BAN CỐ
Ban Cố 班固 (năm 32 tức năm Kiến Vũ 建武
thứ 8 – năm 92 tức năm Vĩnh Nguyên 永元 thứ 4), con của Sử
học gia Ban Bưu 班彪 thời Đông Hán, tự là Mạnh Kiên 孟堅, người An Lăng 安陵
Phù Phong 扶風 (nay là Hàm Dương 咸陽
Thiểm Tây 陝西). Ông sinh năm Kiến Vũ thứ 8 đời Hán Quang Vũ Đế 漢 光武帝, mất năm Vĩnh
Nguyên thứ 4 đời Hán Hoà Đế 漢和帝, hưởng niên 61 tuổi.
Ban Cố kế
thừa phụ nghiệp, biên soạn bộ Hán thư 漢書, tổng cộng 100
thiên, bao gồm 12 kỉ, 8 biểu, 10 chí, 70 truyện; người đời sau chia làm 120 quyển.
Lúc Ban Cố biên soạn Hán thư, có người
tố cáo ông là “tư tu quốc sử”, vì thế ông bị bắt bỏ ngục. Người em là Ban Siêu 班超 nói rõ với Hán Minh Đế 漢明帝
mục đích Ban Cố biên soạn Hán thư là
ca tụng Hán đức, để người đời sau hiểu rõ lịch sử, từ đó mà có được những bài học
giáo huấn, chứ không hề có ý huỷ báng triều đình. Về sau Ban Cố vô tội được
phóng thích, Minh Đế liền cấp cho Ban gia một số tiền, giúp họ biên soạn tiếp.
Hán
Minh Đế rất tán thưởng tài năng của ông, cho ông giữ chức Lan Đài lệnh sử 蘭台令史 (nhân viên quản lí thư tịch hồ sơ trung ương), hưởng
trật 2000 thạch, sau chuyển sang giữ chức Lang 郎.
Đương thời, Lan Đài lệnh sử Phó Nghị 傅毅 là đồng sự với ông,
hai người đều nổi tiếng về văn chương, Ban Cố viết thư cho em là Ban Siêu rằng,
nói rằng:
Vũ Trọng dĩ năng thuộc văn, vi Lan Đài lệnh
sử, hạ bút bất năng tự hưu.
武仲以能屬文, 為蘭台令史, 下筆不能自休
(Vũ Trọng
(Phó Nghị) nhân vì giỏi viết, nên được đảm nhiệm chức Lan Đài lệnh sử, nhưng một
khi hạ bút viết thì không biết chỗ dừng)
Đây là
lưu truyền của các văn nhân coi thường nhau. Ban Cố lại phụng chiếu hoàn thành
trứ tác của cha.
Năm
Vĩnh Nguyên nguyên niên đời Hán Hoà Đế (năm 89), Đậu Hiến 竇憲 dẫn binh thảo phạt Hung Nô, Ban Cố theo Đậu Hiến xuất
chinh, nhậm chức Trung hộ quân 中護軍, nhưng làm những
việc của Trung lang tướng 中郎將. Minh văn khắc ở núi Yên Nhiên 燕然
là do Ban Cố viết. Ban Cố vì “không dạy dỗ con em trong nhà, nên đa phần họ không
tuân theo pháp độ”, quan lệnh Lạc Dương 洛陽
là Chủng Cạnh 種競 bị gia nô của Ban Cố uống say mắng chửi nên ôm hận
trong lòng. Năm Vĩnh Nguyên thứ 4 đời Hoà Đế, Đậu Hiến thất thế tự sát, Chủng Cạnh
lợi dụng cơ hội, bắt Ban Cố cho đánh roi làm nhục. Ban Cố chết trong ngục, hưởng
niên 61 tuổi. Lúc bấy giờ, 8 biểu, cùng “Thiên văn chí” 天文志 đều chưa hoàn thành.
Ban Cố
biên soạn Hán thư chưa xong đã mất,
Hoà Đế lệnh cho em gái Ban Cố là Ban Chiêu 班昭
đến Đông Quan Tàng thư các 東觀藏書閣 (thư viện hoàng
gia thời Đông Hán) nơi cất giữ tư liệu, tiếp tục di tác của Ban Cố. Nhưng việc
chưa xong cũng đã qua đời. Người cùng quận là Mã Tục 馬續,
cũng là môn nhân của Ban Chiêu, bác lãm cổ kim, Đế liền triệu vào để bổ sung
hoàn thành 7 biểu cùng “Thiên văn chí”.
Ban Cố
cũng là một trong những từ phú gia nổi tiếng nhất thời Đông Hán, trứ tác của
ông có Lưỡng đô phú 兩都賦, Đáp tân hí 答賓戲, U thông phú
幽通賦 .
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 02/3/2017
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật