Dịch thuật: Câu chuyện về tên người và linh hồn

CÂU CHUYỆN VỀ TÊN NGƯỜI VÀ LINH HỒN

          Thời xưa, do bởi trình độ khoa học còn hạn chế và ảnh hưởng của tư tưởng mê tín, người ta đã đem tên người gắn kết với linh hồn, cho rằng danh tự một khi đã xác định, tên người cùng với hồn sẽ kết hợp lại với nhau. Hồn sẽ vĩnh viễn nương tựa vào tên, nếu một khi mất hồn, thì phải gọi tên của người bị mất hồn để hồn trở về, nếu không người đó sẽ gặp tai nạn , thậm chí sẽ chết. Từ đó thành tập tục, đến nay vẫn có thể bắt gặp, như đứa bé bị té ngã hoặc bị sợ hãi, lúc biểu hiện sự hoảng sợ sẽ khóc thét lên, người già sẽ bảo bé bị mất hồn, phải mau chóng gọi lại. Thế là cha mẹ đứa bé sẽ dẫn con đến chỗ mà nó sợ, lớn tiếng gọi đi gọi lại tên của bé, rồi nói những lời đại loại như: “Con đừng sợ, chúng ta về nhà thôi”, ý là đưa hồn đã đi mất của đứa bé trở về. Nếu như cách làm đó chưa được, cần phải đốt giấy tiền rồi gọi tiếp, như vậy hồn sẽ trở về lại tên của bé.
      Tại một số vùng nông thôn xa xôi, khi đứa bé đau, nhìn chung không đi bệnh viện, mà là dùng cách chiêu hồn. Người ta cho rằng có thể gọi hồn của đứa bé về lại tên của nó, bệnh của bé sẽ khỏi. Gọi hồn, nhìn chung là vào lúc nửa đêm, hai người đi trong đồng hoang, một người gánh quần áo của bé, một người xách đèn lồng, lớn tiếng gọi tên đứa bé, gọi rằng: “Mau về lại đi! Mau về lại đi!” Có lúc gọi đi gọi lại liên tục như thế. Nếu bệnh của đứa bé vốn là thứ bệnh sẽ tự khỏi, người ta sẽ cho là hồn của bé đã trở về, nếu bệnh của bé vẫn chưa khỏi, người ta sẽ cho là hồn của bé vẫn chưa về.
         Tập tục gọi hồn này từ thời cổ đã có, Khuất Nguyên 屈原 đã từng chiêu hồn cho Sở Hoài Vương 楚怀王 chết nơi đất Tần, viết ra thiên Chiêu hồn 招魂 vô cùng cảm động
         Những câu chuyện tương quan giữa tên và hồn cũng thường thấy trong tiểu thuyết. Như trong Tùng Bách Thảo viên đáo Tam Vị thư ốc  从百草园到三味书屋 của Lỗ Tấn 鲁迅 có một câu chuyện, chuyện kể rằng lúc Lỗ Tấn còn nhỏ có nghe mẹ kể một câu chuyện: ngày trước có một thư sinh sống trong một ngôi cổ miếu để học, bỗng nghe có người gọi tên anh ta, anh ta đáp lại, quay đầu lại nhìn thấy mặt một cô gái xinh đẹp ló ra trên bờ tường. Hoá ra đó là một con rắn đầu người, có thể gọi được tên người, nếu ai đáp lại, ban đêm sẽ đến ăn thịt người đó. May mà lão hoà thượng biết được, chàng thư sinh nọ mới không bị nạn. Cho nên, người già thường dặn con cháu, ban đêm bất luận là trên đường hoặc trong nhà, nếu có tiếng lạ gọi tên mình, chớ có đáp lại, sợ đó là hồn quỷ gọi tên.
         Thời trước, còn có một cách yểm người, cũng là cách căn cứ vào mối tương quan giữa tên và hồn mà ra. Cách này dùng giấy cắt hình người, hoặc dùng rơm bện thành, sau đó đem tên của người muốn yểm viết lên bề mặt, rồi dùng kim ghim vào, để nơi chỗ tối hoặc chôn dưới đất. Cho rằng làm như vậy người bị yểm sẽ sinh bệnh thậm chí tử vong. Trong Hồng lâu mộng 红楼梦 có tình tiết, một vị tăng đạo dùng vu thuật hại người, thường đem tên người bị hại viết lên giấy, sau đó yểm lấy kim đâm khiến người đó chết. Trong phim truyền hình nhiều tập Hoàn “Châu cách cách” 还珠格格, để hãm hại Tiểu Yến Tử 小燕子, hoàng hậu cũng dùng cách này.
         Có học giả khi nghiên cứu những tập tục tương liên giữa tên và hồn, đã liên tưởng đến cách đặt tên của người xưa. Họ chỉ ra rằng, người xưa sở dĩ ngoài đại danh ra, còn đặt tên tự, rất có khả năng là ảnh hưởng tập tục tương liên giữa tên và hồn, sợ tên của mình bị người ta gọi, lợi ít mà hại nhiều, thế là nghĩ ra cách đặt tên tự. Nếu cách nhìn nhận này được công nhận, thế thì cách đặt tên tự của người xưa quả là một câu chuyện thú vị.

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn 12/3/2017

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post