ÁO BÀO HOÀNG ĐẾ CÓ NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀ MÀU
VÀNG
Năm
960, khi Triệu Khuông Dận 赵匡胤 đem binh đến Trần
Kiều 陈桥, một số tướng lĩnh thủ hạ của ông dẫn một số sĩ binh
xông thẳng vào tẩm thất. Triệu Khuông Dận khủng hoảng vừa mới mặc xong y phục,
chưa kịp phản ứng, các tướng lĩnh đã ép Triệu Khuông Dận cởi ra, đồng thời lấy
hoàng bào khoác lên người ông. Tiếp đó, mọi người quỳ xuống tung hô vạn tuế.
Đó
chính là điển cố “hoàng bào gia thân” 黄袍加身 nhân binh biến ở
Trần Kiều của Tống Thái Tổ. Từ đó về sau, hoàng đế mặc “hoàng bào” được quảng đại
quần chúng biết đến.
Thế
thì, “hoàng bào” có phải là loại chuyên dụng của hoàng đế? Có phải là chỉ có
hoàng đế mới được mặc y phục màu vàng?
Kì thực,
trước thời Đường Tống, quân vương, hoàng hậu đối với việc mặc bào phục màu gì,
không hề có quy định rõ ràng. Thời Tây Chu, Đông Chu ,
căn cứ Lễ Kí – Nguyệt lệnh 礼记 - 月令 có nói, thiên tử “trước thanh y” 著青衣. Thời Xuân Thu, các chư hầu phân tranh, bào phục của
các quốc quân cũng đa dạng đủ kiểu. Đến triều Tần, do bởi thịnh hành thuyết ngũ
hành, vương triều Tần chuộng “thuỷ” đức, cho màu đen là tôn quý, cho nên, Tần
Thuỷ Hoàng mặc bào phục màu đen. Còn thời Tấn, do bởi chuộng “kim” đức, cho màu
đỏ là tôn quý, cho nên, bào phục của hoàng đế đời Tấn dùng màu đỏ.
Trung
Quốc cổ đại, phục sức màu vàng lưu hành tương đối phổ biến, ai cũng có thể mặc,
chỉ đến thời Tuỳ Đường, do bởi cho màu vàng là tôn quý, “hoàng bào” mới trở
thành y phục chuyên dụng của đế vương. Nhất là vào triều Đường, hoàng đế không
muốn bản thân mình và dân thường mặc y phục màu vàng giống nhau, nên đã ban bố
mệnh lệnh “sĩ thứ không được dùng màu đỏ màu vàng may y phục”. Trong Dã Khách Tùng Thư – Cấm dụng hoàng 野客丛书 - 禁用黄 có chép:
Đầu niên hiệu Vũ Đức 武德 đời Đường Cao Tổ, theo quy chế triều Tuỳ, thường phục
của thiên tử màu vàng, cấm sĩ thứ không được mặc. Y phục sắc vàng được cấm bắt
đầu từ đó.
Thời Đường
Cao Tông lại nhắc lại: “nhất thiết không cho phép mặc màu vàng”. Nhưng quy định
lúc bấy giờ chưa nghiêm khắc lắm, nhìn chung bách tính mặc y phục màu vàng vẫn
còn tương đối nhiều.
Đến thời
Bắc Tống, sau khi Triệu Khuông Dận lên ngôi, “hoàng bào” chính thức trở thành
tượng trưng cho hoàng quyền. Thời Tống Nhân Tông còn quy định: nhân sĩ mặc y phục,
không được lấy màu vàng làm nền hoặc phối chế hoa văn. Từ đó, không chỉ “hoàng
bào” là độc quyền của hoàng đế, mà ngay cả màu vàng cũng trở thành màu chuyên dụng
của hoàng đế.
Lai lịch
long bào
Thời
thượng cổ, rồng là loại động vật thần dị trong mắt mọi người, mang tính bình
dân. Đến thời Đường Tống, lợi dụng tâm lí sùng bái rồng của mọi người, giai cấp thống trị không những tự cho mình là
long chủng, còn lũng đoạn quyền sử dụng hình tượng rồng, nghiêm cấm dân gian sử
dụng đồ án rồng, thậm chí còn nghiêm cấm bách tính đề cập chữ “long”. Đến thời
Minh, rồng trở thành biểu trưng độc quyền của đế vương, chính thức hình thành
chế độ lễ nghi trên phục trang của hoàng đế thêu hoa văn hình rồng. Cho nên, y
phục của hoàng đế gọi là “long bào” 龙袍.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 16/01/2017
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật