Dịch thuật: Xả vật xử nghi, ân bất đồ báo



舍勿处疑, 恩不图报
舍己毋处其疑, 处其疑, 即所舍之志多愧矣; 施人毋责其报, 责其报, 并所施之心俱非矣.
                                                                    (菜根谭 - 立德修身)

XẢ VẬT XỬ NGHI, ÂN BẤT ĐỒ BÁO
          Xả kỉ vô xử kì nghi, xử kì nghi, tức sở xả chi chí đa quý hĩ; thi nhân vô trách kì báo, trách kì báo, tịnh sở thi chi tâm câu phi hĩ.
                                                                (Thái căn đàm – Lập đức tu thân)

XẢ THÂN CỨU GIÚP CHỚ TÍNH TOÁN
LÀM ƠN CHO NGƯỜI CHỚ MONG BÁO ĐÁP
          Đã muốn xả thân cứu giúp người khác, thì không nên quá tính toán được mất mà do dự không quyết, quá tính toán được mất thì chí tiết tự ngã xả thân sẽ khoác lên sự sỉ nhục; đã muốn làm ơn cho ai đó, thì chớ có mong được báo đáp lại, mong được báo đáp lại thì tấm lòng thiện lương ưa làm điều thiện sẽ mất đi giá trị.

Giải thích và phân tích
          Tín Lăng Quân 信陵君 giết Tấn Bỉ 晋鄙 cứu thành Hàm Đan 邯郸, phá quân Tần, bảo vệ nước Triệu. Triệu Hiếu Thành Vương 赵孝成王chuẩn bị đích thân đến ngoại thành nghinh tiếp. Đường Thư 唐雎 nói với Tín Lăng Quân rằng:
          - Tôi nghe nói, với sự việc có việc không thể để người khác biết, có việc không thể không biết; có việc không thể quên đi, có việc không thể không quên.
          Tín Lăng Quân hỏi rằng:
          - Lời ông nói có ý gì?
          Đường Thư đáp rằng:
          - Người khác hận ghét ta, ta không thể không biết, ta ghét hận người khác lại không muốn cho họ biết. Người khác có ân đức với ta, ta không thể quên được; ta có ân đức với người khác, ta không thể không quên đi. Như nay ngài giết Tấn Bỉ, cứu Hàm Đan, phá quân Tần, bảo vệ nước Triệu, điều này đối với Triệu Vương là ân đức rất lớn, hiện Triệu Vương đích thân ra ngoại thành nghinh tiếp ngài, chúng ta vội vàng bái kiến Triệu Vương, tôi hi vọng ngài có thể quên đi việc cứu Triệu.
          Tín Lăng Quân bảo rằng:
          - Tôi xin tuân theo lời chỉ bảo của ông.
          Tín Lăng Quân giết Tấn Bỉ, bảo vệ nước Triệu là loại “thi nhân” 施人  (làm ơn cho ai đó), tiếp nhận sự đãi ngộ hậu hĩ của Triệu Hiếu Thành Vương cũng là một việc đương nhiên, nhưng Đường Thư lại bảo Tín Lăng Quân quên đi việc cứu Triệu. Nhìn từ bề ngoài, kiến nghị của Đường Thư không phải là không bảo Tín Lăng Quân bỏ đi sự báo đáp đáng được có, mà thực là dạy ông triết học xử thế cao minh – quên đi công lao.
          “Xả kỉ” “thi nhân” đều là mĩ đức hiến dâng. Loại mĩ đức này, không chỉ có thể cấp cho người phương tiện, mà còn có thể khiến chúng ta có được hạnh phúc và sự thoả mãn tâm linh khi dâng hiến. Nhưng dâng hiến nếu như mong có được sự báo đáp thì không chỉ ánh sáng của mĩ đức sẽ trở nên u ám, mà bản thân sự dâng hiến cũng trở thành loại gặp dịp ra tay, mưu cầu hư vinh và lợi ích. Cho nên khi chúng ta cứu giúp người khác, đầu tiên là phải học cách quên đi công lao của mình, mới không làm mĩ đức biến chất.
          Thế sự biến đổi, nhân sinh khởi phục, vì cuộc sống, kẻ ngu tiếp nhận thù lao, người trí công thành thân thoái, không cầu công cho bản thân.
          Thời Tây Hán, khi Hán Tuyên Đế đương chính, Bột Hải 渤海 (nay là vùng Thương Châu 沧州 Hà Bắc 河北) cùng các quận lân cận phát sinh nạn đói, trộm cướp nổi lên như ong vỡ tổ. Thái thú các quận không thể ngăn chận. Tuyên Đế yêu cầu tuyển chọn người có khả năng trị lí, Thừa tướng và quan Ngự sử tiến cử Củng Toại 龚遂, Tuyên Đế lệnh ông ta làm Thái thú quận Bột Hải.
          Năm đó Củng Toại đã 70 tuổi. Khi hoàng đế triệu kiến, thấy ông dáng người thấp bé, tướng mạo cũng không uy nghi, giống như người không có bản lĩnh, trong lòng có ý xem thường, bèn hỏi ông rằng:
          - Khanh dùng cách gì để dẹp yên trộm cướp?
          Củng Toại đáp rằng:
          - Vùng đất hải tân xa xôi, không tắm gội được sự giáo hối của hoàng thượng, bách tính nơi đó đang lâm cảnh cơ hàn mà quan lại không hề quan tâm, nhân đó mà bách tính nơi đó giống như một đám con của bệ hạ, lấy trộm binh khí của bệ hạ múa may đánh nhau bên đầm Tiểu Thuỷ 小水. Hiện bệ hạ muốn thần trấn áp họ hay vỗ yên họ?
          Tuyên Đế nghe có lí, thần sắc nghiêm túc lại, nói rằng:
          - Trẩm tuyển dụng thần tử hiền lương làm Thái thú, đương nhiên là muốn vỗ yên bách tính.
          Củng Toại nói rằng:
          - Thần hạ nghe nói, trị lí bách tính tính gây loạn giống như chỉnh lí một đoạn dây bị rối thành cục, không thể nôn nóng gấp vội. Thần hi vọng Thừa tướng và quan Ngự sử không nên lấy pháp luật hiện có mà ước thúc thần, cho phép thần sau khi đến nơi, mọi việc đều căn cứ vào tình hình thực tế mà linh hoạt xử lí.
          Tuyên Đế đáp ứng yêu cầu của Củng Toại, đồng thời phái người đưa Củng Toại đến Bột Hải.
          Quan viên trong quận nghe nói tân Thái thú đến nhậm chức, liến phái quân đội nghinh tiếp, hộ vệ. Củng Toại bảo họ trở về, đồng thời phát bố cáo đến các huyện thuộc quận Bột Hải: bãi miễn toàn bộ quan lại trong quận mà đã truy bắt trộm cướp, phàm người nào trong tay cầm nông cụ cuốc liềm đều là dân lương thiện, quan lại không được bắt hỏi, người nào trong tay cầm binh khí là đạo tặc. Củng Toại đơn độc ngồi xe đến phủ. Bọn trộm cướp gây sự sau khi biết được huấn lệnh giáo hoá của Củng Toại, lập tức giải tán vất bỏ binh khí, cầm lấy cuốc liềm làm ruộng.
          Trải qua mấy năm, xã hội vùng Bột Hải ổn định, bách tính an cư lạc nghiệp, ấm no dư dả. Củng Toại nhân đó cũng được vang danh. Thế là Tuyên Đế triệu ông về triều. Củng Toại có một viên thuộc lại họ Vương, xin được đi theo với ông về Trường An, nói rằng:
          - Tôi sẽ có ích cho ngài
          Những thuộc lại khác lại không đồng ý, nói rằng:
          - Người này, từ sáng tới tối uống say, lại ưa nói khoác, đừng dẫn ông ta theo thì tốt hơn.
          Củng Toại bảo rằng;
          - Ông ta muốn theo cứ để ông ta theo.
          Sau khi đến Trường An, người họ Vương nọ suốt ngày say sưa, cũng không gặp Củng Toại. Một ngày nọ, khi ông ta nghe hoàng đế triệu kiến Củng Toại, liền nói với môn nhân rằng:
          - Đi gọi chủ nhân đến chỗ tôi, tôi có lời muốn nói.
          Với một tên cuồng đồ say sưa, Củng Toại cũng không so tính, quả ông đến thật.
          Người họ Vương nói rằng:
          - Nếu như thiên tử hỏi đại nhân trị lí Bột Hải như thế nào, đại nhân đáp như thế nào?
          Củng Toại nói rằng:
          - Tôi sẽ nói nhậm dùng hiền tài, khiến ai nấy đều làm hết khả năng của mình, nghiêm túc chấp hành pháp luật, thưởng phạt phân minh.
          Người họ Vương liên tục lắc đầu, nói rằng:
          - Không được! không được! nói như thế há chẳng phải là tự khoe sao? Xin đại nhân nói như thế này: ‘Đó không phải là công lao của tiểu thần, mà là do uy vũ thần linh của thiên tử cảm hoá!
          Củng Toại tiếp nhận kiến nghị đó, theo đó mà trả lời Hán Tuyên Đế. Quả nhiên Tuyên Đế vô cùng vui mừng, liền để Củng Toại bên cạnh, nhậm một chức quan hiển vinh mà lại nhẹ nhàng.
          Trước mặt công lao tự vui mừng, khó mà giữ được thân, đây là nhược điểm mà trời sinh cho nhân loại, cũng là nguyên nhân rước tai hoạ thường thấy. Giữ được thái độ lãnh đạm, khiêm tốn xử thế, làm người thấp bé mới giảm được sự đố kị oán hận của mọi người.
          Tóm lại “Xả vật xử nghi, ân bất đồ báo” nhìn từ giác độ đạo đức, là sự thăng hoa đối với mĩ đức dâng hiến; nhìn từ giác độ lập thân xử thế, đó là sách lược minh triết bảo thân. Chúng ta hiện nay cũng nên từ đó hấp thu kinh nghiệm xử thế làm người, lập đức tu thân. Theo bản tâm của mình mà ra tay cứu giúp, cũng theo nguyên tắc hư cảnh mà quên đi ơn huệ đã từng ban cho người.
          Không nên nhân vì so đo tính toán được mất mà do dự không quyết, càng không nên vì muốn có được báo đáp mà hiển lộ kiêu ngạo. Việc tu dưỡng nhân phẩm và quan hệ giao tiếp như thế, sẽ giống như  hoa tươi sinh trưởng trong tự nhiên có được sự yêu thích tán thưởng của mọi người.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 24/11/2016

Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post