Dịch thuật: Hội hoạ Trung Quốc với văn hoá truyền thống



HỘI HOẠ TRUNG QUỐC VỚI VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG

          Hội hoạ Trung Quốc, gọi tắt là “quốc hoạ” là loại hội hoạ có truyền thống tốt đẹp và lịch sử lâu dài, tự tạo thành một hệ thống độc lập trong lĩnh vực mĩ thuật thế giới. Quốc hoạ dùng bút lông, mực và nhan liệu Trung Quốc, vẽ trên giấy Tuyên được chế tạo đặc biệt hoặc lụa, được phân thành các mảng như nhân vật, sơn thuỷ, hoa điểu. Về kĩ pháp lại phân thành hai loại lớn là công bút và tả ý. Hình thức bức hoạ có nhiều loại như: bích hoạ, tranh trên bình phong, tranh trục cuốn, trang trên sách, tranh trên quạt. Ngoài ra còn có công nghệ hồ giấy, bồi giấy đặc biệt.
          Quốc hoạ so với Tây dương hoạ, có hình thức dân tộc và nét đặc sắc nghệ thuật rõ ràng. Phép tắc mĩ học biểu hiện vật tượng truyền thống là:
Ngoại sư tạo hoá, trung đắc tâm nguyên
外师造化, 中得心源
(Bên ngoài học theo tạo hoá, bên trong thấu được cõi lòng)
Phương pháp áp dụng là:
Mục thức tâm kí, dĩ hình tả thần
目识心记, 以形写神
(Mắt nhận biết tâm ghi nhớ, dùng hình để tả thần)
          Đối với đối tượng miêu tả, trải qua sự quan sát tinh tế của tác giả, từ phương diện kết cấu hình thể, tìm ra cách thức của nó, sau đó dùng cách “mặc tả” 默写 để biểu đạt chủ đề. Không phải miêu tả thuần khách quan đối với vật tượng, mà là dung hợp làm một vật tượng khách quan với tư duy nghệ thuật của tác giả, tức tư duy của tác giả thâm nhập vào đối tượng mà mình miêu tả, đem hình tượng tự nhiên biến thành “hình tượng nghệ thuật”, cũng chính là đem tình cảm trao cho đối tượng, thẩm thấu khí chất và phẩm cách của tác giả, để dạt đến cảnh giới tối cao “lấy hình tả thần”, “hình và thần có đủ”. Bề mặt bức hoạ của quốc hoạ không phải là đem mọi thứ vẽ ra, mà là lưu lại khoảng không gian để người thưởng thức triển khai đôi cánh tưởng tượng. Cấu đồ của quốc hoạ không đem “điểm nhìn” cố định tại một vị trí, mà là hoạ gia áp dụng thủ pháp biểu hiện “di động thấu thị” 移动透视 để xử lí cấu đồ, các hoạ luận gia cận đại gọi đó là “tán điểm thấu thị” 散点透视, cũng có người gọi là “bất định điểm thấu thị” 不定点透视, “vận động thấu thị” 运动透视 hoặc “dĩ đại quan tiểu” 以大观小. Tác giả sơn thuỷ hoạ thường từ đỉnh núi cao, giòng nước cuồn cuộn, đường núi khúc khuỷu, rừng cây xanh mướt, nóc nhà san sát, người đang hoạt động, tổ chức lại trên một bức hoạ, khiến người xem thấy được nhiều, thấy được đầy đủ, thấy được xa, thấy được chi tiết, đồng thời sự liên tưởng cũng bay cao. Một đoạn cầu trong bức “Thanh Minh thượng hà đồ” 清明上河图, vừa vẽ trên cầu, lại vẽ dưới cầu, vừa vẽ trong nhà, lại vẽ ngoài nhà, biểu hiện nội dung cực kì phong phú, Đây là vận dụng cấu đồ pháp “di động thấu thị”. Áp dụng phương pháp này, không phải là theo chủ nghĩa tự nhiên, mà là vận dụng đôi mắt “nghệ thuật”, lợi dụng tự nhiên, chi phối tự nhiên, phát huy hiệu quả nghệ thuật. Dùng tạo hình đường nét là cách biểu hiện trọng yếu của kĩ pháp quốc hoạ. Hoạ gia dùng đường nét thanh thoát, sắc bén đa biến, sau đó dùng thủ pháp tô những nét mực đậm nhạt để biểu hiện tình cảm cùng độ sáng tối của vật thể, có sức biểu hiện cao độ. Các tác giả hoạ luận thời cổ đem bút pháp miêu tả nhân vật hoạ khác nhau tổng kết thành “thập bát miêu” 十八描. Các hoạ khác như sơn thuỷ, hoa điểu, vân hoả, trúc cúc, mai lan v.v.. cũng áp dụng những đường nét vẽ khác nhau. Hoạ gia thời Nam Tống, Mã Viễn 马远 dùng nét vẽ khác nhau tạo ra hơn 20 hoa văn sóng nước trong những hoàn cảnh và khí hậu khác nhau, như “vi phong dạng ba” 微风漾波, “kinh đào hãi lãng” 惊涛骇浪, “xuân đàm phát triết” 春潭发蜇, “đại giang du du” 大江悠悠v.v... Có thể thấy sức biểu hiện dùng đường nét miêu tả vật tượng là vô cùng phong phú. Quốc hoạ và thư pháp cùng nguồn nhưng khác giòng, lấy hiện nay mà luận, quốc hoạ và thư pháp trước sau sử dụng công cụ đồng nhất, toàn bộ đường nét trong quốc hoạ cũng đều là sự biến hoá điểm tuyến của thư pháp, “tự cổ hoạ pháp thông thư pháp” 自古画法通书法, cả hai tuy hình thức nghệ thuật khác nhau, nhưng về mặt đạt ý trữ tình đều có liên quan mật thiết đến dụng bút cốt pháp và vận dụng đường nét, nhân đó, quốc hoạ cùng thư pháp, triện khắc ảnh hưởng qua lại, hình thành nét đặc trưng nghệ thuật.
          Hội hoạ là một bộ phận tổ thành không thể thiếu trong lịch sử văn hoá. Cuộc sống văn hoá của con người không thể xa rời hội hoạ. Phòng ốc chạm rường vẽ cột, bài trí ngũ quang thập sắc, phục trang tươi đẹp lộng lẫy, hình ảnh minh hoạ trong thư tịch đa dạng phong phú, tóm lại, y thực trú hành của con người đều không thể xa rời hội hoạ. Hội hoạ mĩ hoá cuộc sống nhân loại, cũng mĩ hoá bản thân con người. Trong một đất nước cổ xưa với một nền văn hoá phong phú như Trung Quốc, tác phẩm hội hoạ mà tổ tiên người Trung Quốc lưu truyền lại chất cao như núi, sử tịch về hội hoạ cũng vô cùng nhiều, đó cùng với quan niệm văn hoá như nhau, là di sản văn hoá truyền thống hữu hình có thể thấy được.
          Hội hoạ Trung Quốc có lịch sử lâu đời. Từ xa trước khi văn tự hình thành đã có sự manh nha của hội hoạ. Văn hoá thời kì trước khi có sử cùng với cả một lịch sử xán lạn của văn hoá Trung Quốc đều có mối tương quan với nghệ thuật hội hoạ. Từ những bức hoạ của các chuyên gia chuyên về hội hoạ hoặc của các hoạ công mà nói, nhân vật hoạ từ cuối thời Chu đến thời Hán Nguỵ, Lục Triều đã dần thành thục. Sơn thuỷ, hoa điểu đến thời Tuỳ Đường đã hình một chuyên ngành độc lập. Thời Ngũ Đại, Lưỡng Tống xuất nhiều nhiều lưu phái, thuỷ mặc hoạ thịnh hành, sơn thuỷ hoạ trở thành một ngành lớn. Văn nhân hoạ hưng khởi từ thời Đường, đến thời Tống đã có sự phát triển và đến thời Nguyên thì thịnh, hoạ phong hướng đến tả ý; thời Minh Thanh và Cận đại cũng liên tục phát triển, ngày càng chú trọng đạt ý sướng thần. Vào thời kì Nguỵ Tấn, Nam Bắc Triều, Đường và Minh Thanh, trước sau chịu ảnh hưởng nghệ thuật hội hoạ Phật giáo và nghệ thuật phương Tây.
          Từ những điều trình bày ở trên, có thể thấy, lịch sử phát triển hội hoạ Trung Quốc là một trong những nội dung trọng yếu của lịch sử văn hoá Trung Quốc, không hiểu về hội hoạ Trung Quốc, sẽ không thể nhận thức toàn diện văn hoá truyền thống ưu tú của Trung Quốc.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 02/01/2017

Nguồn
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Previous Post Next Post