TỘC ĐÔNG DI
Tộc
Đông Di 东夷, còn gọi là Đông Di东夷
hoặc Di 夷, chỉ người ở phía đông của trung nguyên, phiếm xưng
các bộ tộc khác nhau ở ven biển phía đông Trung Quốc thời cổ, đặc biệt là thời
kì triều Thương, triều Chu. Trong sử tịch Trung Quốc có từ “Đông Di”, ý nói người
giỏi về cung tên ở phía đông. Đông Di là từ xưng hô của dân tộc Hoa Hạ đối với
các dân tộc phía đông, không phải đơn thuần chỉ một tộc quần, phạm vi nhận định
này cũng tuỳ theo sự thay đổi.
Bắt đầu
từ Thiếu Hạo 少昊, trung tâm hoạt động của Đông Di chuyển đến vùng Khúc
Phụ 曲阜 Sơn Đông 山东, phạm vi của Đông
Di mà trong sử thư ghi chép, phía bắc khởi đầu từ U Yên 幽燕, phía nam đến sông Hoài 淮,
phía đông đến Hoàng Bột (hải) 黄渤 (海), phía tây dừng ở khu vực rộng lớn Dự đông 豫东, Dự đông nam 豫东南.
Ghi chép trong Hậu Hán thư 后汉书 bao gồm 9 Di như: Quyến Di 畎夷,
Vu Di 于夷, Phương Di 方夷, Hoàng Di 黄夷, Bạch Di 白夷, Xích Di 赤夷, Huyền Di 玄夷, Phong Di 风夷... (1) trường kì cư trú, sinh sôi tại khu vực phía đông
Trung Quốc. Từ thời Tam Đại, theo sự kiến lập vương triều theo chế độ nô lệ,
“phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ” 普天之下莫非王土 (khắp dưới gầm
trời này, không vùng đất nào là không phải của vương) đã phản ánh sự cường thịnh
của dân tộc Hoa Hạ, Đông Di cũng dần trở thành một bộ phận của vương triều Hạ,
ông Thuấn 舜 trong truyền thuyết là người tộc Đông Di, và giới sử
học đã khảo chứng công nhận ông Vũ 禹 trị thuỷ 9 châu. Các
bộ của tộc Đông Di sinh sống tại bình nguyên rộng lớn ở hạ du Hoàng hà và vùng
ao hồ, ngoài việc khẩn hoang trồng trọt, họ còn phải đấu tranh với nạn hồng thuỷ,
từ đó mà phát triển kĩ thuật đóng thuyền, thuỷ tổ được xưng là “thuỷ chính” 水正 thời cổ chính là người Đông Di. Thời kì nhà Hạ thống
trị, các bộ Đông Di từng 3 lần dời chuyển với quy mô lớn. Một lần là vì phản
kháng chính sách tàn bạo của nhà Hạ họ dời đến phía tây. Lần nữa là vào thời
Tây chu, nhân vì hoạt động phản Chu nên bị vương thất nhà Chu
xem như mối hoạ tiềm ẩn cưỡng chế tộc Di dời chuyển. Trong Lã thị Xuân Thu 吕氏春秋 có chép:
Vi ngược Đông Di, Chu Công toại dĩ sư trục
chi, chí vu Giang Nam. (2)
为虐东夷, 周公遂以师逐之至于江南
(Tàn
sát Đông Di, Chu Công bèn đem quân đánh đuổi chạy đến Giang Nam )
Lần thứ
ba là họ Doanh 瀛 nước Từ của Đông Di, mong phục thù tấn công Tây chu,
bị Chu Mục Vương 周穆王 tập họp chư hầu đánh bại, mấy vạn dân Đông Di đã bỏ
chạy rời khỏi quê nhà. Trong 3 lần dời chuyển với quy mô lớn, dân tộc Đông Di
có thể từ biển hoặc ở đất liền phía đông bắc tiến vào các đảo ở phía đông nam.
Trong Hậu Hán thư – Đông Di liệt truyện 后汉书 - 东夷列传 có nói:
“Tần mạt Tề”, nhân tằng vi “tị khổ dịch” nhi
đại phê độ hải “thích Hàn quốc”
“秦末齐”, 人曾为 “避苦役” 而大批渡海 “适韩国”
(Cuối đời Tần, để tránh lao dịch
khổ sai, một nhóm lớn người nước Tề đã vượt biển sang Hàn Quốc.)
Tài liệu của Hậu Hán thư nói rõ Đông Di (chủ yếu chỉ
Từ Di, Hoài Di sau khi bị diệt quốc đã tiến vào Triều Tiên, Nhật Bản phía đông
bắc cùng các đảo phía đông nam) đã di chuyển bốn phương tám hướng. Dân Đông Di
biết lễ thông nhạc này về sau trở thành người tài trong số người Tần Hán. Trong
Tả truyện 左传 có ghi:
Thiên tử thất quan (lễ), học tại tứ Di
天子失官 (礼), 学在四夷
(Thiên tử mất đi cương vị của mình, văn hoá học thuật
lưu lạc đến tứ Di)
Nói rõ đương thời tộc Đông Di đã là dân tộc có một
trình độ văn minh tương đối cao. Có thể họ đã đưa văn minh ra đến các nước hải
ngoại. Từ khu vực Sơn Đông, Hà Nam thời kì Hoàng Đế, văn minh đến phía đông bắc Trung Quốc, rồi đến
bán đảo Triều Tiên, và các đảo ở Nhật Bản thời kì Tần Hán sau này. Triều Tiên
và Hàn Quốc cho rằng: người Triều Tiên hiện đại có khả năng là một chi của Đông
Di. Bán đảo Triều Tiên có lịch sử hơn 5000 năm, nhưng do bởi thiếu chứng cứ trực
tiếp, nên giới sử học Trung Quốc, Nhật Bản đã không thừa nhận.
Chú của người
dịch
1- Trong nguyên tác thiếu Dương Di 阳夷
2- Câu này ở thiên Cổ
nhạc 古乐trong Lã thị Xuân Thu吕氏春秋. Nguyên câu
là:
Thương nhân phục tượng, vi ngược
Đông Di, Chu Công toại dĩ sư trục chi, chí vu Giang Nam.
商人服象, 为虐东夷, 周公遂以师逐之至于江南.
(Người Thương sai khiến voi,
tàn sát Đông Di, Chu Công bèn đem quân đánh đuổi chạy đến Giang Nam )
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/02/2017
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật