Dịch thuật: Cách giang do xướng "Hậu Đình Hoa"



CÁCH GIANG DO XƯỚNG “HẬU ĐÌNH HOA”

煙籠寒水月籠沙
夜泊秦淮近酒家
商女不知亡國恨
隔江猶唱後庭花
                             (杜牧 - 泊秦淮)

Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ (1) bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu đình hoa
                                                                   (Đỗ Mục – Bạc Tần Hoài)

Sương mù lan toả trên mặt sông, ánh trăng phủ tràn lên bãi cát
Đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài cạnh quán rượu
Ca nữ không biết đến mối hận vong quốc
Cách sông còn hát khúc “Hậu Đình Hoa”
                                                (Đỗ Mục – Đậu thuyền ở bến Tần Hoài)

          Tác giả ghé đậu thuyền ở bến Tần Hoài, đêm đêm nghe tiếng sênh tiếng hát, ca nữ không biết đến việc mất nước, vẫn cứ cất lên tiếng ca ai oán buồn thương, nhân đó mà vô cùng cảm khái. Gọi là khúc “Hậu Đình Hoa”, tức chỉ khúc Ngọc Thụ Hậu Đình Hoa 玉樹後庭花 được phổ bởi Nam Trần Hậu Chủ Trần Thúc Bảo 陳叔寶, đây là tác phẩm âm nhạc uỷ mị đại biểu ở trong cung.
          Nam Trần Hậu Chủ Trần Thúc Bảo là con trưởng của Trần Tuyên Đế Trần Húc 陳頊. Sau khi Tuyên Đế mất, người con thứ 3 là Thuỷ Hưng Vương Trần Thúc Lăng 始興王陳叔陵 thừa thế làm phản, may nhờ Tuyên Đế Liễu Hoàng hậu liều mình bảo vệ, thái tử Trần Thúc Bảo mới được kế vị. Sau khi lên ngôi, Trần Thúc Bảo phong người vợ từng kết tóc với mình là Thẩm thị 沈氏 làm hoàng hậu. Nhưng tính tình hoàng hậu họ Thẩm văn nhã đoan chính, khác với Hậu Chủ háo thanh háo sắc, vì thế mà bị ruồng bỏ. Quý phi Trương Lệ Hoa 張麗華 nhờ sắc đẹp khuynh thành, lại giỏi đoán được lòng người nên được sủng ái nhất ở chốn hậu cung.
          Trương Lệ Hoa xuất thân nghèo khổ, lên 10 tuổi đã theo hầu Đông cung Cung Quý tần 龔貴嬪. Theo truyền thuyết, Trương Lệ Hoa “tóc dài 7 thước, đen như mực”, dung mạo xinh đẹp, lại biết nhiều hiểu rộng, giỏi đoán được tâm tư của hoàng đế, khiến đương thời Trần Thúc Bảo vẫn còn là thái tử bắt gặp Trương Lệ Hoa trong cung Cung Quý tần, trong phút chốc động lòng, về sau nạp làm thiếp. Chẳng bao lâu, Trương Lệ Hoa mang thai, sinh cho Trần Thúc Bảo người con trai tên Trần Thâm 陳深, nhân đó lại càng được sủng ái. Khi loạn Thúc Lăng, Thúc Bảo vì bị thương nên nghỉ dưỡng trong cung, không cho phi tần vào hầu hạ, ngay cả hoàng hậu họ Thẩm cũng chỉ sống một mình trong điện Cầu Hiền 求賢, nhưng lại giữ Trương Lệ Hoa bên cạnh, có thể thấy, địa vị của Trương Lệ Hoa ở trong cung. Về sau, Thúc Bảo phong Trương Lệ Hoa làm Quý phi, địa vị chỉ sau Thẩm Hoàng hậu, nhưng địa vị sủng ái rất cao. Đương thời, trong cung có 3 toà lầu: Lâm Xuân Các 臨春閣, Vọng Tiên Các 望仙閣, Kết Ỷ Các 結綺閣, Hậu Chủ ở tại Hiển Lâm Các, Trương Quý phi ở tại Kết Ỷ Các, còn 2 tần họ Cung và họ Khổng thì ở Vọng Tiên Các. Ba toà lầu này tương thông bằng chiếc cầu. Hậu Chủ cùng người đẹp ở trong lầu, không ngó ngàng gì đến triều chính, gác bỏ ngoài tai sự uy hiếp của triều Tuỳ phương bắc.
          Hậu Chủ chìm đắm trong rượu và ca nhạc, từng phổ khúc Ngọc Thụ Hậu Đình Hoa 玉樹後庭花, Lâm Xuân Lạc 臨春樂  cho ca nữ nơi hậu cung tập hát, để biểu diễn trong những lúc vui chơi yến tiệc, mỗi lần như thế đều có người đẹp hậu cung hầu rượu. Hậu Chủ vui chơi như thế, khi tiếp kiến đại thần, đều cho Trương Quý phi ngồi trong lòng, có chính sách gì đều cùng Trương Quý phi thương lượng mới hạ chiếu thi hành, vì thế các đại thần có yêu cầu gì đều tấp nập xin vài lời của Trương Quý phi, đại đa số đều thuận lợi. Cả triều trên dưới, quan hoạn câu kết với nhau, thế nước suy vi của Nam Trần có thể thấy được. Khiến cho triều Tuỳ đại trị ở phương bắc rục rịch chuẩn bị, khi thời cơ đến, liền cử binh xuống phía nam. Năm Trinh Minh 禎明 thứ 2 (năm 588), Tuỳ Văn Đế Dương Kiên 楊堅 sai Tấn Vương Dương Quảng 楊廣 đem quân phạt Trần. Do bởi nịnh thần che dấu, Hậu Chủ cho rằng đô thành Kiến Khang 建康 vững chắc, không thể phá vỡ, vì thế coi thường quân Tuỳ. Năm sau quân Tuỳ bao vây Kiến Khang, Hậu Chủ mới biết rõ đại thế đã mất. Kết quả dưới sự bao vây trùng trùng của 6 lộ quân Tuỳ, thành Kiến Khang bị vỡ. Khi quân Tuỳ tiến vào trong cung, không tìm thấy Hậu Chủ. Sau, dưới sự chỉ dẫn của một cung nhân đầu hàng, phát hiện Trần Hậu Chủ, đang ôm chặt Trương Quý phi cùng Khổng Quý tần dưới một chiếc giếng khô. Kết quả, Trần Hậu Chủ bị áp giải về Trường An 長安, suốt đời bị giam cầm. Tấn Vương Dương Quảng vốn muốn chiếm lấy Trương Quý phi, nhưng Cao Quýnh 高熲 của quân Tuỳ cho rằng không nên giữ lại cô gái gây hoạ cho đất nước, cuối cùng Trương Lệ Hoa bị chém ở cầu Thanh Khê Trung 清溪中.
          Riêng Thẩm Hoàng hậu đạm bạc với danh lợi bị Dương Quảng sau khi lên ngôi là Tuỳ Dượng Đế 隋煬帝 tán thưởng, mỗi khi Dượng Đế ra ngoài tuần hành đều để bà theo cùng để làm thơ phú. Khi Dượng Đế bị giết chết, triều Tuỳ diệt vong, Thẩm thị xuất gia làm ni cô. Bà bị bệnh và mất khoảng thời Trinh Quán 貞觀.

Chú của người dịch
1- Thương nữ 商女:  “thương nữ” có nguồn gốc từ “thu nữ” 秋女, “thu nương” 秋娘. Thu nữ, thu nương là cách gọi ca kĩ của người thời Đường. Người xưa đem ngũ âm (cung , thương , giốc , chuỷ , vũ ) phối hợp với bốn mùa. Nhân vì âm “thương” thê thiết, tương ứng với khí xơ xác tiêu điều của mùa thu, cho nên lấy “thương” phối với thu. Vì vậy, “thương nữ” chính là tên gọi khác của ca kĩ.
          Nguồn http://zh.wikipedia.org/zh-hant/

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 17/12/2016

Previous Post Next Post