NGUYÊN NHÂN HƯNG THỊNH CỦA TỐNG TỪ
(kì 2)
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BẢN THÂN THỂ TỪ
Thơ từ
thời Đường trở về sau, bất luận về âm luật hình thức cho đến phong cách nội
dung đều đã đạt đến chỗ tinh hoa hoàn bị. Người đời sau tuy cố ý chế tác nhưng
cũng khó có được kĩ xảo kì lạ để tạo nên một phong cách riêng, vì thế những cố
gắng của họ chỉ là học theo người trước, những người có công lực cao thâm, ngẫu
nhiên giống nhau về hình thức cũng chỉ là theo được tàn dư, hoàn toàn không độc
lập sáng tạo, và cứ như thế, trộm theo người trước, nhiều không thể nói hết. Điều
này không phải nhất định là người đời sau tài năng không bằng người thời trước.
Nguyên nhân thực đó là:
Văn thể thông hành kí cửu, nhiễm chỉ toại
đa, tự thành tập sáo. Hào kiệt chi sĩ, diệc
nan vu kì trung tự xuất tân ý, cố độn nhi tác tha thể, dĩ tự giải thoát.
(Nhân Gian Từ Thoại)
文体通行既久, 染指遂多, 自成习套. 豪杰之士, 亦难于其中自出新意, 故遁而作他体, 以自解脱.
(人间词话)
(Thể
văn đó thông hành đã lâu, tiêm nhiễm đã nhiều, thành một tập tục trói buộc. Kẻ
sĩ hào kiệt cũng khó mà nảy sinh ý mới trong đó, cho nên né tránh tìm thể loại
khác để tự giải thoát.)
Từ ở
vào thời Tống, chính là đã kế thừa sự suy vi của thơ mà phát khởi, trở thành một
thể tài mới, nó khởi đầu từ thời Vãn Đường, Ngũ Đại và vào đến thời Tống, vừa
đúng lúc giai đoạn niên thiếu thanh xuân, vừa đúng lúc mảnh ruộng mới ở buổi đầu
khai phá. Sinh mệnh non trẻ của nó đang chờ phát triển, tiền đồ của nó còn dài
và sáng sủa. “Tiểu lệnh” 小令 (một điệu từ ngắn –
ND) vào thời Ngũ Đại đã đơm hoa kết trái, còn “từ” đang ở thời kì đầu. Nội dung
trữ tình về những nỗi oán hận tuy đã được các từ nhân Tây Thục thời Nam Đường
viết ra thành những thiên nổi tiếng, nhưng nhiều phương diện khác như tả cảnh vật,
thuyết lí đàm thiền cùng với ca vịnh điền viên, cảm thương quốc sự còn phải đợi
nhân tài khai thác sáng tạo.
Đối với
từ, thời Tống chính là một khoảng trời đất mới, người nào bước vào, chỉ cần cố
gắng thì ít nhiều đều sẽ có được thu hoạch. Bởi vì sự tiêm nhiễm không nhiều, vẫn
chưa thành một tập tục trói buộc, tác giả rất dễ dàng hiển lộ tài năng và sức
sáng tạo, luôn có được ý tưởng mới, từ cú mới và phong cách mới. Chúng ta có thể
nói rằng, hoàn cảnh này là lịch sử tính của sự phát triển bản thân thể văn,
cũng có thể nói đó là sinh vật tính của văn học. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 04/01/2017
Nguyên tác Trung văn
TỐNG TỪ HƯNG THỊNH ĐÍCH NGUYÊN NHÂN
宋词兴盛的原因
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN HỌC SỬ PHÁT TRIỂN
中国文学史发展
Tác giả: Lưu Đại Kiệt 刘大杰
Thiên Tân: Bách Hoa văn nghệ xuất bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật