Dịch thuật: Xà can nương

XÀ CAN NƯƠNG (1)

          Ngày trước, tại vùng Phật Sơn 佛山 Quảng Đông 广东 có một goá phụ còn rất trẻ, chồng mất sớm muốn cải giá, nhưng người trong thôn cho là thương phong bại tục, định bắt goá phụ bỏ vào rọ heo dìm xuống sông. Sau khi nghe nói, goá phụ vừa giận vừa sợ, liền chạy đến một gian nhà ngói treo cổ tự tận. Từ sau khi goá phụ chết đi, người vào ở gian nhà đó, mỗi tối đều nghe thấy có tiếng động trên nóc, khiến ai nấy đều sợ hãi. Chẳng bao lâu, không ai dám vào ở gian nhà đó nữa.
          Một năm nọ, có một gia đình 3 người tránh nạn chiến tranh, từ Hồ Nam đến Phật Sơn, vào ở trong gian nhà đó. Chưa đầy một tháng, đứa con trai 10 tuổi suốt ngày kêu đau đầu, nằm trên giường nói mê, nói rằng trên nóc nhà có một con rắn lớn, đang há miệng muốn nuốt nó.
          Ngày nọ, đứa bé vừa mới thiếp đi, trong cơn mơ nhìn thấy một con rắn lớn trên xà nhà đang há miệng trườn xuống, đứa bé sợ hãi thét to:
          - Cha! Con rắn lại muốn nuốt con. Cha mau lại đuổi nó đi!
          Nhưng, khi người cha chạy vào nhà, thì không thấy gì.
          Chẳng bao lâu, người vợ mang thai, cuộc sống càng khó khăn hơn, mỗi ngày người chồng đi xay gạo thuê cho người ta kiếm tiền sống qua ngày, tiền công nhận được mỗi ngày đủ chi dùng cho củi lửa cơm nước. Nơi đầu thôn có một cây đa lớn, bảy tám người mới ôm đủ vòng, người chồng phần lớn thời gian đến đây kiếm củi.
          Một buổi xế chiều nọ, người chồng lại đến dưới cây đa, nhìn thấy trên cây có nhiều cành khô, định trèo lên để bẻ. Khi anh ta trèo đến một chạc cây lớn, chỉ nghe một tiếng “rắc”, cành cây lớn bị gãy, anh ta từ trên cây té xuống gãy mất chân trái, đau vô cùng muốn rơi nước mắt. Anh ta cảm thấy rất kì lạ, nghĩ bụng: “Cành cây lớn như thế, sao mà gãy được? Nhất định là có yêu quái gì đây”. Nhìn khắp lá trên cây, chỉ thấy cành lá tươi tốt, không có gì khác lạ. Anh ta đành phải cho rằng mình bị xui, đi cà nhắc về nhà.
          Mới được vài bước, bỗng nhiên nhìn ở đống đá lớn thấy phía sau cây có một con rắn cuộn. Anh ta thất kinh, hồn bất phụ thể, vội lết về nhà. Anh ta thề rằng, không đến cây đa đó để kiếm củi nữa.
          Nửa tháng sau, người vợ sinh sắp sinh, bụng quặn đau không chịu nỗi, đứa con lại bệnh đang nằm trên giường, vết thương ở chân của mình cũng chưa khỏi, đi lại không tiện, trong lúc gấp gáp, anh ta không biết phải làm thế nào.
          Chính vào lúc đó, đột nhiên nghe có tiếng động trên xà nhà, một con rắn lớn đang trườn xuống, trong phút chốc căn nhà sáng rực lên, anh ta định thần nhìn kĩ, con rắn này giống con rắn cuộn ở cây đa. Anh ta càng sợ hơn, tưởng rằng nó đến nuốt mình. Nhưng sau khi ánh sáng qua đi, không thấy con rắn nữa. Trong gian nhà tối tăm chỉ thấy một người đàn bà nông thôn bên cạnh giường giúp vợ anh ta sinh con, động tác vô cùng thành thạo. Lúc sau, đứa bé khóc oa oa  ra đời, người đàn bà liền bế đứa bé giao cho mẹ nó để cho bú. Hoá ra, đứa bé sinh ra là một bé gái, vô cùng kháu khỉnh đáng yêu, người mẹ liền cho con bú. Sau đó, người đàn bà đó quay người lại rờ vào đứa bé đang bị bệnh nằm trên giường, mỉm cười với nó, gật gật đầu rồi đẩy cửa bước ra ngoài. Người chồng bên cạnh ngơ ngác, một lúc sau chạy theo ra cảm tạ, nhưng không thấy gì ngoài cửa.
          Nói ra cũng lạ, từ sau khi người đàn bà rắn ra đi, chưa đến hai ngày, chân anh ta khỏi hẳn, đứa bé cũng hết bệnh, cả nhà bình an. Chẳng bao lâu, binh lửa đã qua, người dân chạy tránh nạn đều quay trở về quê nhà, riêng gia đình này ở lại thôn đó lập nghiệp. Để cảm tạ người đàn bà từ rắn biến thành, họ bèn gọi bà là “xà can nương” 蛇干娘, đồng thời lập thần vị cho “xà can nương”, cả nhà sớm tối hương khói lễ bái, cảm tạ ân đức.

Chú của người dịch
1- Can nương 干娘: mẹ nuôi

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 03/11/2016

Previous Post Next Post