NGUYÊN NHÂN HƯNG THỊNH CỦA TỐNG TỪ
(kì 4)
Vào giai đoạn ban sơ, từ với
âm nhạc vốn phát sinh mối quan hệ mật thiết. Nó là những câu kết hợp với nhạc để
ca hát. Về sau kinh qua sự khai thác sáng tác của nhiều người, nội dung ngày
càng mở rộng, thể chế ngày càng phong phú, tuy cũng có nhiều tác phẩm hoàn toàn
thoát ly khỏi âm nhạc trở thành một loại văn học, nhưng tính âm nhạc của từ không
hề bị tổn thương, đại bộ phận từ đều có thể ca hát. Tác phẩm của Liễu Vĩnh 柳永, Chu Bang Ngạn 周邦彦,
Tần Quán 秦观 không cần phải nói, ngay cả từ của Âu Dương Tu 欧阳修, Tô Đông Pha 苏东坡,
những bài có thể ca được cũng không ít. Từ điểm này có thể thấy từ vào thời Tống
đã có tính tồn tại văn học độc lập, đồng thời lại có công năng thực dụng âm nhạc
tích cực. Công dụng của từ lúc bấy giờ
rất rộng, dùng trong những điển lễ lớn của triều đình, yến tiệc của sĩ đại phu,
lúc ly biệt bên trường đình, ca hát nơi kỹ viện đều là từ ca hát. Một bộ phận
ca hát ở Truyền đạp 传踏(1), Cổ tử từ 鼓子词 (2) cùng các Cung từ
宫词 (3) cũng là từ,
ngay cả trong thoại bản tiểu thuyết bạch
thoại cũng dùng không ít từ. Do vậy, Tống từ có thể phổ biến khắp dân gian, có
thể lưu hành xuống đến tận tầng lớp dưới, công năng thực dụng âm nhạc với từ có
mối liên hệ rất lớn. Trên thế gian này, nơi nào có nước giếng nơi đó có thể ca từ
của Liễu Vĩnh (4). Ở đây nói Ca
(歌) không nói Độc
(读 – đọc). Độc
cần phải hiểu rõ ý nghĩa văn học của nó, còn Ca chỉ cần nhớ làn điệu, giống như trẻ em thường ca Ngư quang khúc 渔光曲, Đại lộ ca 大路歌. Nếu học thuộc làn điệu, những người biết chút ít chữ
có lúc cũng có thể làm một hai bài. Trong bút ký của người thời Tống, ca từ mà
họ ghi lại của những kỹ nữ nào đó sáng tác, đều là ở vào hoàn cảnh như thế,
hoàn toàn không phải là do văn nhân học sĩ nguỵ thác. Thời Tống tuy luôn có nạn
ngoại xâm, nhưng trước sau vẫn đắm chìm trong không khí say sưa múa hát. Biện
Kinh 汴京 thời Bắc Tống, Hàng Châu 杭州
thời Nam Tống là hai đô thị lớn phồn vinh cực độ, trong sự phát đạt của nền kinh tế thương nghiệp, trong cuộc sống
xa xỉ phóng đãng của vua tôi trên dưới, trong cuộc sống lãng mạn bên thiếp bên
ca nhi của giới văn nhân học sĩ và trong không khí các loại hình nghệ thuật vui
chơi phát triển, công dụng của từ càng mở rộng, sự phát triển của từ càng
nhanh, tác phẩm của từ nhân càng nhiều. Trong hoàn cảnh xã hội như thế, công
năng thực dụng của âm nhạc phối hợp với từ, quả thực là một nhân tố quan trọng
giúp cho sự hưng thịnh của từ. Chúng ta thử xem những tác phẩm của Yến Cơ Đạo 晏几道, Liễu Vĩnh 柳永, Khương Quỳ 姜夔 đều là những tác phẩm sáng tác cho ca nhi 歌儿, thị kỹ 市妓 (5) , gia
cơ 家姬 (6). Có thể thấy mục đích sáng tác ban đầu không phải là
văn học mà là thực dụng âm nhạc, so với những sáng tác thơ của Mai Nghiêu Thần 梅尧臣, Âu Dương Tu 欧阳修,
Hoàng Đình Kiên 黄庭坚, Trần Vô Kỷ 陈无己 đương nhiên là
khác nhau. (còn tiếp)
Chú của người
dịch
1- Truyền đạp 传踏: một hình thức
nghệ thuật ca múa rất thịnh hành vào thời Tống, thường dùng Điệu tiếu lệnh 调笑令
làm khúc điệu, cho nên còn được gọi là Điệu
tiếu chuyển đạp 调笑转踏, chủ yếu diễn xuất trong các buổi yến tiệc của sĩ đại
phu, các cô gái xếp thành đội biểu diễn. Hình thức nghệ thuật này có ảnh hưởng
rất lớn đối với hý khúc đời sau.
2- Cổ tư từ 鼓子词: một hình thức
ca hát chủ yếu dùng trống để phụ hoạ nên có tên như thế. Cổ tử từ bắt nguồn từ
một loại ca khúc dân gian thịnh hành vào thời Tống. Hình thức nghệ thuật thời kỳ
đầu là dùng một loại từ điệu, hát đi hát
lại, chúng không phải là loại tự thuật cố sự, về sau mới phát triển thành Cổ tử
từ có nói có hát, tự thuật tình tiết cố sự.
3- Cung từ宫词: tên gọi chung
các điệu khúc âm nhạc cũ. Đời Đường Tống, trong các buổi yến tiệc điền từ vào
nhạc và các khúc đời Kim, Nguyên đều có Cung từ nhất định, cho nên có chú rõ
tên các điệu.
4- Liễu Vĩnh 柳永 tinh thông âm luật,
giỏi điền từ, rất được nhạc công giáo phường tôn sùng. Từ của ông, ngôn ngữ
thông tục nhưng âm luật rất hào hoà, đương thời lưu truyền rất rộng. Trong Tỵ thử lục thoại 避暑录话 quyển
Hạ của Diệp Mộng Đắc 叶梦得 thời Bắc Tống có
câu:
Phàm hữu tỉnh thuỷ ẩm xứ, giai năng ca
Liễu từ.
凡有井水饮处, 皆能歌柳词
(Phàm nơi nào có giếng nước, những nơi đó đều có thể
ca từ của Liễu Vĩnh
5- Thị kĩ市妓: Thời Đường Tống, kỹ nữ được chia làm mấy loại
gồm: Cung kỹ 宫妓 Quan kỹ 官妓, Thị kỹ 市妓, Gia kỹ 家妓
6- Gia cơ家姬: chỉ những cô
gái vừa là tỳ vừa là thiếp, địa vị rất thấp, thường là cho chủ nhân mua về. Những
người này phần nhiều là ca hay múa giỏi, dùng thanh sắc để giúp vui cho chủ
nhân hoặc khách.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 03/02/2017
Nguyên tác Trung văn
TỐNG TỪ HƯNG THỊNH ĐÍCH NGUYÊN NHÂN
宋词兴盛的原因
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN HỌC SỬ PHÁT TRIỂN
中国文学史发展
Tác giả: Lưu Đại Kiệt 刘大杰
Thiên Tân: Bách Hoa văn nghệ xuất bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật