Dịch thuật: Tế Táo

TẾ TÁO

          Theo tập tục xưa, vào ngày 23 tháng Chạp (có nơi là 24) là thời gian  cúng Táo thần, còn gọi là “Quá tiểu niên” 过小年. Chiều tối ngày này, các nhà đều cúng Táo thần. Táo thần là vị thần tiên mà nhà nào cũng đều phải thờ phụng, đối với việc lễ bái cúng tế Táo thần cũng hết sức chu đáo. Với người Trung Quốc, Táo thần là vị chủ của một nhà, mọi sự việc lớn nhỏ trong nhà đều do Táo thần quản lí, đồng thời ngầm quan sát việc thiện ác của người trong nhà. Truyền thuyết kể rằng, Táo thần chuẩn bị 2 cái chậu, một chậu đựng việc ác, để ghi nhớ việc ác mà gia chủ làm; một chậu đựng việc thiện, để ghi nhớ việc thiện mà gia chủ làm. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo thần đem kết quả điều tra được trong một năm báo cáo với Ngọc Hoàng Đại Đế. Nhân đó, vào ngày này các nhà đều đưa tiễn Táo thần, không nhà nào là không hi vọng Táo thần tâu những lời tốt đẹp, bớt tâu những lời không hay. Cho nên câu đối cho Táo thần đa phần là:
Thướng thiên ngôn hảo sự
Hồi cung giáng cát tường
上天言好事
回宫降吉祥
(Lên trời tâu việc tốt
Về cung ban cát tường)
          Khi tế Táo, thực phẩm dâng cúng chủ yếu là, có liên quan tới đông đường 东糖, nam đường 南糖, đường qua 糖瓜, hợp xưng là “Táo đường” 灶糖. Sở dĩ dùng đường đại để một là dùng ngọt, hai là lấy dính, ăn đường, miệng dính lại, có thể bớt nói, nhân đó khi tế Táo thường lấy đường bôi lên miệng Táo thần, hoặc lấy một cục đường bỏ vào miệng Táo thần. Ngoài đường ra, còn có bánh cùng trà, cỏ, đậu. Bánh là lương khô cho Táo thần dùng trên đường đi, trà cung cấp cho Táo thần nhuận khẩu, cỏ để Táo thần lót ngồi, còn đậu làm thức ăn cho gà mà Táo thần nuôi, ngoài ra còn chuẩn bị hương đèn v.v... Lúc tế do gia chủ quỳ bái, chỉ có đàn ông, đàn bà không được, nên có câu:
Nam bất bái nguyệt, nữ bất tế Táo
男不拜月, 女不祭灶
(Nam không cúng trăng, nữ không cúng táo)
          Sau khi tế xong, lấy hình Táo thần đem hoá. Đó chỉ là tiễn Táo thần, ngoài ra còn nghinh tiếp Táo thần vào canh 5 ngày mồng 1 tháng Giêng. Lúc nghinh tiếp rất đơn giản, nhìn chung là vào buổi trưa ngày 30, dán hình Táo thần mới, hai bên có câu đối, tối 30 thắp đèn hương, tân Táo ông Táo bà nét mặt hân hoan tiếp nhận lễ bái của gia chủ là được, cho nên cũng có câu đối:
Nhị thập tam nhật khứ
Sơ nhất ngũ canh hồi
二十三日去
初一五更回
(Ngày 23 đi
Canh 5 ngày mồng 1 về)
          Tục tế Táo có nguồn gốc từ rất lâu. Theo Phạm Văn Lan 范文澜 trong Trung Quốc thông sử 中国通史: Táo thần từ thời Chu đã có, tập tục tế Táo có lẽ cũng bắt đầu từ thời Chu:
          Khổng Tử tôn Thiên tín mệnh viễn quỷ thần, thiên tử đắc tế thiên, thứ nhân chỉ hứa tế Hộ thần hoặc Táo thần.
          孔子尊天信命远鬼神, 天子得祭天, 庶人只许祭户神或灶神
          (Khổng Tử tôn Thiên tin vào mệnh, xa quỷ thần, thiên tử được tế Thiên, thứ nhân chỉ được tế Hộ thần hoặc Táo thần)
          (Phạm Văn Lan 范文澜 trong Trung Quốc thông sử 中国通史, sách 1 trang 182)
          Trong Luận ngữ 论语 cũng có câu:
Dữ kì mị vu Áo, ninh mị vu Táo
与其媚于奥, 宁媚于灶
(Nịnh thần Áo, thà nịnh thần Táo còn hơn)
          (Áo là vị thần ở góc tây nam trong nhà – ND)
          Có thể thấy, trong hoạt động tế Táo lúc ban đầu của nhân loại, đã có mục đích công lợi rõ ràng. Tế Táo sớm nhất không phải ở tháng Chạp, mà là vào khoảng tháng 4 âm lịch. Trong Bão Phác Tử 抱朴子 có ghi:
Mạnh Hạ khả dĩ tự Táo
孟夏可以祀灶
(Tháng Mạnh Hạ có thể cúng Táo thần)
Ở lời chú trong Đông Kinh mộng hoa lục 东京梦华录 dẫn lời trong Thổ phong lục (nhất) 土风录 () của Cố Trương Tư 顾张思:
Lục nguyệt tứ nguyệt cập nhị thập tứ, gia tự Táo.
六月四月及二十四, 家祀灶.
(Tháng 6 tháng 4 ngày 24, nhà nhà cúng Táo thần)
Và trong Khổng thị chính nghĩa 孔氏正义 cũng có nói:
Táo thần thường tự tại Hạ
灶神常祀在夏
(Thường cúng Táo thần vào mùa Hạ)
          Việc tế Táo thần vào mùa Hạ đổi sang mùa Đông, đại để bắt đầu từ thời Hán. Theo sự khảo chứng của các chuyên gia, văn tự ghi chép về việc tế Táo sớm nhất được thấy ở Hán thư – Âm thức truyện 汉书 - 阴识传:
          Tuyên Đế thời, Âm Tử Phương giả, chí hiếu hữu nhân ân. Lạp nhật thần xuy, nhi Táo thần hình hiện. Tử Phương tái bái thụ khánh, gia hữu hoàng dương nhân dĩ tự chi, tự thị dĩ hậu, bạo chí cự phú.
          宣帝时, 阴子方者, 至孝有仁恩. 腊日晨炊, 而灶神形见. 子方再拜受庆, 家有黄羊因以祀之, 自是已后, 暴至巨富.
          (Thời Tuyên Đế, có Âm Tử Phương chí hiếu có nhân ân. Vào sáng sớm ngày lạp thổi cơm, Táo thần hiện hình. Tử Phương bái lạy, nhà có con dê nhân đó đem tế Táo Thần, từ đó nhanh chóng trở nên giàu có.)
          Âm Tử Phương tế Táo; Táo vương thần không phụ ý tốt của Âm Tử Phương, tặng cho trái đào thì báo lại quả lí, Táo thần đã ban phúc cho nhà Âm Tử Phương. Thảo nào người đời sau hối lộ Táo thần, việc buôn bán một vốn bốn lời này ai mà không muốn làm? (còn tiếp)

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 20/01/2017
                                                               Ngày 23 tháng Chạp năm Bính Thân

Nguyên tác Trung văn
TẾ TÁO
祭灶
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
Previous Post Next Post