LAI LỊCH DANH XƯNG CÁC TRIỀU ĐẠI TRUNG
QUỐC
(tiếp theo)
10- Đường 唐: tổ phụ của Đường
Cao Tổ Lí Uyên 李渊 là Lí Hổ 李虎 giúp triều Chu có
công, được phong là “Đường Quốc Công” 唐国公, tước vị truyền đến
Lí Uyên. Sau khi khởi binh ở Thái Nguyên 太原,
Lí Uyên xưng là “Đường Vương” 唐王, sau phế Dương Hựu 杨侑, kiến lập triều Đường.
11- Liêu 辽: Liêu vốn xưng
là “Khất Đan”契丹, sau đổi là “Liêu” nhân vì sinh sống ở thượng du sông
Liêu.
12- Tống 宋: sau khi Cung Đế
恭帝 nhà Hậu Chu kế vị, cho Triệu Khuông Dận 赵匡胤 làm Tiết độ sứ Quy Đức 归德,
quân Quy Đức đóng tại Tống Châu 宋州
(nay là Thương Khâu 商丘
Hà Nam
河南), Triệu Khuông Dẫn làm Tiết độ sứ Tống Châu. Cho nên
sau vụ binh biến ở Trần Kiều 陈桥, nhân vì phát tích
tại Tống Châu nên đặt quốc hiệu là “Tống”.
13- Tây Hạ 西夏: Thác Bạt Tư
Cung 拓拔思恭 chiếm cứ Hạ Châu 夏州
(nay là huyện Hoành Sơn 横山 Sơn Tây 山西), khi lập quốc lấy Hạ Châu đặt tên, xưng là “Đại Hạ”.
Nhân vì ở phía tây, người Tống gọi là “Tây Hạ”.
14- Kim 金: đô thành thượng
kinh của Kim là Hội Ninh 会宁 (nay là phía nam A
Thành 阿城 Hắc Long Giang 黑龙江),
tại sông Án Xuất Hổ 按出虎 (nay là sông A Thập 阿什),
tương truyền ở sông này sản xuất ra vàng, tiếng Nữ Chân 女真 gọi “kim” là “Án Xuất Hổ”.
15- Nguyên 元: theo Nguyên sử 元史, mệnh danh “Nguyên” là do Thế Tổ Hốt Tất Liệt 忽必烈 định ra, lấy từ chữ “nguyên” ở câu “đại tai càn
nguyên” 大哉乾元 trong Kinh Dịch,
mang ý nghĩa là lớn, là đầu. Nhưng cũng có người cho rằng có liên quan đến
phong tục và totem của người Mông Cổ. Cũng có người cho là liên quan đến Phật
giáo.
16- Minh 明: Chu Nguyên
Chương 朱元璋 là một trong đội quân khởi nghĩa cuối đời Nguyên, kế
thừa Quách Tử Hưng 郭子兴 mà phát triển lên, Quách Tử Hưng thuộc tổ chức Bạch
Liên giáo 白莲教. Bạch Liên giáo tuyên xưng là:
Hắc ám tức tương quá khứ
Quang minh tương yếu đáo lai
黑暗即将过去
光明将要到来
(Tối tăm sắp qua
Sáng tươi gần đến)
Mượn đó để cổ vũ nhân dân phản đối sự thống trị của
triều Nguyên hắc ám. Cho nên xưng là “Quang Minh giáo” 光明教.
Thủ lĩnh Bạch Liên giáo Hàn Sơn Đồng 韩山童 xưng là “Minh
Vương” 明王 (con ông ấy là Hàn Lâm Nhi 韩林儿
xưng là “Tiểu Minh Vương”), đều thể hiện tôn chỉ giáo nghĩa. Chu Nguyên Chương
không chỉ từng tin theo Bạch Liên giáo, mà còn thừa nhận mình là một nhánh quân
khởi nghĩa của Bạch Liên giáo (ông từng là Tá phó nguyên soái của Tiểu Minh
Vương). Sau khi Chu Nguyên Chương lấy được chính quyền, đặt quốc hiệu là
“Minh”.
17- Thanh 清: tộc Mãn là một
chi của tộc Nữ Chân 女真. Thời Bắc Tống, tộc Nữ Chân kiến lập nước,rồi suy yếu.
Cuối đời Minh, thế lực Nữ Chân mạnh trở lại, kiến lập lại nước Kim (Hậu Kim). Về
sau nước Kim khuếch triển ra bên ngoài, cắt đứt quan hệ thần thuộc với triều
Minh, Thanh Thái Tổ Hoàng Thái Cực 皇太极, đổi “Nữ Chân” 女真thành “Mãn Châu” 满州,
đổi “Kim” 金 thành “Thanh” 清.
Thời Tống, người Nữ Chân bị người Khất Đan khống chế, chữ “Liêu” 辽 trong tiếng Khất Đan có nghĩa là “thiết” 铁, nhân đó họ mệnh danh là “Kim” 金, biểu thị “kim” so với “thiết” kiên cường hơn, có thể
áp đảo được “Liêu”. Nguyên nhân “Kim” đổi thành “Thanh”, các nhà sử học vẫn chưa
thống nhất ý kiến, có người cho là Hoàng Thái Cực muốn tránh gây ra mâu thuẫn.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/02/2017
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật