Dịch thuật: "Hoạn quan" có phải là "thái giám"



“HOẠN QUAN” CÓ PHẢI LÀ “THÁI GIÁM”

          Thời cổ, “hoạn quan” 宦官 là người hầu hạ hoàng đế cùng hậu cung. Vào triều Thanh, “hoạn quan” và “thái giám” 太监 là danh hiệu ngang nhau, đều là người bị hoạn, cả hai về ngoại diên thì nhất trí. Nhưng nhìn từ lịch sử Trung Quốc, cả hai không hoàn toàn như nhau.
          Theo ghi chép, hoạn quan thời Tiên Tần và Tây Hán không hoàn toàn là người bị hoạn. Bắt đầu từ thời Đông Hán, toàn bộ mới là người bị hoạn. Theo Hậu Hán thư – Hoạn giả liệt truyện tự 后汉书 - 宦者列传序 có ghi:
Hoạn quan tất dụng yêm nhân, bất phức tạp điệu tha sĩ.
宦官悉用阉人, 不复杂调它士
(Hoạn quan toàn dùng người bị hoạn, không dùng người khác nữa)
          Điều này do bởi trong hoàng cung, trên từ hoàng thái hậu, thái hậu, hoàng hậu phi cho tới cung nữ, nữ quyến tương đối đông, nếu cho phép nam nhân ra vào, khó tránh khỏi phát sinh những chuyện uế loạn, cho nên tuyệt đối không cho phép nam nhân thành niên phục vụ trong cung.
          Từ “thái giám” sản sinh vào đời Liêu. Theo ghi chép trong Liêu sử - Bách quan chí 辽史 - 百官志, trong các chức danh “giám” của Nam Diện quan 南面官, có danh xưng “thái giám”, nhưng về xưng hô cụ thể chỉ xưng “giám”, như Thái phủ giám 太府监. Thái phủ và các giám đời Nguyên đa phần có 1 quan thái giám (như Nghi văn giám 仪文监, Điển mục giám 典牧监, Điển thất giám 典室监, Thái phủ giám 太府监 đều thiết lập thái giám). Các giám đời Minh không lập chức quan này, nhưng tại 24 nha môn do hoạn quan quản lí, các nha môn đều thiết lập vị quan nắm giữ ấn thái giám, chuyên hầu hạ hoàng đế cùng gia tộc hoàng đế trong cung. Từ giữa thời Minh trở về sau, quyền lực của thái giám mở rộng, xuất hiện gian thần thái giám như Lưu Cẩn 刘瑾, Nguỵ Trung Hiền 魏忠贤.
          Có thể thấy thời Liêu Nguyên, thái giám là vị trưởng quan của cơ cấu quan liêu, nó có sự khu biệt rất lớn với hoạn quan chuyên phục vụ trong hoàng cung. Thời Minh không thiết lập cơ cấu quan liêu “giám” nữa (dùng danh xưng khác để thay thế), “giám” chuyên chỉ vị trưởng quan của 24 nha môn do hoạn quan quản lí. Điều này nói rõ hoạn quan và thái giám có mối quan hệ kéo theo là vào thời Minh. Sự khu biệt giữa hoạn quan và thái giám ở chỗ, thái giám chuyên chỉ thủ lĩnh của hoạn quan.
          Thời Thanh, hoạn quan và thái giám đã không có sự khu biệt. Người bị hoạn chỉ cần phục vụ trong cung đều có thể gọi là thái giám. Sự tồn tại của hoạn quan và thái giám là tiêu chí cho sự hủ bại và tàn nhẫn của vương quyền ở Trung Quốc. Sau cách mạng Tân Hợi, hiện tượng thái giám bất hợp lí này cuối cùng mới bị thủ tiêu triệt để.

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn 27/02/2017

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post