NGUYÊN NHÂN HƯNG THỊNH CỦA TỐNG TỪ
(kì 3)
Dưới hoàn cảnh chính trị tập
quyền quân chủ, sự yêu ghét của vua chúa đối với sự phát triển của văn học
đương nhiên có ảnh hưởng quan trọng. Các vua đời Hán yêu thích phú, các vua đời
Đường yêu thích thơ đã tạo ra ảnh hưởng đối với văn học lúc bấy giờ như thế
nào, chúng ta đều đã rõ. Từ đến đời Tống trở thành thể văn rất được lưu hành,
vì thế các vua chúa quý tộc lúc bấy giờ cũng rất hâm mộ, có người giỏi về âm luật,
tự chế ra những thiên mới, có người đề xuất tưởng thưởng cất nhắc từ nhân. Cho
nên sĩ tử lấy đó mà thăng tiến, gian nịnh lấy đó mà xu phụ. Dưới sự quyến dụ của
danh lợi, tự nhiên trên nêu dưới thuận, tác giả ngày càng nhiều, tạo thành trạng
huống phát triển phổ biến của Tống từ. Như:
Chân Tông, Nhân Tông, Thần
Tông ba vị vua này đều hiểu về thanh luật, từ của Huy Tông lại càng vượt trội,
còn truyền lại hơn 10 thiên, thật không hổ thẹn. Còn như Hàn Chẩn khi đi sứ Tây
Hạ phương bắc, nhân buổi tiệc chia tay làm bài ‘Phụng tiêu ngâm’, Thần Tông bỗng
phê sai quan bộ binh cho dọn nhà theo tiễn,
ra khỏi biên cương, đi sứ mà được người thiếp yêu theo cùng (1), Tống
Kỳ với bài ‘Giá cô thiên’ mà Bồng Sơn không xa, được vua ban cho cung nữ (2).
Thái Đĩnh với bài ‘Hỷ thiên oanh’ mà được giữ chức vụ trọng yếu, Tô Thức với
bài ‘Thuỷ điệu ca đầu’ mà được lời khen tặng của
vua. Còn như Chu Bang Ngạn với bài ‘Lan Lăng Vương’ được trở về với chức vụ Huy
Du Các đãi chế (3), những sự việc này đều có. ….. Từ khi dời xuống
phía Nam ,
tập tục cũ vẫn lưu truyền không mất. Cao Tông có thể làm Từ, có khúc tự chế là ‘Vũ Dương hoa’, Liệu Oanh Trung trong quyển
‘Giang hành tạp lục’ đã gọi 15 chương ‘Ngư ca tử’ là có đủ thể Tao thể Nhã, tuy
chúng ở mãi chốn giang hồ, nhưng chưa có bài nào theo kịp. Lại hết lòng đề xướng,
tưởng thưởng những người giỏi từ, Khang Dữ Chi, Triệu Luân, Ngô Cư đều nhờ từ
mà nổi tiếng, được ban thưởng rất hậu. Hiếu Tông, Quang Tông, Ninh Tông tuy ít từ
lưu truyền, nhưng những bài làm lúc vui chốn sông hồ đến nay vẫn còn tiếng vang.
Từ thời Lưỡng Tống lưu truyền nhiều, đa phần do bề trên đề xướng, không phải
phong trào trong nhất thời mà có.
(Vương Dị - Từ khúc sử)
Trong
hoàn cảnh hiện thực như thế, sự thúc đẩy Tống từ phát triển quả là rất có sức mạnh.
(còn tiếp)
Chú của người
dịch
1- Diệp Mộng Đắc (叶梦得)
trong Thạch Lâm thi thoại (石林诗话) có viết rằng:
Nguyên Phong sơ, Hạ nhân lai nghị địa giới,
Hàn Thừa Bản Ngọc Nhữ xuất phân hoạch, tương hành, dữ ái thiếp Lưu thị kịch ẩm
thông tịch, thả tác từ lưu biệt. Dực nhật, hốt trúng phê binh bộ tư khiển vi
ban gia truy tống chi, sơ mạc trắc sở do, cửu chi phương tri tự nhạc phủ phát
dã.
元丰初, 夏人来议地界, 韩丞本玉汝出分画, 将行, 与爱妾刘氏剧饮通夕, 且作词留别. 翌日, 忽中批步兵司遣为搬家追送, 初莫侧所由, 久之方知自乐府发也.
(Đầu
niên hiệu Nguyên Phong, người Tây Hạ đến để thương nghị về địa giới, Hàn Thừa Bản
Ngọc Nhữ được cử đi phân định, lúc sắp lên đường, đã cùng với người thiếp yêu
là Lưu thị uống rượu suốt đêm, lại còn làm bài từ lưu biệt. Sáng hôm sau, bỗng
được vua phê sai quan bộ binh cho dọn nhà theo tiễn, mới đầu không biết nguyên
nhân (lệnh đó từ đâu mà có), về sau mới rõ là là từ nhạc phủ mà ra).
2- Tống Kì 宋祁, tự Tử Kinh 子京, từng có lần đi qua phố Phồn Đài 繁台, gặp phải mấy chiếc xe trong cung đi ra, không tránh
kịp. Bỗng có người vén màn cất tiếng gọi “Tiểu Tống”. Tử Kinh rất kinh ngạc,
quay về làm ra bài từ theo điệu Giá cô
thiên 鹧鸪天:
画毂雕鞍狭路逢
一声肠断绣帘中
身无彩凤双飞翼
心有灵犀一点通
金作屋玉为笼
车如流水马游龙
刘郎已恨蓬山远
更隔蓬山几万重
Hoạ cốc điêu an hiệp lộ phùng
Nhất thanh trường đoạn tú liêm trung
Thân vô thái phụng song phi dực
Tâm hữu linh tê nhất điểm thông
Kim tác ốc, ngọc vi lung
Xa như lưu thuỷ mã du long
Lưu Lang dĩ hận Bồn sơn viễn
Cánh cách Bồng sơn kỉ vạn trùng
Trên đường hẹp, gặp phải xe chạm trỗ lộng lẫy trong
cung
Tiếng kêu từ trong xe vọng ra nghe đứt ruột
Thân không có được đôi cánh đẹp như chim phụng
Nhưng lòng như sừng con linh tê có điểm tương thông
Lấy vàng làm nhà, lấy ngọc làm lồng
Xe nhiều như nước chảy, ngựa chạy như rồng bơi
Chàng Lưu ôm hận Bồng sơn xa cách
Từ đây đến Bồng sơn cách mấy vạn trùng
Bài từ
truyền vào trong cung, Nhân Tông biết được liền hỏi là xe thứ mấy, và ai là người
gọi tên Tiểu Tống. Có một cung nữ tâu rằng:
- Nhân trong buổi yến, khi bệ hạ triệu kiến
Hàn lâm học sĩ, tả hữu các quan đều gọi là Tiểu Tống. Lúc bấy giờ, nô tì trong xe ngẫu nhiên gọi lên một tiếng.
Vua cho
triệu Tử Kinh vào. Tử Kinh vô cùng hoảng sợ. Vua cười bảo rằng:
Bồng sơn bất viễn
蓬山不远
(Núi Bồng không xa)
Và gả người cung nữ đó cho Tử Kinh.
(Theo Bản sự từ 本事词 của Diệp Thân Hương 叶申芗
đời Thanh biên soạn.)
3- Huy Du Các 徽猷阁: tên một chức quan đời Tống, do Tống Huy Tông thiết đặt
năm Đại Quan 大观 thứ 2 (năm 1108).
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 14/01/2017
Nguyên tác Trung văn
TỐNG TỪ HƯNG THỊNH ĐÍCH NGUYÊN NHÂN
宋词兴盛的原因
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN HỌC SỬ PHÁT TRIỂN
中国文学史发展
Tác giả: Lưu Đại Kiệt 刘大杰
Thiên Tân: Bách Hoa văn nghệ xuất bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật