Dịch thuật: Khí tráng sơn hà (thành ngữ)

KHÍ TRÁNG SƠN HÀ
气壮山河

Giải thích: ví khí phách hào hùng của ai đó giống như núi cao biển lớn, tráng quang hùng vĩ.
Xuất xứ: Tống . Lục Du 陆游: Lão Học Am bút kí 老学庵笔记 

          Triệu Đỉnh 赵鼎, đại thần Nam Tống, năm 21 tuổi đậu Tiến sĩ, được Tể tướng Ngô Mẫn 吴敏 tán thưởng, điều đến đô thành Khai Phong 开封 nhậm chức.
          Mùa đông năm 1125, nước Kim xuất binh xâm chiếm phương nam. Mùa thu năm sau công hãm Thái Nguyên 太原, Tống Khâm Tông 宋钦宗 kinh sợ, vội triệu tập văn võ đại thần thương nghị đối sách. Một số đại thần ham sống sợ chết chủ trương cắt đất dâng cho nước Kim để cầu hoà. Triệu Đỉnh nói rằng:
          - Đất đai của tổ tiên để lại, làm sao có thể vòng tay dâng cho người khác? Xin bệ hạ chớ nghĩ đến ý kiến đó!
          Khâm Tông vô cùng sợ quân Kim. Quân Kim yêu cầu đem toàn bộ đất đai từ Hoàng hà trở lên phía bắc cắt dâng cho nước Kim. Khâm Tông đáp ứng. Nhưng, quân Kim lại tiếp tục tiến xuống phía nam. Cuối năm đó, đến dưới thành Khai Phong. Khâm Tông không đợi quân Kim công phá thành đã tự thân đến doanh trại quân Kim đầu hàng. Chẳng bao lâu, thống soái quân Kim giữ Khâm Tông lại, sai bộ hạ tiến vào thành chiếm đoạt, sau đó bắt Khâm Tông và phụ thân là Huy Tông làm tù binh, đồng thời cướp một số lượng lớn vàng bạc châu báu, rồi trở về nước Kim. Vương triều Bắc Tống từ đó diệt vong.
          Em Khâm Tông là Khang Vương Triệu Cấu 赵构 tại Nam Kinh (nay là thành phố Thương Khâu 商丘 tỉnh Hà Nam 河南) kiến lập vương triều Nam Tống, sử gọi là Tống Cao Tông. Lúc đầu mới lên ngôi, dùng một số đại thần phái chủ chiến, Triệu Đỉnh cũng ở trong số đó, về sau còn giữ chức Tể tướng. Quân Kim không ngừng xâm chiếm phía nam, Cao Tông bị bức bách phải lui về Cối Kê 会稽 (nay là thành phố Thiệu Hưng 绍兴 Triết Giang 浙江). Sau, Tể tướng Tần Cối 秦桧 biết được Cao Tông chỉ muốn ở yên ở Giang Nam, không có lòng muốn đánh Kim, bèn ra sức khuyên Cao Tông cùng với quân Kim giảng hoà. Đương nhiên Triệu Đỉnh phản đối. Thế là, Tần Cối thường nói xấu Triệu Đỉnh trước mặt Cao Tông. Cuối cùng Cao Tông biếm Triệu Đỉnh ra vùng ngoài làm quan.
          Triệu Đỉnh tại Chu Nhai 朱崖 3 năm, cuộc sống vô cùng khốn khó. Tần Cối biết được, cho rằng Triệu Đỉnh không thể sống được lâu dài, liền dặn quan địa phương mỗi tháng đều trình báo tình hình Triệu Đỉnh sống hay chết.
          Năm Triệu Đỉnh 62 tuổi, lâm trọng bệnh. Trước lúc mất, Triệu Đỉnh bi phẫn nói với các con:
          - Tần Cối không thể không mong cha chết. Cha không chết, hắn  có thể sẽ hạ độc thủ các con. Cha chết , mới có thể không xảy ra liên luỵ với các con.
          Nói xong, Triệu Đỉnh bảo con mang đến một lá minh tinh (một tấm lụa dài dựng trước linh cửu ghi rõ tên tuổi cùng quan hàm của người mất), bên trên viết hàng chữ:
Thân kị Cơ Vĩ quy thiên thượng, khí tác sơn hà tráng bản triều
身骑箕尾归天上, 气作山河壮本朝
Ý nghĩa là: Thân ta cưỡi sao Cơ sao Vĩ về trời, khí khái của ta như núi cao biển lớn hùng tráng, luôn tồn tại với bản triều.
          Mấy ngày sau, Triệu Đỉnh vì nhịn ăn mà chết.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 11/01/2017

Nguyên tác Trung văn
KHÍ TRÁNG SƠN HÀ
气壮山河
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post