BÀN VỀ CHỮ “GIANG, HÀ”
Chữ 江 (giang) gồm bộ 氵(thuỷ)
và chữ 工 (công); chữ 河 (hà) gồm bộ 氵 (thuỷ) với chữ 可
(khả), “giang” và “hà” đều là chữ hình thanh. Trong Thuyết văn giải tự 说文解字 khi nói đến loại chữ hình thanh đã lấy 2 chữ “giang”
và “hà” để ví dụ. Chữ 工 và chữ 可 là thanh phù, mặc dù hiện nay âm đọc của 2 chữ này
khác xa, nhưng lúc khởi đầu sáng tạo văn tự, âm đọc của chúng là tương đồng.
Nhiều người làm công tác nghiên cứu đều cho là như thế. Trong Song Nghiễn Trai bút kí 双砚斋笔记 có viết:
Giang cổ âm độc công (1)
江古音读工
(Chữ “giang” âm cổ đọc là “công”)
Và
trong Ngữ ngôn mạn đàm 语言漫谈 cũng có viết:
Trường giang chi thanh công công, Hoàng
hà chi thanh khả khả (2)
长江之声工工, 黄河之声可可
(Âm thanh của Trường giang nghe “công công”,
âm thanh của Hoàng hà nghe “khả khả”)
Thời cổ, “giang” và “hà” là từ
chuyên xưng, không phải thông xưng. “Giang” chuyên chỉ Trường giang, “hà”
chuyên chỉ Hoàng hà. Như ở thiên Vũ cống 禹贡 có ghi:
Giang Hán triều tông vu hải
江汉朝宗于海
Ý nói Trường giang và Hán thuỷ đều cùng đổ ra biển lớn.
Và như trong Thi kinh – Hà quảng 诗经 - 河广 có câu:
Thuỳ vị Hà quảng
Nhất vi hàng chi
谁谓河广
一苇杭之
(Ai nói Hoàng hà rộng lớn
Một bó lau sậy có thể vượt qua)
Còn như
vào thời cổ gọi giang đông 江东, giang tây 江西, giang tả 江左, giang hữu 江右, hà đông 河东, hà tây 河西, hà nội 河内, hà ngoại 河外, giang và hà đều chỉ Trường giang và Hoàng hà. Địa vực
mà nó chỉ đều là từ Trường giang, Hoàng hà triển khai. Hai chữ “giang” “hà” đi
chung với nhau vừa chỉ Trường giang lại chỉ Hoàng hà, như ở thiên Khuyến học 劝学 trong Tuân Tử 荀子 có
câu:
Giả châu tiếp giả, nhi tuyệt Giang Hà (*)
假舟楫者, 而绝江河 (*)
(Người dựa vào thuyền, có thể vượt Trường giang, Hoàng
hà)
“giang hà” đi chung với nhau chỉ Trường giang và Hoàng
hà, trước đời Hán đại để đều dùng như thế.
Chi lưu
của Trường giang, Hoàng hà cũng có thể gọi là “giang” “hà”. Vương Lực 王力 từng lấy câu “cửu hà kí đạo (thông) 九河既道通; và “cửu giang khổng (đại dã) ân (định dã) 九江孔 (大也) 殷 (定也) trong thiên Vũ cống 禹贡 để dẫn chứng. Cửu giang, cửu hà ở đây đều là chi lưu của
Trường giang và Hoàng hà, đủ để chứng minh chi lưu của Trường giang, Hoàng hà
cũng gọi là “giang, hà”. Gọi là chuyên chỉ cũng bao gồm cả chi lưu của Trường
giang, Hoàng hà trong đó. Như trong Sở từ
- Tương quân 楚辞 - 湘君 có câu:
Triêu sính vụ hề Giang cao
朝骋骛兮江皋
(Buổi sớm giong ngựa nơi Giang cao)
“Giang cao” ở đây chỉ chi lưu của Trường giang bên cạnh
Tương giang.
Nói đến
chi lưu của Trường giang gọi là “giang, chi lưu của Hoàng hà gọi là “hà”, có một
hiện tượng thú vị. Tại khoảng giữa Trường giang và Hoàng hà, nơi Tần lĩnh 秦岭 có một chi mạch gọi là Hoà Thượng Nguyên 和尚原 (phía nam của Bảo Kê 宝鸡
20 dặm), sông nam Tần lĩnh chảy về hướng nam, sông ở phía bắc Tần lĩnh chảy về
hướng bắc, sông chảy về phía nam gọi chung là giang, sông chảy về phía bắc gọi
chung là hà. Trong lịch sử, Hoà Thượng Nguyên phân khai Tần Thục, cũng phân
khai khái niệm thuỷ hệ của Trường giang, Hoàng hà (4). Nói ra điều
này cùng với Trường giang và Hoàng hà là chuyên xưng không hề mâu thuẫn, thuỷ đạo
nam bắc ở Hoà Thượng Nguyên sông hướng về phía nam là chi lưu của Trường giang,
sông hướng về phía bắc là chi lưu của Hoàng hà. Trang Tử 庄子 có nói:
Danh xuyên tam bách, chi xuyên tam
thiên.
名川三百, 支川三千
(Sông nổi tiếng có ba trăm, chi lưu của sông có ba
ngàn)
Thuỷ đạo nam bắc ở Hoà Thượng Nguyên có thể ví như vi
huyết quản của Trường giang, Hoàng hà.
Có người
từng hỏi Vương Lực 王力, chi lưu của Trường giang sao lại xuất hiện Đại Độ hà
大渡河? Phía bắc sao lại có Tùng Hoa giang 松花江, Hắc Long giang 黑龙江? Vương Lực giải
thích rằng: Đại Độ hà thời cổ vốn gọi là Mạt thuỷ 沫水,
Nga thuỷ 涐水, Đại Độ thuỷ 大渡水;
còn Tùng Hoa giang thời cổ gọi là Túc Mạt thuỷ 粟末水,
Hắc Long giang vốn gọi là Hắc thuỷ 黑水. Thời gian Mạt thuỷ
đổi gọi là Đại Độ hà rất muộn; tên gọi Tùng Hoa giang, Hắc Long giang cũng phải
đến đời Minh mới xuất hiện (5).
Theo sự
phát triển của lịch sử, thuỷ đạo phía nam gọi là “giang” nhiều lên, sông ngòi
phía bắc gọi là “hà” cũng nhiều lên. Gọi là “giang” cũng không giới hạn là Trường
giang và các chi lưu của nó, như Tiền Đường giang 钱塘江,
Châu giang 珠江 đều gọi là “giang”. Sông phía bắc cũng không hoàn
toàn là chi lưu của Hoàng hà, như Hải hà 海河.
Đến giai đoạn cận đại xuất hiện tình huống tương đối phức tạp, phía đông bắc
cũng có sông gọi “giang”. Phía nam sông gọi là “hà” cũng không ít, chỉ là cần
có có khái niệm lịch sử thời gian.
Từ song
âm Hoàng hà, danh xưng Trường giang xuất hiện cũng sớm, trong Nam sử - Khổng Phạm truyện 南史 - 孔范传 có ghi:
Trường giang thiên tiệm, cổ lai hạn
cách, lỗ quân khởi năng phi độ.
长江天堑, 古来限隔, 虏军岂能渡
(Trường giang là hào trời, xưa
nay giới hạn cách ngăn, quân giặc sao có thể vượt qua)
Ở đây đã thấy xuất hiện từ “Trường giang”. Còn như
trong Hán thư – Công thần biểu 汉书 - 功臣表:
Sử Hoàng hà như đới, Thái sơn như lệ, quốc
dĩ vĩnh cố.
使黄河如带, 泰山如砺, 国以永固
(Cho dù Hoàng hà nhỏ như dải áo, Thái sơn nhỏ
như đá mài, thì đất nước vẫn luôn bền vững)
ở đây xuất hiện từ song âm “Hoàng hà”. Mọi người đều
biết câu thơ trong bài Mộc Lan từ 木兰辞 :
Triêu từ gia nương khứ
Mộ túc Hoàng hà biên
朝辞爷娘去
暮宿黄河边
(Buổi sáng từ biệt cha mẹ ra đi
Chiều tối đến bên Hoàng hà)
Bài thơ này xuất hiện sớm nhất trong Cổ kim nhạc lục 古今乐录 thời Nam
triều.
Chú của
nguyên tác
1- Thanh . Đặng Đình Trinh 邓廷桢 Song Nghiễn Trai bút kí 双砚斋笔记 trang 222,
Trung Hoa thư cục
2- Ngũ Thiết Bình 伍铁平 Ngữ ngôn mạn đàm 语言漫谈
3- Vương Lực 王力 Đàm đàm học cổ
Hán ngữ - Thuyết Giang Hà 谈谈学古汉语 - 说江河 trang 214, Sơn
Đông giáo dục xuất bản xã
4- Phương Dĩ Trí 方以智 Thông nhã 通雅 trang 503, Thượng Hải cổ tịch xuất
bản xã
5- Vương Lực 王力 Đàm đàm học cổ
Hán ngữ - Thuyết Giang Hà 谈谈学古汉语 - 说江河 trang 215, Sơn
Đông giáo dục xuất bản xã
Chú của người
dịch
*- Nguyên văn câu này như sau:
Giả châu tiếp giả, phi năng thuỷ dã, nhi
tuyệt Giang Hà
假舟檝者, 非能水也,而绝江河
(Người
dựa vào thuyền, không giỏi bơi lội, cũng có thể vượt Trường giang, Hoàng hà)
(Theo Tuân Tử giản chú 荀子简注 của Chương
Thi Đồng 章诗同 chú, Thượng Hải nhân dân xuất bản xã, 1974
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 11/3/2017
Nguyên tác Trung văn
GIANG HÀ ĐÍCH SỬ ĐỊA KHÁI NIỆM
ĐÀM “GIANG, HÀ”
江河的史地概念
谈 “江, 河”
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã, 1998