Dịch thuật: Chủng đức thi huệ, vô quan địa vị



种德施惠, 无关地位
    平民肯种德施惠, 便是无位的公相; 士夫徒贪权市宠, 竟成有爵的乞人.
                                                                        (菜根谭 - 立德修身)

CHỦNG ĐỨC THI HUỆ, VÔ QUAN ĐỊA VỊ
          Bình dân khẳng chủng đức thi huệ, tiện thị vô vị đích công tướng; sĩ phu đồ tham quyền thị sủng, cánh thành hữu tước đích khất nhân.
                                                                (Thái căn đàm – Lập đức tu thân)

TRỒNG ĐỨC RA ƠN, KHÔNG LIÊN QUAN GÌ ĐẾN ĐỊA VỊ
          Dân thường nếu như bằng lòng lấy hết khả năng của mình tích góp ân đức, ra ơn rộng rãi, thì người đó tuy danh vị không phải là công khanh tướng quốc, nhưng lại nhận được sự kính trọng của người đời; còn những kẻ sĩ phu cao quan hậu lộc nếu chỉ biết tranh đoạt quyền thế, tham luyến danh thanh, thì tuy ở tước vị công khanh, nhưng lại giống kẻ đi xin đáng ghét.

Giải thích và phân tích
          Theo cách nhìn của bậc trí giả, trên thế gian này giàu nghèo có chân có giả, cần phải nhận biết rõ. Sự khác nhau về giàu nghèo, sự cao thấp của địa vị không thể lấy vàng bạc nhiều ít và quyền thế lớn nhỏ để đánh giá, mà là dựa vào sự độ lượng của tấm lòng. Người có tấm lòng rộng rãi, không chỉ chú ý đến bản thân mình, mà còn chú ý đến lợi ích và phúc hoạ của người khác, đồng thời tích góp ân đức, ra ơn rộng rãi, như vậy, người đó dù là một dân thường tuy địa vị không cao nhưng cảm thấy thân tâm giàu có. Kẻ có tấm lòng hẹp hòi, chỉ chú trọng đến bản thân, liếc mắt nhìn mọi người, mà còn dùng hết tâm lực của mình để mưu quyền tranh đoạt, như vậy, cho dù kẻ đó y thực sung túc, địa vị cao quý, cũng không thoát được sự thiếu thốn về tinh thần.
          Cho nên có lúc phải mở rộng tấm lòng để giàu có và hạnh phúc bước vào.
          Từng có một người đàn bà đi xin, không những cuộc sống nghèo khổ, thậm chí ngay cả tâm linh cũng thiếu thốn. Bà ta tham cầu rất nhiều thứ, điều đó khiến bà càng phát hiện bản thân mình nghèo khó bất kham. Ngày nọ, nghe nói có một phú ông sắp đến thị trấn này để bố thí. Vị phú ông đó không chỉ giàu, mà còn rất thích làm việc thiện, nhân đó bà quyết định đi đến để kiếm được chút gì.
          Bà quỳ cách nơi phú ông bố thí không xa, cứ đợi mãi cho đến khi phú ông nhìn thấy. Phú ông hỏi rằng:
          - Bà muốn gì phải không?
          Kì thực, phú ông không cần hỏi, đối với mục đích của bà, ông đã sớm biết từ lâu, hỏi như thể chẳng qua là để bà tự thừa nhận, đồng thời chính miệng bà nói ra thôi.
          Người đàn bà nọ đáp rằng:
          - Tôi muốn xin thức ăn, muốn ông cho tôi những thức ăn thừa của ông.
          Vị phú ông nói rằng:
          - Được, nhưng bà trước tiên phải nói: “không cần”; khi tôi cho bà, bà nhất định phải từ chối.
          Nói xong liền lấy thức ăn đưa cho bà.
          Lúc bấy giờ, người đàn bà đi xin phát hiện nói ra hai chữ “không cần” quả là vô cùng khó khăn, bà mới hiểu rằng, hoá ra cả đời mình chưa từng nói qua hai chữ “không cần”. Bất luận ai cho thứ gì, bà luôn nói: “Vâng, tôi xin”. Nhân đó, bà cảm thấy nói “không cần” rất khó. Hai chữ này đối với bà mà nói là hoàn toàn xa lạ. Lấy hết sức lực, cuối cùng bà mới thốt ra hai chữ “không cần”, thế là phú ông lấy thức ăn đưa cho bà.
          Bấy giờ người đàn bà đi xin đột nhiên hiểu rõ, sự nghèo khổ của bản thân là do bởi lòng chỉ chứa được những gì mình muốn, muốn có, muốn nắm bắt, muốn chiếm hữu, mà không chứa được tín niệm ái tâm hạnh phúc bố thí và không cần bần cùng.
          Căn nguyên của bà không phải ở chỗ không có vật chất giúp đỡ, mà là ở chỗ sự thiếu khuyết của tâm linh. Bởi vì bần cùng, sở dĩ chỉ đem sự ấm no của mình để ở trong lòng, cho nên mới không có khoảng trống tâm linh rộng rãi để dung nạp người khác. Muốn nói độ nhân, trước tiên tự độ mình, muốn giàu sang, trước tiên tâm linh phải giàu có. Lòng riêng quá nặng, tham tâm quá nhiều, chỉ khiến bản thân hẹp hòi, tâm địa lầy lội càng sâu.
          Trong cuộc sống, giúp đỡ người khác sẽ khiến tấm lòng của mình càng rộng rãi, cầu xin chỉ làm cho tư tâm thêm nặng, tâm địa càng nhỏ hẹp. Khi giúp đỡ người khác, người ban cho không phải giữ trong lòng sự tham cầu báo phúc, đối với người nhận ban cho không khởi tâm phân biệt, không chú trọng vào món đồ. Giúp đỡ người khác không những ban cho người khác, mà đó cũng là sự thể nghiệm của mình. Nếu một người giàu có, chỉ biết khư khư tích góp tài sản, không biết ban cho, sẽ rơi vào tâm cảnh khô héo. Nếu một người với mức sống bình thường có lòng giúp đỡ người khác, sẽ vượt lên trên cuộc sống bình thường, trở thành người có đức với tâm linh sung túc. Như vậy, người có cuộc sống bình thường sẽ càng giàu hơn so với người có cuộc sống giàu có.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 01/3/2017

Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post