Dịch thuật: Vi Đà là Thần Hộ pháp của Quán Âm

VI ĐÀ LÀ THẦN HỘ PHÁP CỦA QUÁN ÂM

          Trong dân gian Trung Quốc, có rất nhiều câu chuyện truyền thuyết về Quán Âm. Dân gian tương truyền, nhà Vi Đà 韦驮 dưới núi Nga Mi 峨嵋, cuộc sống tương đối nghèo khổ. Vi Đà nhìn thấy bách tính khi qua sông Gia Lăng 嘉陵, vì sông rộng nước lại chảy xiết, thường mất mạng, nên quyết tâm kiếm thật nhiều tiền xây cầu cho dân.
          Một lần nọ, Quán Âm vân du đến Nga Mi, lúc bay qua Giang Lăng, thấy nước sông chảy xiết, bách tính không có cách nào qua được nên oán thán. Quán Thế Âm sinh lòng từ bi, quyết định hoá duyên tạo cầu, thế là Quán Âm dán một tờ cáo thị trong làng bên bờ sông Gia Lăng:
          Ngày 13 tháng 3 âm lịch, sẽ có một thiếu nữ đứng ở giữa giòng sông, ai có thể dùng thỏi bạc ném trúng cô gái, sẽ được cưới cô gái làm vợ.
          Sáng sớm ngày 13, quý quan hiển hách, công tử sang trọng từ bốn phương tám hướng đổ dồn về bên bờ sông, trông thấy một thiếu nữ xinh đẹp đứng trên thuyền ở giữa sông. Chúng công tử tranh nhau lấy thỏi bạc ném ra giữa sông, Thật kì lạ, thỏi bạc đều rơi vào trong thuyền, không có người nào ném trúng cô gái.
          Lúc bấy giờ, Vi Đà đi ngang qua, thấy trên thuyền có cô gái, bất giác đem lòng mến mộ, nhưng trên người chỉ có 2 lượng bạc để dành từ mấy tháng nay, muốn ném nhưng không nỡ. Lúc đó , một vị trưởng giả bên cạnh nói với Vi Đà rằng:
          - Chỉ cần anh có lòng chân thật, ta đảm bảo anh sẽ ném trúng cô ta.
          Vi Đà bán tín bán nghi, theo lời trưởng giả giơ tay đem bạc ném cô gái, quả thật bạc rơi trúng ngực cô gái. Quan Âm kinh hãi, nhìn kĩ, hoá ra là tiên nhân Lữ Động Tân 吕洞宾 đang chọc phá, thật dỡ khóc dỡ cười. Nhưng trước mặt mọi người không thể nuốt lời, liền dùng số bạc trên thuyền đem tạo cầu, đồng thời hiện thân Bồ Tát, hướng đến Vi Đà nói rõ chân tướng.
          Sau khi Vi Đà biết bản ý Quán Âm hoá duyên tạo cầu, càng ái mộ, định đi theo Quán Âm. Quán Âm thấy Vi Đà chân tâm chân ý, lại nghĩ mình đã đắc chính quả, không thể động lòng phàm, liền đưa Vi Đà về núi Phổ Đà 普陀, làm thần hộ pháp cho mình.
          Đây cũng là nguyên do tại sao trong tự miếu thờ phụng Quán Âm thường thấy tượng Vi Đà đứng bên cạnh Quán Âm, mọi người nói đó là “đối diện phu thê” 对面夫妻.
          Câu chuyện truyền thuyết dân gian này có thể thấy trong Phổ Đà Lạc Ca sơn chí 普陀洛迦山志. Trong giới Phật giáo ở đất Hán, Vi Đà là thần hộ pháp, là một trong bát đại tướng bộ hạ của Nam Thiên Vương, và trong Tứ thiên tam thập nhị tướng 四天三十二将 có danh xưng là Chính Dũng 正勇.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 16/3/2017
                                                        Ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu

Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002
Previous Post Next Post