên ngoài cửa
Tuyên Vũ 宣武, tại phố Diên Thọ Tự nối nhau mở các tiệm Vương Chính
Hoà 王政和, Vương Chi Hoà 王芝和,
Trí Trung Hoà 致中和.
Năm
1956 thành lập công ti hợp doanh, năm 1958, 4 tiệm Vương Trí Hoà, Vương Chính
Hoà, Vương Chi Hoà, Trí Trung Hoà hợp lại thành lập xưởng chế tạo tương quốc
doanh tại thôn Điền 田. Hiện định danh là “Bắc Kinh vương Trí Hoà hủ nhũ xưởng”
北京王致和腐乳廠, có không gian sản xuất quy mô lớn và lầu văn phòng.
Điều kiện sản xuất của xí nghiệp, thiết bị kĩ thuật cũng khác xưa, hướng đến tự
động hoá, cơ giới hoá.
Năm
1964, thủ tướng Miến Điện là tướng quân Nại Ôn 奈溫
(Ne Win – ND) thăm Trung Hoa, thủ tướng Chu Ân Lai 周恩來
đã mở tiệc chiêu đãi tại Nhân Dân đại hội đường. Trong bữa tiệc dọn ra mấy món
ăn nhẹ, trong đó có món chao đậu phụ Vương Trí Hoà. Do bởi mùi kì lạ của chao đậu
phụ, mặc dù Chu Ân Lai 3 lần ra hiệu tay mời tướng quân Nại Ôn thưởng thức,
nhưng ông đều không dám động đũa. Chu Ân Lai giải thích rằng: “Món này có đặc
điểm, ngửi thì thối mà ăn thì thơm.” Tướng quân Nại Ôn cười hỏi:
- Chẳng phải đã lên mốc xanh rồi sao?
Từ triều
Thanh đến nay khoảng hơn 300 năm, “Vương Trí Hoà” đã thay đổi mấy đời người,
nhưng trước sau vẫn bảo lưu biển hiệu cũ “Vương Trí Hoà”, vẫn giữ được phong vị
truyền thống của chao đậu phụ Vương Trí Hoà.
Thời
gian 300 năm trôi qua, “Vương Trí Hoà” trải qua những đổi thay, trải qua sự nỗ
lực kiên trì không mệt mỏi của mấy đời, từ chỗ làm thủ công, phát triển thành
nhà sản xuất món điều vị, đồng thời trở thành công ti tập đoàn kinh doanh, được
mệnh danh là “Trung Hoa lão tự hiệu” 中華老字號.
Từ người
thất bại trong thi cử trở thành người thành công trong buôn bán, thiếu đi một hủ
nho nhưng lại có nhiều “Trung Hoa lão tự hiệu”. Chúng tôi cho rằng, Vương Trí
Hoà năm đó từ bỏ khoa cử, tự chủ khai sáng sự nghiệp đồng thời tạo ra một khoảng
trời đất mới, quá trình phát triển của ông đã gợi mở cho người thời nay sự lựa
chọn con đường nhân sinh của mình.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 16/4/2017
Nguồn
ĐẠI THANH VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH NA TA BÍ SỬ THÚ VĂN
大清王朝的那些秘史趣聞
Tác giả: Lưu Kế Hưng 劉繼興
Tinh Quán xuất bản hữu hạn công ti, 2016
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật