Dịch thuật: Hán tự cổ kim, thú vị vô cùng (kì 1)

HÁN TỰ CỔ KIM, THÚ VỊ VÔ CÙNG
(kì 1)

          Giáp cốt văn 甲骨文 và kim văn 金文 là tư liệu quan trọng nhất của chữ Hán, hình gốc, nghĩa gốc của cách tạo chữ cùng hàm ý văn hoá luôn tồn tại trong đó. Ngày nay các thể triện, lệ, khải, hành, thảo mà chúng ta thường thấy là thư pháp cực tinh tế phát sinh trong quá trình ứng dụng chữ Hán, vượt xa tính nghệ thuật mà các văn tự khác có thể biểu hiện, cho nên bàn về giáp cốt văn, kim văn, tất kiêm cả diễn biến thư pháp tự hình cổ kim, để biết thế bút, và sự mạch lạc của kết cấu.
Khởi nguyên của chữ Hán cùng tính đặc thù
          Chữ Hán là hệ thống văn tự của dân tộc Trung Hoa trải qua 3500 năm, một mạch nối tiếp nhau và hiện vẫn đang sử dụng. Có thể nhân vì đời Hán mở rộng cương thổ tiếp xúc với ngoại tộc, nên lấy văn tự mà người Hán dùng gọi là “Hán tự”, mãi cho đến ngày nay. Sau này văn tự của các dân tộc thiểu số khác sinh sống trong lãnh thổ Trung Quốc (như Khất Đan văn, Mông văn, Tạng văn, Mãn văn ...) đều không thuộc vào chữ Hán.
          Trong lịch sử phát triển chữ Hán, tồn tại chữ bút lông, văn tự khắc vạch cùng minh văn, những “thư pháp Hán tự”, coi trọng đường nét biến hoá và nghệ thuật biểu hiện, cũng bao gồm chữ thuộc quy phạm thiết kế công nghệ mĩ thuật in ấn.
          Chữ Hán khởi nguyên từ rất sớm, từ những văn tự trước khi có sử trên những mảnh gốm, trải qua lịch sử diễn biến mấy ngàn năm – Ân Thương “giáp kim” 甲金, Lưỡng Chu “trứu cổ” 籀古, Tần Hán “triện lệ” 篆隸, Nguỵ Tấn “thảo hành” 草行, Tuỳ Đường “chân khải” 真楷, một mạch nối nhau, dùng các phương thức viết (như giản bạch), khắc (như giáp cốt, kiệt thạch), đúc (như đồng khí), ức (như tỉ ấn, phong nê), thác (như bi thiếp mặc tháp), đã sản sinh tự thể phong phú cùng với thư phong.
          Khởi nguyên của văn tự hình khế với văn tự cổ Ai Cập so với chữ Hán của Trung Quốc sớm hơn, nhưng khi bước vào thế kỉ thứ nhất đến thế kỉ thứ 18, cả hai nối nhau bị phế bỏ không dùng đến nữa, cũng không có ai có thể đọc và giải thích được, chữ Hán không chỉ sức sống vẫn mạnh mẽ, mà trong khối vuông đặc biệt của nó đã tạo nhiều đường nét cá tính, tạo ra những vần luật thị giác và thi ca phong phú về triện, lệ, thảo, hành, khải ... hoạ diện cấu hình ưu mĩ đó nhờ vào “bút lông” với ma lực vô hạn, chiếc gậy tiên đã điểm hoá thành những cực phẩm về nghệ thuật thư tả, cùng kết hợp với nghệ thuật thư pháp một cách hoàn mĩ.
          Chữ Hán là văn tự có thời gian sử dụng liên tục dài nhất cho đến nay, cũng là văn tự duy nhất được truyền thừa đến nay trong hệ thống văn tự của tứ đại văn minh cổ quốc thời thượng cổ.
Tính chất của chữ Hán
          Chữ Hán tuy bắt nguồn từ đồ hoạ, nhưng tuyệt nhiên không chỉ là loại “văn tự tượng hình”, trong giáp cốt văn, kim văn ở vãn kì đời Thương thuộc “hệ thống văn tự thành thục”, đã là hình thức tổ hợp “ý, âm, kí hiệu” – khế văn, di minh trong dạng gần với khối vuông đã dùng các phương pháp tượng hình, hội  ý (tượng ý), chỉ sự (kí hiệu), hình thanh (âm), giả tá (tá âm), chuyển chú (phân hoá) để kí lục ngôn ngữ. Trong hình thức khối vuông dùng hình phù thiên bàng cùng đa nguyên thanh phù kết hợp, lấy hình phù biểu thị tính chất ý nghĩa của chữ, dùng thanh phù biểu thị âm đọc, ngữ âm ngữ nghĩa thuận ứng theo thời đại mà biến thiên – kết hợp hình, thanh, bách biến vô cùng; kết hợp thành khối, ngàn năm không thay đổi; triện, lệ, thảo, hành, khải các thể diễn biến, thích ứng với thời đại, là nguyên nhân chủ yếu “chữ Hán” giữa chừng không đứt ( cổ văn tự Ai Cập bị diệt tuyệt), hoặc thay đổi thành viết hàng ngang văn tự bính âm.
Đường nét của chữ Hán
          Thương Chu tảo kì, tộc huy kim văn rất gần với đồ hoạ, đường nét hiển thị thư tả vẫn bắc chước theo bản ý của vật tượng, về sau dần thoát li hình tượng cụ thể, tính tự chủ của đường nét tăng mạnh, chỉ lưu giữ bộ phận, được xem là di ý của tượng hình nguyên thuỷ.  Tây Chu trung kì trở đi, sự đều đặn ngay ngắn của hình thể kim văn về đường nét cùng với cách sắp xếp không gian dần hình thành nhu cầu mĩ cảm đặc biệt – dùng đường nét trừu tượng kết cấu thành cái đẹp của không gian “đại triện”, hoặc ngay đều, hoặc gián cách, hoặc xen kẽ, bắt đầu lấy “đường nét”, “không gian” làm nghệ thuật thư pháp biểu hiện chủ thể - nhất là thông qua trường kì dùng bút lông, lần lượt sản sinh các thể chữ: triện, lệ, thảo, hành, khải cùng sự biến hoá hình thái phong phú; vượt qua bản thể vật tượng, kiến lập nên tiêu chuẩn thẩm mĩ về đường nét và kết cấu của “chữ Hán”, cũng tức là hệ thống đánh giá các loại thư thể trong lịch sử nghệ thuật “thư pháp”.
          Cho nên, cũng cùng sử dụng bút lông như nhau, có thể có “người vốn là hoạ gia”, nhưng chưa thấy có “người vốn là thư pháp gia”, chính do bởi thoát li nhận biết về hình thể, tính đặc thù về đường nét, cùng với mục đích ý nghĩa về không gian kết cấu của chữ Hán, tuyệt không thể viết ra chữ đẹp. Khó khăn mà người nước ngoài học thư pháp ở chỗ tính chất đường nét và kết cấu đặc biệt của chữ Hán không dễ thâm nhập. (còn tiếp)

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 22/4/2017

Nguồn
THÚ VỊ ĐÍCH GIÁP CỐT KIM VĂN
趣味的甲骨金文
Chủ biên: Du Quốc Khánh 游國慶
Quốc lập Cố Cung bác vật viện
Năm Dân Quốc thứ 103
Previous Post Next Post