TẦN VƯƠNG PHÙ KIÊN
(tiếp theo)
Sau đó
mấy năm, Phù Kiên lại sai quân trước sau tiêu diệt thế lực cát cứ của nước
Đại 代 là Dương Toản 杨纂,
Tiền Lương 前凉 thủ lĩnh thị tộc Cừu Trì 仇池
(nay là phía tây huyện Thành 成 Cam Túc 甘肃), đồng thời vào năm Thái Nguyên 太元 thứ 7 đời Tấn Hiếu Vũ Đế (năm 382) sai Đại tướng Lữ
Quang 吕光 tiến quân Tây vực, liên tiếp thảo phạt bình định 36
nước Tây vực, từ cuối thời Tây Tấn đến đó, cục diện trường kì cát cứ lưu vực
Hoàng hà cuối cùng đã được thống nhất.
Sau khi
thống nhất phương bắc, Phù Kiên quyết tâm điều động tập trung trăm vạn đại
quân, thừa thế tiêu diệt Đông Tấn. Vương Mãnh bệnh mất năm Ninh Khang 宁康 thứ 3 (năm 375) trước đó, từng cảnh giới Phù Kiên
không nên gấp đánh Đông Tấn. Nhưng Phù Kiên liên tục thắng lợi, tâm cao khí hứng,
chí luôn muốn được.
Tháng
10 năm Thái Nguyên thứ 7, Phù Kiên triệu tập quần thần thương nghị công Tấn. Phù Kiên nói rằng:
- Từ lúc trẫm lên ngôi tới nay, gần 30 năm rồi.
Hiện bốn phương đã ổn định, chỉ còn sót lại góc đông nam chưa chinh phục. Hiện
trưng tập 900.000 sĩ tốt, trẫm đích thân dẫn quân phạt Tấn, các khanh thấy như
thế nào?
Bí thư
giám Chu Dung 朱肜 xưng tụng uy đức, cho rằng đó là thời cơ. Phù Kiên
nghe qua vô cùng vui mừng, nhưng nhiều đại thần lại bày tỏ sự phản đối, cho rằng
quân thần Đông Tấn hoà mục, nội ngoại đồng tâm, lại ở vào nơi Trường giang
thiên hiểm, e rằng không dễ gì thắng lợi. Phù Kiên không cho là như thế, nói rằng:
- Ngô Vương Phù Sai 夫差 thời Xuân Thu và Ngô Chủ Tôn Hạo 孙皓 thời Tam Quốc, họ ở vào nơi Trường giang thiên hiểm,
cuối cùng đều không thể tránh khỏi diệt vong. Hiện trẫm có gần trăm vạn đại
quân, lấy roi ngựa ném xuống dòng Trường giang, cũng đủ để chặn được dòng, sợ
gì thiên hiểm?
Nhưng,
đại đa số thần liêu vẫn phản đối việc xuất quân phạt Tấn, khiến không thể quyết.
Phù
Kiên lệnh cho quần thần rút lui, chỉ giữ lại người em là Dương Bình Công Phù
Dung 阳平公苻融 cùng thương lượng. Không ngờ Phù Dung cũng phản đối
phạt Tấn, khẩn thiết nói với Phù Kiên:
- Theo thần thấy, trước mặt việc phạt Tấn có 3
cái khó: một là thời cơ bất lợi, hai là triều Tấn không sơ hở để tấn công, ba
là quân ta chinh chiến liên miên, tướng sĩ mỏi mệt, bách tính gánh vác nặng nề,
họ đều không muốn đánh nhau. Người nói không thể chinh phạt triều Tấn đều là những
trung thần, hi vọng bệ hạ thu nạp ý kiến của họ.
Phù Kiên
tràn trề hi vọng Phù Dung ủng hộ phạt Tấn vô cùng thất vọng, mặt biến sắc nói rằng:
- Không ngờ khanh cũng như thế, trẫm còn biết
trông mong vào ai? Trẫm có trăm vạn tinh binh, khí giới chất cao như núi. Trẫm
tuy không phải là vị quân chủ anh minh, nhưng cũng không phải là vị hôn quân
nhu nhược. Thừa lúc hình thế đánh nhau luôn thắng lợi, đi thảo phạt Đông Tấn sắp
diệt vong, sợ gì không giành được thắng lợi? quyết không thể lưu Đông Tấn mà di
hại đến con cháu, trở thành hoạ hoạn trường cửu cho đất nước!
Phù
Dung rơi nước mắt, một lần nữa khuyên can:
- Triều Tấn không thể diệt vong là việc rất rõ
ràng. Hiện cử binh phạt Tấn, e rằng khó nắm được thắng lợi. Huống chi đáng lo
trước mắt không phải là triều Tấn. Hiện thế lực các tộc Tiên Ti 鲜卑, Khương 羌, Yết 羯 đã gần kinh sư, họ đều có dị tâm. Nếu bệ hạ thân
chinh, chỉ để lại thái tử và mấy vạn sĩ tốt suy nhược lưu giữ kinh sư, thần sợ
sẽ có cái hoạn tâm phúc. Đến lúc đó có hối cũng không kịp. Cho dù ý kiến của thần
không đáng để thu nạp, lẽ nào những lời của Vương Mãnh lúc lâm chung bệ hạ cũng
quên?
Nhưng
quyết tâm của Phù Kiên đã định, cố chấp không chịu nghe theo lời khuyến cáo của
Phù Dung.
Các đại
thần phản đối phạt Tấn vẫn không cam tâm, lại cổ vũ cao tăng Đạo An 道安
- người mà Phù Kiên thường ngày rất tín nhiệm, phi tử Trương phu nhân – người
mà Phù Kiên rất sủng ái và người con nhỏ là Phù Sằn 苻诜
thay nhau khuyên Phù Kiên, nhưng không có tác dụng. Ngược lại, hàng tướng Mộ
Dung Thuỳ 慕容垂 của Tiền Yên ra sức xúi giục Phù Kiên phạt Tấn, Phù
Kiên cho là tri kỉ, vui mừng nói rằng:
- Người cùng với trẫm bình định thiên hạ chỉ
có một mình khanh mà thôi!
Tháng 8
năm Thái Nguyên thứ 8 (năm 383), Phù Kiên hạ lệnh đem hơn 80.000 quân chia
thành 3 lộ, thuỷ lục cùng tiến. Phù Kiên đích thân nắm quân chủ lực, lấy Phù
Dung làm tiền phong, từ Trường An xuất phát, rầm rầm rộ rộ tiến đến Đông Tấn.
Nhưng,
quân đội Tiền Tần gặp phải sự kháng cự ngoan cường của Đông Tấn. Tháng 10 năm
đó, đội quân tiền phong của hai bên gặp nhau tại Lạc Giản 洛涧, Thọ Dương 寿阳, đối đầu nhau tại
Phì thuỷ 淝水. Phù Kiên và Phù Dung cùng lên đầu thành Thọ Dương
quan sát, chỉ thấy quân Tấn dàn trận nghiêm chỉnh, tướng sĩ tinh nhuệ, cảm thấy
gặp phải đối thủ mạnh, trong lòng không tránh khỏi hoảng loạn, đến nỗi thấy cây
cỏ trên núi Bát Công 八公 cũng tưởng là quân
Tấn.
Quân Tấn
thừa lúc đội quân Tiền Tần mới đến chưa ổn định, lợi dụng tâm lí kiêu ngạo và
hiếu thắng của Phù Kiên, dùng kế vượt qua sông Phì đánh bại đội quân Tiền Tần.
Phù Dung trận vong, Phù Kiên cũng bị trúng tên, vội vã tháo lui. Sĩ tốt Tiền Tần
mất hồn mất vía ngày đêm bỏ chạy không dám ngừng nghỉ, nghe tiếng gió thổi, tiếng
hạc kêu cũng tưởng là quân Tấn đang đuổi theo, lại thêm đói khát, nên bỏ trốn,
tổn thất đến 7, 8 phần 10, toàn quân dường như tan vỡ.
Từ trận
chiến Phì thuỷ, Tiền Tần không phấn chấn lên được, các nước trước kia bị Phù
Kiên tiêu diệt cũng nối nhau phục quốc, thủ lĩnh dân tộc thiểu số cũng chiếm đất
tự lập, phương bắc một lần nữa rơi vào cục diện phân liệt cát cứ. Năm Thái
Nguyên thứ 10 (năm 385), Phù Kiên bị Diêu Trường 姚苌
vốn là bộ tướng của ông bắt giết, năm đó Phù Kiên 48 tuổi.
Mười năm sau, Tiền Tần bị Hậu
Tần công diệt.
Chú của người
dịch
Họ Phù 苻 vốn trước là họ Bồ 蒲,
thuỷ tổ là Bồ Hồng 蒲洪 cũng chính là tổ phụ của Phù Kiên. Sau nhân vì trên
“dự ngôn thư thần bí” có câu “thảo phó đương vương” 草付当王, nên Bồ Hồng đã đổi sang họ Phù. Phụ thân Phù Kiên là Phù Hùng 苻雄, bác là Phù Kiện 苻健.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/11/2016
Nguyên tác Trung văn
TẦN VƯƠNG PHÙ KIÊN
秦王苻坚
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật