NGUYÊN NHÂN HƯNG THỊNH CỦA TỐNG TỪ
(kì 1)
(kì 1)
Từ 词 là linh hồn của văn học thời Tống. Nó kế thừa thời vận
đang lên của thể từ thời Vãn Đường, Ngũ Đại. Trong ba trăm năm, trải qua những
nỗ lực sáng tác của nhiều tác gia thiên tài, phát dương quang đại, đã tạo nên
thành tích xán lạn rực rỡ. Trong lịch sử thi ca Trung Quốc, từ đã thay thế địa
vị của thơ cũ, trở thành tác phẩm đại biểu trong khu rừng văn học mấy trăm năm ấy.
Do bởi quan niệm văn học chính thống, trong mắt của tầng lớp tri thức thời quá
khứ, so với thơ, họ càng xem nhẹ từ. Thử nhìn lại Tứ Khố Toàn Thư 四库全书 thu thập rất ít từ, có thể nhìn thấy được nhãn quan
xem nhẹ từ của họ. Chu Di Tôn 朱彝尊 đã nói rằng:
Đường Tống nhân từ, mỗi biệt vi nhất thiên,
bất nhập tập trung, cố tán thất tối dị
(Từ tông – Phát phàm)
唐宋人词, 每别为一篇, 不入集中, 故散失最易.
(词综 - 发凡)
(Từ của
những người thời Đường thời Tống, mỗi bài riêng biệt một thiên, không đưa chung
vào tập, cho nên rất dễ bị thất lạc)
Ở điểm
này có thể biết các tác gia lúc bấy giờ đã tự nhận thấy địa vị của từ thấp hơn
văn chương và thơ. Quan niệm này, tuy không trở ngại gì đến việc phát triển và
hưng thịnh của từ, nhưng đối với việc lưu truyền và bảo tồn tác phẩm lại có ảnh
hưởng rất lớn. Vì thế Tống từ tuy hưng thịnh một thời, trên đến vua chúa, quý tộc,
học sĩ đại phu, dưới đến tăng ni, kĩ nữ, kể cả dân thường, đều có tác phẩm để lại,
nhưng kiểm tra những tác phẩm hiện tồn, có không ít là do những người yêu thích
từ cuối đời Thanh sưu tập. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng sự thất lạc Tống từ
trong quá khứ nhất định là không ít.
Nhìn từ
những bộ sưu tập như: Tống lục thập nhất
gia từ 宋六十一家词 do Cấp Cổ Các 汲古阁
san khắc; Danh gia từ 名家词 do Hầu Văn Xán
侯文灿 hợp khắc; Tứ Ấn
Trai hối khắc từ 四印斋汇刻词 của Vương Bằng Vận 王鹏运;
Linh Kiêm Các danh gia từ 灵鹣阁名家词 của Giang
Tiêu 江标; Song Chiếu Lâu
hối khắc 双照楼汇刻 của Ngô Xương Thụ 吴昌绶;
Cương thôn tùng thư 彊村丛书 của Chu Tổ
Mưu 朱祖谋; cho đến các tập của những người gần đây như: Hiệu tập Tống Kim Nguyên nhân từ 校辑宋金元人词 của Triệu
Vạn Lí 赵万里; Bắc Tống tam
gia từ 北宋三家词 của Dị Đại Quảng 易大广
... bỏ đi những chỗ trùng lặp, còn được trên dưới 250 từ gia. Tuy trong số đó,
có người có 35 bài, thậm chí có người chỉ có 1 bài, nhưng từ đó có thể thấy được
sự hưng thịnh của Tống từ lúc bấy giờ. Còn như những tác phẩm vô danh, tản mác
trong bút kí của các nhà hoặc trong các sách vở về từ lại càng nhiều. Trong Nhạc phủ nhã từ 乐府雅词 của Tăng Tháo
曾慥, tác phẩm vô danh có hơn 100 bài, những tác phẩm này
đều được chọn lựa qua nhãn quan của người sưu tập, giá trị nghệ thuật của chúng
không thể so với những tác phẩm của các học sĩ đại phu, đồng thời tác phẩm bị
nhà sưu tập đào thải nhất định cũng nhiều. Trong sách này còn có một số bài từ có tên tác giả, nhưng những tác giả này đa
phần đều là những người bình thường, chưa từng nghe truyền tụng, hoặc 1 bài, hoặc
2 bài được bảo tồn ở đây, chúng là những tác phẩm của giai cấp bình dân. Vì thế
có thể thấy rằng, Tống từ phát triển và lưu hành phổ biến, trên lên đến cung
đình, dưới xuống đến xóm thôn, một mặt nó là tác phẩm vui chơi của vua quan quý
tộc, là tác phẩm nghệ thuật của văn sĩ thi nhân, mặt khác nó lại là những ca
khúc của kĩ nữ chốn xướng lâu, là ca dao nhạc phủ nơi đồng nội. Tống từ có thể
phát triển và phổ biến được như thế là do nhiều nguyên nhân phức tạp, đại khái
có mấy nguyên nhân lớn như sau:
- Sự phát triển của bản thân thể từ
- Sự đề xướng của vua chúa
- Công năng thực dụng của từ
- Ảnh hưởng ngược của Đạo học
(còn tiếp)
(còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 13/12/2016
Nguyên tác Trung văn
TỐNG TỪ HƯNG THỊNH ĐÍCH NGUYÊN NHÂN
宋词兴盛的原因
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN HỌC SỬ PHÁT TRIỂN
中国文学史发展
Tác giả: Lưu Đại Kiệt 刘大杰
Thiên Tân: Bách Hoa văn nghệ xuất bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật