NHÂN TÊN MÀ ĐƯỢC MẤT VỊ THỨ TRẠNG NGUYÊN
Trạng nguyên là vị
thứ cao nhất trong khoa cử khảo thí ở xã hội phong kiến Trung Quốc, thi đỗ trạng
nguyên quả thực là việc không hề dễ. Nhưng có người nhân vì tên mà được danh hiệu trạng nguyên,
cũng có người vốn đã xác định là trạng
nguyên, nhưng do vì tên không được hoàng đế ưa thích nên bị mất danh hiệu. Hiện
tượng nhân tên mà được mất vị thứ trạng nguyên từng phát sinh nhiều lần trong lịch
sử khoa cử.
Thời Đường Huyền
Tông 唐玄宗 có một thí sinh tên là Thường
Vô Danh 常无名, nhân vì tên mà đỗ trạng
nguyên. Thời Đường, hoàng đế sùng tín Đạo giáo, thuỷ tổ Đạo giáo họ Lí 李, hoàng đế triều Đường cũng họ
Lí, đã xem Lão Tử như tiên nhân của mình, cho nên, đối với Lão Tử họ vô cùng
sùng kính. Tên gọi Thường Vô Danh xuất phát từ trong bộ Lão Tử 老子, kinh điển của Đạo giáo:
Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh,
phi thường danh. Vô danh, thiên địa chi thuỷ; hữu danh, vạn vật chi mẫu.
道可道, 非常道. 名可名, 非常名. 无名天地之始; 有名万物之母.
(Đạo mà có thể nói ra được, thì không
phải là đạo thường. Tên mà có thể gọi ra được, thì không phải là tên thường. Vô
danh là khởi thuỷ của trời đất; hữu danh là mẹ của muôn vật.)
Tên gọi xuất phát từ kinh điển Đạo
giáo, đương nhiên sùng tín Đạo giáo, Đường Huyền Tông Lí Long Cơ 李隆基tôn sùng Lão Tử, cho nên Thường
Vô Danh tham gia điện thí tuy được đỗ nhưng không phải là cao nhất, nhưng vì
tên mà trở thành trạng nguyên.
Năm Hồng Vũ 洪武 thứ 18 nhà Minh, thông qua điện
thí đã xác định được 3 người, đệ nhất danh tức trạng nguyên là Hoa Luân 花纶, nhưng khi xướng danh, Chu
Nguyên Chương 朱元璋
buổi tối có nằm mộng thấy trạng nguyên họ Đinh 丁, không phải họ Hoa 花. Thế là quan chủ khảo vội lục
quyển thi tìm người họ Đinh, kết quả, tìm được người đỗ sau tên Đinh Hiển 丁显. Chu Nguyên Chương bảo rằng, họ
Đinh tên Hiển, đương nhiên ứng “hiển”, trạng nguyên phải là anh ta. Thế là, một
thí sinh với thành tích bình thường, nhân vì tên được hoàng đế ưa thích, may mắn
được vị thứ trạng nguyên.
Năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ 24 triều Minh, kì điện thí
đã chọn được trạng nguyên là Tôn Nhật Cung 孙日恭, bảng nhãn là Hình Khoan 邢宽, nhưng khi ra bảng, trạng
nguyên lại là Hình Khoan. Hoá ra, viên quan phụ trách sao chép qua tiểu kim bảng
cho hoàng đế thẩm duyệt, đã viết 2 chữ “nhật cung” 日恭 sát nhau. Thời trước viết theo
hàng dọc từ trên xuống, 2 chữ日恭 sát nhau nhìn giống chữ 暴 (bạo). Hoàng đế Vĩnh Lạc tối kị
chữ “bạo”, bởi ngôi vị của ông đã dùng bạo lực đoạt từ tay người cháu, vì thế
mà xảy xa mấy năm đánh nhau, người cháu bị bức tử. Cho nên, nhìn thấy 2 chữ 孙暴 (tôn bạo), hoàng đế Vĩnh Lạc vô
cùng phản cảm, nhưng rất thích tên của vị bảng nhãn là “Hình Khoan”, cho rằng
tên đó hàm nghĩa là hình chính khoan hoà, thế là Tôn Nhật Cung nhân vì tên mà mất
vị thứ trạng
nguyên, còn Hình Khoan nhân vì tên mà được vị thứ trạng nguyên.
Năm Gia Tĩnh 嘉靖 thứ 23 triều Minh, thông qua điện
thí, thí sinh tên là Ngô Thanh 吴清 với thành tích xuất sắc được xếp hàng đầu, nhưng các quan
chủ khảo cho rằng tên đó đọc lên nghe như “vô thanh” 无清, không hợp để xếp vị thứ trạng
nguyên. Lúc đang thảo luận phải xử lí như thế nào, hoàng đế Gia Tĩnh cất lời,
nói rằng đêm qua nằm mộng, nghe có tiếng sấm ở phía tây bắc, đây là điềm trạng
nguyên xuất hiện ở phía tây bắc. Thế là các quan chủ khảo vội tra tìm thí sinh
có liên quan tới sấm, kết quả, trên quyển thi xếp thứ 300, phát hiện thí sinh
người Thiểm Tây 陕西
Tần Minh Lôi 秦鸣雷,
tên người này ứng với điềm mà Gia Tĩnh nằm mộng. Thế là Tần Minh Lôi, thí sinh
vùng tây bắc với thành tích kém, nhân vì cái tên được hoàng đế yêu thích mà trở
thành trạng nguyên.
Kì điện thí năm Càn Long 乾隆 thứ 54, quan chủ khảo chọn ra
được 10 quyển đầu tiên trình lên hoàng đế Càn Long thẩm duyệt. Trong 10 quyển
thi đó, Càn Long phát hiện một quyển với tên là Hồ Trường Linh 胡长龄, nên rất có thiện cảm với tên
này liền nói đùa:
- Người
Hồ là sống thọ chăng?
Lúc bấy giờ Càn Long đã 79 tuổi, cũng
đang mong trường thọ, gặp được tên này đương nhiên là vô cùng vui mừng, thế là,
không cần xem những quyển khác, xếp Hồ Trường Linh làm trạng nguyên.
Kì thi cuối cùng có 2 trạng nguyên,
cũng có liên quan đến tên gọi. Hai kì thi cuối cùng tổ chức vào năm 1903 và năm
1904. Theo lệ thường, kì thi 3 năm tổ chức một lần, nhưng kì thi năm 1901, do
vì liên quân 8 nước xâm lược nên không tổ chức. Kì thi năm 1904, gặp lúc Từ Hi
Thái Hậu 慈禧太后
70 tuổi. Để mừng thọ, Từ Hi Thái Hậu quyết định tổ chức kì thi ân khoa vào năm
1903.
Trạng nguyên kì thi ân khoa năm 1903 là
Vương Thọ Bành 王寿彭.
“Thọ Bành” mang ý nghĩa là “sống thọ như ông Bành Tổ”. Bành Tổ 彭祖 là nhân vật thọ nhất trong truyền
thuyết lịch sử Trung Quốc, sống đến 767 tuổi. Lúc bấy giờ, Từ Hi chuẩn bị cho lễ
mừng đại thọ 70 tuổi của mình nên vô cùng vui mừng với tên gọi này, muốn nhân
đó mượn ý cát tường của tên để truy cầu trường sinh bất lão. Thế là Vương Thọ
Bành được xếp đỗ trạng nguyên.
Kì điện thí năm 1904, người xếp vị trí
thứ nhất là Chu Nhữ Trân 朱汝珍, nhưng Từ Hi lại ghét tên “Nhữ Trân”. Từ Hi từng hại Trân
Phi 珍妃,
nên tối kị chữ “trân”, và cũng nhân Chu Nhữ Trân là người Quảng Đông, Từ Hi
cũng rất hận Hồng Tú Toàn 洪秀全, Khang Hữu Vi 康有为 cũng là người Quảng Đông, thế là, Chu Nhữ Trân mất vị thứ đầu
tiên. Khi dâng quyển thi lên, Từ Hi phát hiện có một thí sinh tên Lưu Xuân Lâm 刘春霖, bà cho rằng, tên của thí sinh
này có ý cát tường, “Xuân Lâm” có ý nghĩa “lâm vũ thương sinh” 霖雨苍生 (ban mưa móc xuống cho dân),
năm đó đương lúc đại hạn, thế là Từ Hi cầm bút lên, Lưu Xuân Lâm trở thành vị
trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa cử Trung Quốc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 26/3/2016
Nguyên tác Trung văn
Trong
quyển
TRUNG
QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên 张壮年
Trương Dĩnh Chấn 张颖震
Sơn
Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật